Kết quả khảo sát mặt hàng nước mắm do Vinastas (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố cho biết, 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (Arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép khiến người tiêu dùng hoang mang, siêu thị và các nhà phân phối đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất nước mắm giải trình…

 » 'Thạch tín hữu cơ trong nước mắm gần như vô hại'
 

san-xuat-nuoc-mam_tumo.jpg?width=670Người tiêu dùng hoang mang vì công bố của Vinastas liên quan đến hàm lượng arsen trong nước mắm. Ảnh: TL

Người dùng hoang mang, doanh nghiệp chật vật giải thích

Mới đây, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành; phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.

Kết quả nhấn mạnh vào những loại mắm có hàm lượng độ đạm cao, đồng nghĩa với arsen tổng cao. Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có "hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định".

Theo đại diện Vinastas, cuộc khảo sát nêu trên kéo dài hơn 1 tháng, thực hiện với 150 mẫu từ 19 tỉnh thành và “tất nhiên có nhà tài trợ” cho cuộc khảo sát này nhưng cũng khẳng định “Hội không nhận tiền của bất kỳ doanh nghiệp nào để thực hiện cuộc khảo sát”.

Ngay bên lề buổi công bố kết quả, đại diện Vinastas cho biết không công bố danh tính của các sản phẩm không đạt mà thông tin chỉ mang tính cảnh báo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tối cùng ngày, một số trang mạng xã hội đã đăng tải kết quả khảo sát nước mắm kể trên với bảng biểu được sắp xếp theo mức độ ô nhiễm arsen đầy đủ tên và nhà sản xuất.

Thời điểm này, nhiều ý kiến hoài nghi về “động cơ” thực sự của Vinastas với chức năng bảo vệ người tiêu dùng cũng đã được đưa ra. Ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế và những nhà sản xuất nước mắm cho biết, Vinastas đang nhân danh người tiêu dùng và chính là làm người tiêu dùng hoang mang hơn, đồng thời gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm cho biết, các siêu thị, các nhà phân phối đang yêu cầu giải trình, giải thích cho từng khách hàng.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc CTCP thủy sản 584 Nha Trang cho biết, khi thông tin trên đưa ra đã khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi, với trách nhiệm của người kinh doanh, ông Diệp kiên nhẫn trả lời từng người tiêu dùng. “Mình đang trong thế tự vệ nên cần giải thích cho từng người, từng khách hàng, rất mệt mỏi”, ông Diệp nói.

Cũng theo ông Diệp, bên cạnh một số khách hàng tỏ ra lưỡng lự, các siêu thị, nhà phân phối cũng yêu cầu các bảng kiểm. “Như vậy gây thiệt hại cho doanh nghiệp và chúng tôi là nhà sản xuất nước mắm truyền thống, không phải như nước công nghiệp nay, mai có sản phẩm. Chúng tôi khi phục vụ cho bà con dịp tết này cũng phải chuẩn bị sản xuất trước 3-4 tháng vì nước mắm phải đủ độ chín. Khi thông tin như này doanh nghiệp dự trữ nếu không bán được thì làm sao, nếu đã dự trữ mà không bán được hàng sẽ làm thế nào”, ông Diệp đặt câu hỏi.

“Marketing dựa trên sự sợ hãi khó thành với nước mắm”

Về thông tin từ Vinastas, đơn vị đã công bố kết quả khảo sát đã thực hiện cuộc khảo sát 150 mẫu nước mắm trong hơn 1 tháng tại 19 tỉnh, thành, ông Diệp cho biết, việc Vinastas lấy mẫu kiểm định không có sự chứng kiến của doanh nghiệp, nếu lấy mẫu để kiểm tra thông tin không sao nhưng lấy mẫu để công bố thông tin như đã làm là không đúng quy trình.

Lực lượng chức năng Nghệ An kiểm tra chất lượng nước mắm cổ truyền. Ảnh: Vân Nguyễn

“Khi lấy mẫu kiểm tra phải có doanh nghiệp cùng lấy mẫu, cùng lưu mẫu và đối chứng vì bản thân mẫu kiểm tra nhiều khi chênh lệch. Bản thân chúng tôi từng nhiều lần đi giải quyết vấn đề này”, ông Diệp nói thêm.

Vị giám đốc doanh nghiệp này cũng cho biết, ông chưa biết mục đích của Vintastas khi công bố khảo sát nước mắm. “Danh sách rò rỉ cùng ngày Vinastas công bố kết quả khảo sát, liệu Vinastas có bị tác động hay không? Tôi cho rằng Vinastas làm vậy là không đúng, không minh bạch”, ông Diệp nhấn mạnh.

Ông Diệp cũng đề cập những thông tin đang được giới truyền thông phân tích là phương pháp kinh doanh, marketing trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng mà Masan đã từng áp dụng đối với các sản phẩm như nước tương không 3MDCP, mì tôm không chứa transfat, cà phê được làm từ cà phê… tiếp đến là nước mắm.

“Có lẽ ai đó nếu sử dụng chiêu thức này với nước mắm là sai, đây không phải ngành nghề nhỏ lẻ, cá nhân mà là hiệp hội ngành nghề nhiều đời nay nên nếu áp dụng sẽ không thể thành công”, ông Diệp cho hay.

Trước những thông tin được đưa ra bởi Vinastas, Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc cũng đã gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế… đề nghị tổ chức hội đồng đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý của kết quả khảo sát mà Vinastas công bố.

Trao đổi trên báo chí, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế, cho biết, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm phải thực hiện theo đúng quy trình từ lấy mẫu, gửi kiểm nghiệm kết quả mới đáng tin cậy.

Theo Nguyễn Thảo/bizlive