(Baonghean) - Trong những năm qua, tại các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập xảy ra tình trạng hợp đồng lao động không đúng quy định. Qua chấn chỉnh, đã lộ rõ những tồn tại, bất cập...
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là đơn vị mắc phải những vi phạm trong hợp đồng lao động và được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ kiểm tra làm rõ. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được thành lập theo Quyết định số 69/2011 ngày 16/11/2011 của UBND tỉnh; biên chế được giao 8 người; ngoài ra, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Giám đốc quỹ được hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. Sau gần 1 năm kể từ ngày có quyết định thành lập, đến tháng 9/2012, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã ký hợp đồng lao động với 9 người. Lương chi trả bình quân cho 9 lao động/năm là 214,5 triệu đồng. Theo Báo cáo số 750/BC-SNV về kết quả kiểm tra hợp đồng lao động tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thì nguồn kinh phí chi trả lương cho 9 lao động là từ kinh phí không tự chủ, nội dung chi thường xuyên, mục lương, các khoản đóng góp hợp đồng tự trang trải, do UBND tỉnh quyết định chi bổ sung dự toán ngân sách cho quỹ. Báo cáo 750 cũng nêu rõ: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là đơn vị mới thành lập, các điều kiện hoạt động chưa bảo đảm, tổ chức bộ máy chưa thật sự ổn định, khối lượng công việc chưa nhiều, ngân sách còn hạn hẹp. Do đó, việc ký kết hợp đồng lao động với số lượng lớn như trên là chưa hợp lý, gây lãng phí chung về tổ chức và ngân sách; việc ký hợp đồng lao động sau ngày Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 2800/UBND-VX ngày 8/5/2012 về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận, hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp là không chấp hành nghiêm quy định của UBND tỉnh; cơ cấu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với một số viên chức và hợp đồng lao động chưa phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm theo quy định; đơn vị thực hiện chế độ trả lương cho một số hợp đồng lao động chậm từ 1 - 2 tháng là vi phạm một phần nội dung hợp đồng lao động đã ký kết.
Trên cơ sở những nội dung đã kiểm tra, Sở Nội vụ đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện công tác tổ chức, biên chế và tuyển dụng, hợp đồng tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan trong việc ký kết, sử dụng lao động hợp đồng; đồng thời có biện pháp giải quyết, xử lý những tồn tại hạn chế...
Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cũng là đơn vị được UBND tỉnh xem xét, chấn chỉnh công tác tuyển dụng, hợp đồng lao động. Tại Quyết định 9039, UBND tỉnh yêu cầu Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chấm dứt hợp đồng làm việc với 15 trường hợp đã tuyển dụng, tiếp nhận và hợp đồng lao động chưa tuân thủ đúng quy trình, quy định; bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với các tập thể và cá nhân có liên quan...
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để giải quyết vấn đề này. Đó là Chỉ thị 30/2013/CT-UBND ngày 28/10/2013 về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong các cơ quan, đơn vị; Công văn 8554/UBND-TH ngày 13/11/2014 về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng HĐLĐ trong các cơ quan, đơn vị; Công văn 841/UBND-TH ngày 6/2/2015 về rà soát chấn chỉnh HĐLĐ trong các trung tâm giáo dục lao động, xã hội; Công văn 9836/UBND-TH về kiểm tra, rà soát chấn chỉnh HĐLĐ trong các cơ sở y tế... Đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân cấp theo Quyết định 57, Quyết định 04, yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị khi hợp đồng lao động đều phải xây dựng kế hoạch cơ cấu chỉ tiêu số lượng cần hợp đồng và chỉ được phép hợp đồng khi được UBND tỉnh phê duyệt. Tính từ thời gian thực hiện Chỉ thị 30/CT-UBND cho đến nay, việc hợp đồng lao động trong các cơ quan đơn vị đã được chấn chỉnh đáng kể, số lượng hợp đồng được giảm nhiều, việc ký kết hợp đồng lao động mới được tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định và thẩm quyền ký kết... Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, tổng số hợp đồng lao động tại các cơ quan đơn vị trước khi có Chỉ thị 30 là 4.758 người; sau khi thực hiện chỉ thị còn 2.158 người. Trong đó, có 856 người được tuyển dụng vào công chức, viên chức; 1041 người được hợp đồng lại theo chỉ tiêu đã được HĐND và UBND tỉnh quyết định; 261 người bị chấm dứt hợp đồng. Riêng số hợp đồng lao động như công chức trong các sở, UBND các huyện, trước Chỉ thị 30 có 148 người, đến nay đã xử lý (bao gồm cả tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng) là 112 người; số chưa xử lý là 43 người....
Những tồn tại
Từ ngày 1/1/2012 đến 30/6/2014, Ban Pháp chế của HĐND tỉnh đã thực hiện nhiều đợt giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Tại Báo cáo số 90/BC-HĐND ngày 18/11/2014 của HĐND tỉnh có nêu, dù UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng hợp đồng lao động không đúng quy định trong các cơ quan đơn vị, nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại và khá phổ biến trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (chủ yếu trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo). Hợp đồng lao động thường là các hợp đồng ngắn hạn, được ký đi ký lại nhiều lần, không đúng với quy định của Luật Lao động. Hợp đồng thu hút theo Công văn số 1876/CV-UB ngày 25/6/1999 về việc thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật đã chấm dứt từ năm 2007 theo Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhưng đến nay một số cơ quan, đơn vị vẫn thu hút công chức, viên chức; số lượng hợp đồng tự trang trải hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tồn đọng còn khá lớn trong các đơn vị sự nghiệp của Sở NN&PTNT, gây áp lực bố trí công tác và giải quyết chế độ tiền lương mà chưa có phương án giải quyết lâu dài. Bên cạnh đó, cũng tại Báo cáo số 90, HĐND tỉnh đã chỉ ra vấn đề giáo viên dôi dư, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tồn tại đã lâu nhưng chỉ mới có 3 huyện Hưng Nguyên, Yên Thành và Nghĩa Đàn xây dựng được đề án giải quyết...
Trong thời gian qua, Thanh tra tỉnh cũng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức đợt thanh tra chuyên đề về công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức. Theo một lãnh đạo của ngành này, tình trạng hợp đồng lao động không đúng quy trình, quy định vẫn còn phổ biến trong các cơ quan, đơn vị "đến khoảng 80%, nhất là ở tuyến huyện". Tuy nhiên, các cán bộ thanh tra cũng có sự chia sẻ rằng, sở dĩ có những việc như vậy là bởi tại các đơn vị, xuất phát từ nhu cầu thực tế, công việc đòi hỏi phải có nhân lực trong khi chỉ tiêu phân bổ ít; để được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cơ cấu chỉ tiêu số lượng lao động cần hợp đồng là một khoảng thời gian khá dài. Ví như, ở Văn phòng đăng ký QSDĐ Thành phố Vinh, khối lượng công việc lớn; để hoàn thành cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân, phải cử cán bộ theo sát các phường xã trên địa bàn, vậy nhưng chỉ có 12 biên chế; hay như tại Trung tâm Cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai TX. Cửa Lò, chỉ được giao 3 biên chế... Làm việc với Phòng Nội vụ - UBND Thành phố Vinh, được biết, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hiện tại có 32 người/12 biên chế. Theo ông Hồ Sỹ Tân, Trưởng phòng Nội vụ thành phố, trước đây Văn phòng có khoảng trên 50 người, từ trước khi tỉnh ban hành Chỉ thị 30, thành phố đã chủ động rà soát lại và thanh lý hợp đồng với hơn 20 người. "Thực tế là sức ép công tác chuyên môn quá lớn, ngoài áp lực đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân, còn phải tham gia thanh kiểm tra lĩnh vực đất đai; giải phóng mặt bằng... Vì nhu cầu thực tế nên mới xẩy ra việc hợp đồng lao động chưa đảm bảo quy trình, hợp đồng thời vụ ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố " - ông Tân nói.
Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, sau khi tiếp nhận Quyết định 9039 của UBND tỉnh, lãnh đạo nhà trường đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với 15 người theo yêu cầu; kiểm điểm và làm rõ đối với tập thể, cá nhân liên quan. Nguyên nhân được đưa ra là trường có một số công việc cụ thể chưa ổn định nên bị động trong sử dụng lao động, khi cần mới phát sinh nhu cầu và thực hiện hợp đồng; trong khi đó, cán bộ có liên quan lại chưa nắm rõ được Quyết định 57 của UBND tỉnh nên dẫn đến việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường thiếu bước trình xin ý kiến của UBND tỉnh.
Qua việc giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra nhiều những nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nhấn mạnh đến việc biên chế công chức, viên chức của tỉnh được giao ít so với tương quan các tỉnh bạn, trong khi Nghệ An là địa bàn lớn, dân số đông, cơ quan hành chính nhiều; Đề án vị trí việc làm của tỉnh trình Bộ Nội vụ từ năm 2013 nhưng vẫn chưa có kết quả thẩm định; việc thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng theo Quyết định 57/2013 của UBND tỉnh vẫn còn một số bất hợp lý, thậm chí có một số nội dung trái luật cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh; bên cạnh đó, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị, có lúc có nơi chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo sát sao công tác quản lý, tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động. trong khi, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu tuyển dụng, hợp đồng lao động còn hạn chế...
Công tác tuyển dụng, tiếp nhận và hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, vì vậy, cần phải được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 30; cần quan tâm đề ra các giải pháp để giải quyết những tồn dư để lại trước đây; bên cạnh đó, cũng cần rà soát nhu cầu thực tế lao động của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh để có sự phân bổ biên chế phù hợp, tránh tình trạng phát sinh nhu cầu lao động rồi hợp đồng không tuân thủ quy trình, quy định.
Nhóm P.V