(Baonghean) - Trong 2 lần rà soát hộ nghèo gần đây, không ít hộ dân ở xã vùng cao Tri Lễ, huyện Quế Phong đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, dẫu biết sẽ mất đi những khoản trợ cấp của Nhà nước. Đó là những tín hiệu vui trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Điều đó cũng cho thấy rất nhiều đồng bào không còn “trông chờ, ỷ lại” mà vươn lên mạnh mẽ, làm chủ cuộc sống...
 
Tôi đã có nhiều dịp đến với mảnh đất biên viễn Tri Lễ. Và lần nào cũng vậy, mảnh đất này đều mang lại cho tôi những điều mới mẻ và bất ngờ thú vị. Đợt này, Tri Lễ vừa tổ chức rà soát xong danh sách hộ nghèo năm 2015. Ngoài những con số đáng phấn khởi về tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, thì trong câu chuyện được cán bộ, nhân dân xã Tri Lễ kể nhiều nhất là ở bản Chiềng, tiếp tục có người dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. 
image_7052055.jpgĐảng viên Lương Văn Sinh (phải) tự rút khỏi hộ nghèo.
Bản Chiềng có 74 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu. Nơi vùng cao biên giới, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Hàng trăm miệng ăn quanh năm chỉ trông chờ vào diện tích 13 ha sản xuất lúa nước, trong đó có 11 ha làm được 2 vụ, rồi diện tích trồng sắn, ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, bản vẫn còn 49 hộ thuộc diện nghèo. Trong đợt xét hộ nghèo năm 2014, cả bản có 7 đảng viên tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo và trong đợt bình xét hộ nghèo cho năm 2015 vừa qua, cả bản tiếp tục có 3 đảng viên là: Hà Thị Kim, Hà Văn Tiên, Hà Văn Thông tự nguyện xin rút ra khỏi hộ nghèo. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lô Văn Huyên - Bí thư Chi bộ bản Chiềng phấn khởi nói: “Trong mỗi đợt sinh hoạt, chi bộ đều triển khai nội dung vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, nhiều đảng viên đã tập trung phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, gương mẫu tự rút ra khỏi hộ nghèo để bà con nhìn vào đó mà học tập”.
 
Bà Lô Thị Duyên là một trong những đảng viên xin rút khỏi hộ nghèo.
Tiêu biểu trong số đó là gia đình đảng viên Lương Văn Sinh. Theo hướng dẫn của Ban Quản lý bản Chiềng, tôi đến thăm trang trại của gia đình ông nằm khép mình trong một thung lũng hẹp của dãy núi Phá Cáng. Sinh năm 1952, ông từng tham gia dân công hỏa tuyến, sau đó về quê làm cán bộ xã trong một thời gian khá dài rồi nghỉ nhận chế độ một lần. Tuy nhiên, gia đình có 5 người con, lại phụng dưỡng bố mẹ già và 1 người cô nên cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Trong tình cảnh đó, ông đầu tư khai hoang đất đai, phát triển sản xuất. Giờ đây, trên diện tích ruộng bậc thang trên 1 ha lấy nước tưới từ thác Nậm Họng, mỗi năm chỉ làm được một vụ do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng nhờ cần mẫn chăm nom, gia đình cũng thu được 4 tấn lúa, đủ ăn và phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 4 con trâu, hơn 10 con bò, nuôi lợn, gà và có 1.000 m2 ao nuôi các loại cá trắm, rô phi... Sau bao tháng ngày vất vả, cuộc sống của gia đình ông cũng dần đi vào ổn định. Bà Lô Thị Bình - vợ ông Lương Văn Sinh tâm sự chân thành: “Cô con gái bị đau bệnh tim giờ vẫn chưa có tiền đi mổ, vợ chồng ta giờ cũng nuôi thêm 2 đứa con cho nó. Còn vất vả lắm, nhưng vợ chồng ta vẫn xin ra khỏi hộ nghèo của năm 2014”. Ông Sinh ngồi cạnh bên, bày tỏ: “Mình chưa khá giả gì, nhưng trong bản vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khổ hơn mình. Vợ chồng tôi bàn bạc và thống nhất, mình là đảng viên, phải gương mẫu đi trước tích cực sản xuất, chăn nuôi thoát nghèo để bà con học tập...”.
 
Chia tay gia đình ông Sinh, tôi đến thăm gia đình bà Lô Thị Duyên, một trong những đảng viên chủ động xin ra khỏi hộ nghèo của năm 2014. Trên diện tích 4 ha đất khai hoang, gia đình bà làm 3 ha lúa 2 vụ, mỗi năm cũng thu về 5 - 6 tấn lúa. Ngoài ra, bà còn nuôi thêm 3 con bò, 2 con trâu và có khoảng 150m2 ao nuôi cá, đồng thời, bà dành một ít diện tích đất trồng rau. Bà Lương Thị Duyên cho biết: “Lúa gạo thì cũng đủ dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi. Vào vụ thu hoạch rau, hàng ngày tôi còn hái rau mang ra chợ xã bán, trung bình cũng được 50 ngàn đồng. Cuộc sống vì thế cũng ổn định hơn trước rất nhiều”. Điều đáng trân trọng là bà đã chủ động, nhiệt tình vận động và hướng dẫn cho nhiều hộ trong bản cách sản xuất, trồng rau để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập. Đơn cử như hộ ông Vi Văn Tường và bà Lô Thị Chuyên. Nhờ sự khích lệ của bà Duyên, hai vợ chồng ông Tường không an phận chịu cảnh đói nghèo, tập trung khai hoang thêm đất sản xuất để làm ruộng, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Ngoài trồng lúa, gia đình còn nuôi 3 con bò, nuôi cá, gà, vịt. Để tăng thêm thu nhập, sau khi được bà Duyên hướng dẫn, gia đình còn trồng rau để sử dụng và để bán. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày bình quân cũng được 60 - 100 ngàn đồng. Từ đó, vợ chồng ông Tường đã xung phong rút khỏi danh sách hộ nghèo năm 2014.
 
Không chỉ ở bản Chiềng, mà ở nhiều bản khác của xã Tri Lễ còn có nhiều hộ tự nguyện xin “thoát nghèo”. Theo ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, trong đợt xét hộ nghèo năm 2014, có trên 20 trường hợp, chủ yếu là trưởng bản và bí thư chi bộ xin ra khỏi hộ nghèo và trong năm 2015 tiếp tục có nhiều trường hợp khác. “Không phải tất cả các hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo đều có cuộc sống khá giả. Nhưng nhìn chung, các hộ này đều cố gắng phát triển kinh tế nên cuộc sống đỡ hơn nhiều so với các hộ nghèo khác. Đó là điều đáng mừng vì họ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thậm chí, như trường hợp đảng viên Lữ Văn Thường ở bản Lằm nhất quyết xin ra khỏi hộ nghèo vì thuộc diện hộ nghèo lâu quá nên xấu hổ với bà con”, ông Thu cho biết.
 
Như vậy, có thể thấy, tư tưởng của người dân, nhất là những đảng viên ở các bản làng đã có chuyển biến tích cực, qua đó, góp phần giúp công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Tri Lễ đạt được những kết quả quan trọng. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 73,8% năm 2011 xuống còn 55,7% năm 2014. Bình quân thu nhập đầu người từ 5,5 triệu đồng/người năm 2010, nâng lên 9,4 triệu đồng/người năm 2014. Những con số biết nói ấy là minh chứng rõ nét cho những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân được các cấp ủy đảng và chính quyền triển khai trên địa bàn, như mô hình trồng chanh leo, giống lúa chịu lạnh Japonica, trồng đào Mông, nuôi cá lồng... Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung của huyện Quế Phong và cả tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tri Lễ vẫn còn cao. Do đó, hy vọng rằng, sự tiên phong của các gia đình tự nguyện ra khỏi hộ nghèo sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người dân vươn lên thoát nghèo mạnh mẽ, không an phận, thủ thường. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai xuống địa bàn mới được hấp thụ tốt hơn, và theo đó, công cuộc giảm nghèo ở vùng cao biên viễn ngày càng bền vững.
 
Bài, ảnh: Nhật Lệ