(Baonghean) - Nằm ngay bên mép biển, giữa mênh mông sóng nước, thế nhưng, từ bao đời nay, người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Những ngày nắng nóng này, người dân phải mua nước với giá 20.000 đồng/khối. Đắt đỏ nhưng cũng rất khan hiếm, không phải lúc nào cũng có nước để mua.
 
Vượt qua cống bara Nghi Quang, huyện Nghi Lộc chúng tôi đến xã Nghi Thiết trong cái nắng như thiêu như đốt của những ngày đầu tháng 7. Tân Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Thành rót nước mời khách và lắc đầu ngao ngán: “Nắng nóng thì nơi mô cũng rứa, nhưng cái gay của Nghi Thiết là thiếu nước. Dù xã nằm ở sát biển, giữa mênh mông nước nhưng người dân phải mua nước với giá 20.000 đồng/khối, đắt gấp mấy lần ở thành phố”. Dứt câu chuyện với ông chủ tịch xã, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Thương, Xã đội phó Nghi Thiết hướng dẫn đi về xóm Rồng, nơi được xem là “khát nhất vùng bãi ngang”. Trời nắng. Gió biển thổi mạnh mang theo hơi muối mặn mòi. Con đường giữa xóm vừa lọt cho 2 xe máy tránh nhau càng trở nên chật chội, bí bách. Ở trên, chi chít những ống nhựa chạy song song với dây điện, nối từ nhà này sang nhà khác, nằm vắt vẻo, chằng chịt trên không trung... 
image_1099800.jpgXóm Rồng, xã Nghi Thiết nằm sát biển nhưng người dân lại thiếu nước sinh hoạt.
Hỏi ra mới biết, đây là hệ thống đường ống nước của các gia đình trong xóm. “Làng này quanh năm thiếu nước, người dân trong xóm phải mua nước từ giếng khơi của một số hộ ở đầu làng. Những vòi này nối từ bể giếng khơi, chạy thẳng vào mỗi nhà y như hệ thống nước máy ở thành phố vậy”, anh Bùi Thanh Cao, người dân xóm Rồng giải thích. Anh Cao cho biết, xóm Rồng tuy nằm sát bờ biển Lạch Lò nhưng vì lớp đất phía dưới toàn đá ong nên không có nước ngọt dùng. Nhiều hộ đã thuê người đào giếng khơi nhưng chỉ đào được 5 – 6 mét là phải dừng lại vì gặp lớp đá tảng quá cứng. Giếng khơi trở thành nơi để chứa nước mưa dùng dần. Mùa này, ít mưa, giếng khơi đều cạn, cả làng thiếu nước. Cách đây mấy năm, một số hộ dân có điều kiện khá giả thuê máy khoan chuyên dụng về khoan giếng lấy nước. Vượt qua được lớp đá ngầm, một số hộ đã tìm thấy mạch nước ngầm, bán nước cho người dân trong xóm. Ai muốn dùng nước ngọt thì đầu tư đường ống nhựa, kéo từ nhà mình đến chỗ bán nước. Phía cuối đường ống có lắp đồng hồ đo nước. Hàng tháng, chủ của giếng sẽ đi thu tiền nước như tiền điện. Giá hiện nay là 20.000 đồng/khối.
 
Giá đắt là vậy nhưng không phải ai cũng mua được nước. Vì nhu cầu ngày càng cao, các gia đình chung tiền nhau mua đường ống nước xương cá rồi chia vòi đi vào nhà mình để mua nước tập thể nên những gia đình có nước bán cũng không đủ cầu để cung cấp. Mỗi ngày, hệ thống vòi nước độc đáo này chỉ chảy 2 lần, mờ sáng và cuối buổi chiều. Các gia đình biết lịch bơm nước và chờ sẵn ở vòi để lấy nước sinh hoạt cho cả ngày. Vì hiếm nước nên cách sinh hoạt của người dân ở đây cũng có những điều độc đáo. Một chậu nước được ưu tiên để vo gạo, sau đó rửa rau rồi mới rửa chân tay. Tắm giặt thì đưa nhau ra biển, bởi bờ biển chỉ cách nhà vài bước chân, sau đó về dội lại nước ngọt... Anh Nguyễn Văn Thương, người dân xóm Rồng cho biết, nhà anh mỗi tháng sử dụng khoảng 10 khối nước ngọt, nhưng hiện nay không thể mua được nước vì nguồn cung đã cạn. Hàng ngày, anh phải dùng can nhựa, đi sang làng bên, tìm nhà nào có nước mua về dùng. Quần áo cả nhà đều tập trung lại rồi 1 đến 2 ngày mới mang đi giặt một lần...
 
Rời xóm Rồng, chúng tôi ngược trở ra xóm Tân Long. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ đi gánh nước ở xóm Bắn; một số người khác dùng xe máy, xe bò chở theo can nhựa đi xin nước ở các làng bên cạnh. Người may mắn nhất của xóm Tân Long là anh Phan Văn Hà. Nhà sát chân núi, anh đã mạnh dạn thuê máy về khoan xuyên đá sâu hơn 60 mét và may mắn tìm được luồng nước ngầm. Không chỉ đủ nước ngọt cho gia đình dùng mà anh còn có nước để bán cho người dân xung quanh. Vợ chồng anh còn mở ki ốt, trưng biển hiệu nước Núi Rồng, vừa bán theo hệ thống đường ống nhựa chảy qua đồng hồ vừa đóng bình để bán cho dân. Mùa này hiếm nước, mỗi bình bán với giá từ 12 đến 15 ngàn đồng, kèm theo công vận chuyển. Nhà của Chủ tịch xã Bùi Văn Thành cũng ở xóm Tân Long, cũng thuộc diện thiếu nước trầm trọng, hàng ngày phải mua nước qua hệ thống ống nhựa. Rất nhiều lần anh Thành định thuê thợ về khoan giếng nhưng phần vì kinh phí lớn, phần vì thấy nhiều hộ bỏ ra từ 20 đến 40 triệu đồng, khoan sâu 60 đến 70 mét mà vẫn không tìm thấy nước nên lại thôi. Anh Thành cho biết, xóm Tân Long có 115 hộ dân thì đến 2/3 nhà thiếu nước. Có khoảng 10 hộ bỏ kinh phí lớn, may mắn khoan trúng mạch nước ngầm nên có nước bán cho bà con. Những nhà khác cũng chỉ có dùng một cách dè sẻn nhờ hứng được nước mưa.
 
Không riêng gì xóm Rồng, xóm Tân Long mà ở xã Nghi Thiết có rất nhiều nơi khác bị thiếu nước ngọt trầm trọng như xóm Mới, Nam Thịnh, Bắc Thịnh, xóm Chùa, xóm Bắn. Cả xã có 1.500 hộ dân thì hơn một nửa số hộ bị thiếu nước. Những ngày nắng nóng cực điểm vừa qua, các gia đình này đều phải đi mua nước ngọt. Nói về nghịch lý nằm giữa mênh mông nước biển nhưng người dân không có nước sinh hoạt dùng, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Thành phân tích: Nếu như các xã vùng bãi ngang khác chỉ cần khoan giếng từ 8 -  10 mét đất cát là có nước thì địa hình Nghi Thiết toàn là núi đá, không có dải cát nào nên việc xuyên đá, tìm nước ngầm rất khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích rừng của xã cũng rất ít, chỉ tập trung trên núi Rồng nên tình trạng hạn hán càng thêm trầm trọng.
 
“Để giúp bà con có nước sinh hoạt, xã đã đi tìm các nguồn vay vốn từ dự án nước sạch vệ sinh môi trường, một số hộ đã vay từ 15 - 20 triệu đồng để khoan giếng nhưng hộ có nước, hộ không vì không có mạch nước ngầm. Mong muốn chung của bà con là sẽ có một dự án đưa nước sạch về xã bán nước cho dân. Nhu cầu của người dân ở đây là rất lớn, bởi ngoài nước sinh hoạt, người dân còn cần nước ngọt để cung cấp cho tàu thuyền ra khơi và cung cấp cho làng nghề đóng tàu Trung Kiên. Xã cũng đang tìm cách kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc nhưng vẫn chưa có kết quả”, Chủ tịch Bùi Văn Thành cho biết.
 
Chia tay làng biển bãi ngang Nghi Thiết, lòng chúng tôi nặng trĩu những suy tư. Nghi Thiết là vùng đất cổ, gắn với tên gọi làng Hoàng Lao năm xưa. Trong mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, vùng đất khắc nghiệt này đều có những đóng góp lớn lao. Đây cũng là nơi hạ thủy những con tàu không số huyền thoại, là vùng đất có vai trò chiến lược về quốc phòng - an ninh… Và, trên vùng đất này, không biết đến bao giờ, người dân mới hết cảnh khát giữa rốn nước như hiện nay?
 
Bài, ảnh: Nguyên Khoa