(Baonghean) - Huyện Nghĩa Đàn hiện có 11 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1 hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012 là Hợp tác xã Phủ Quỳ, xã Nghĩa Hiếu. Tuy mới ra đời nhưng Hợp tác xã Phủ Quỳ đã chứng tỏ được vai trò bà đỡ cho những xã viên ở đây. Đó là chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, những ứng dụng KHKT, tìm thị trường cho sản phẩm.
Nghĩa Đàn có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, từ đó vai trò về bà đỡ, liên kết tổ nhóm để sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cùng tạo lợi nhuận cho nông dân trở nên quan trọng. Việc chuyển đổi các hợp tác xã kiểu cũ sang hợp tác xã kiểu mới là đòn bẩy, hướng đi tất yếu được Nghĩa Đàn khuyến khích.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã chuyển đổi một hợp tác xã kiểu mới là hợp tác xã Phủ Quỳ, xã Nghĩa Hiếu. Tuy mới thành lập nhưng hợp tác xã Phủ Quỳ đã trở thành vai trò trung gian kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Hiện nay hợp tác xã có 10 thành viên chủ yếu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây có múi như bưởi, cam, quýt. Khi tham gia vào hợp tác xã các thành viên ở đây đã được chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Nguyễn Hùng, thành viên hợp tác xã ở xóm Trung Tâm, xã Nghĩa Hiếu chia sẻ: Đối với nông dân, trồng cây mà năng suất tăng, sản lượng lớn, đầu ra sản phẩm ổn định là yên tâm rồi. Vào HTX chúng tôi đạt được mục tiêu đó nên rất phấn khởi. Năm 2015, gia đình anh Hùng có 1 ha cam, so với các năm khác diện tích cam không đổi nhưng cách làm, chăm sóc và tiêu thụ thì đã thay đổi. Được sự giới thiệu của HTX, giá cam cao hơn và ổn định hơn. Anh Nguyễn Hùng cũng cho biết thêm: Trong hợp tác xã luôn có sự chia sẻ về kinh nghiệm chứ không mạnh ai nấy làm như trước, kỹ thuật, phân bón cũng được giúp đỡ. Đặc biệt khâu đầu ra, ở hợp tác xã chúng tôi cùng nhau họp bàn tìm đầu ra, không sợ ép giá như làm riêng lẻ.
Chị Nguyễn Thị Hương - Giám đốc HTX Phủ Quỳ đã mạnh dạn đi đầu tìm giống, đầu ra, tạo thương hiệu cho cây bưởi Hương Quang, sau đó nhân rộng cho các hộ gia đình trong HTX. Bên cạnh đó, các thành viên thường xuyên trao đổi giúp đỡ nhau về kỹ thuật trồng bưởi và định hướng để về lâu dài đưa sản phẩm cây bưởi gắn với tên tuổi của HTX. Đến nay, Hợp tác xã Phủ Quỳ đã có niềm vui khi sản phẩm cây bưởi có mặt ở siêu thị Big C Vinh, bên cạnh đó bưởi còn được tiêu thụ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình... Hợp tác xã tiếp tục tạo thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Nhờ có sự hỗ trợ nhau trong ngôi nhà chung nên việc sản xuất của HTX gặp nhiều thuận lợi hơn. Hiện nay, thu nhập mỗi hội viên HTX đạt từ 200 - 250 triệu đồng/năm, mỗi năm hợp tác xã thu trên 2 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Hương - Giám đốc HTX Phủ Quỳ cho biết: Khi thành lập, HTX gặp nhiều thuận lợi như có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong kinh nghiệm, kỹ thuật, đầu ra. Các gia đình cùng tìm đầu ra sản phẩm, thỉnh thoảng HTX tổ chức hội họp, có phòng nông nghiệp về chuyển giao một số công nghệ kỹ thuật.
Nghĩa Đàn đang tiếp tục chuyển đổi hợp tác xã Đại Đồng và Đại Thắng của xã Nghĩa Hội thành Hợp tác xã Đồng Thắng. Xác định Nghĩa Hội là xã sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích các cây trồng lớn, Hợp tác xã Đồng Thắng tập trung kinh doanh, cung cấp các loại phân bón, giống và thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Đồng Thắng còn nhận làm công tác môi trường trên toàn xã, thu gom rác thải của tất cả các xóm.
Ông Nguyễn Huy Anh - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: Nghĩa Đàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên hợp tác xã chủ yếu kinh doanh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi, Nghĩa Đàn gặp không ít khó khăn tuy nhiên, chuyển đổi hợp tác xã sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là nhu cầu tất yếu, có lợi cho nông dân. Về kế hoạch chuyển đổi HTX, trước đây Nghĩa Đàn có 11 HTX, trong đó có HTX Phủ Quỳ đã hoạt động theo Luật HTX năm 2012, huyện đang chỉ đạo để chuyển đổi HTX Đại Đồng, Đại Thắng, trên cơ sở đó, nhân rộng HTX trên địa bàn Nghĩa Đàn.
Đinh Thùy