(Baonghean) Bản những người họ Lo sắp ăn cái Tết thứ 7 tại nơi định cư mới ở Văng Môn (Yên Hòa - Tương Dương). Họ là cộng đồng Ơ Đu, đã được báo chí nói đến nhiều, chuyển tới đây vào cuối năm 2006 từ các xã Kim Đa, Kim Tiến. Một số ít trong họ đến từ Hữu Dương, Hữu Khuông và làng bản cũ hiện đã chìm sâu dưới lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Cuộc sống của 400 người Ơ Đu nơi bản mới đã có những đổi thay, nhưng cũng còn nhiều điều phải bàn.

-->> Xem Bài 3: Năng động người Hoa

788605_small_89514.jpg

                          Bản Văng Môn, nơi định cư mới của 400 người Ơ Đu.



Tôi tìm về bản Văng Môn vào một ngày chủ nhật giá rét. Về miền núi vào những ngày này, người ta mới cảm hết được cái lạnh giá của tiết đông. Ven đồi, trẻ mục đồng thu mình trong những chiếc áo rét rộng thùng thình. Vài chú trâu lững thững nhai cỏ. Bên con đường vào bản, một tốp phụ nữ túm tụm cạnh đống lửa thêu váy. Thế mà trưởng bản Lo Văn Tình lại vắng nhà. Tôi chỉ có thể "gặp" ông qua di động. Ông bảo đang trên rừng kéo cột dựng nhà cho anh con trai ăn Tết xong sẽ ra ở riêng. Vậy là bản người Ơ Đu sắp có hộ thứ 91.


Biết tôi người miền núi, bà vợ trưởng bản Tình chuyển sang nói tiếng Thái. Bà bảo cứ gọi là bà Tình thôi, bởi từ ngày về nhà chồng con gái Ơ Đu gần như bỏ luôn tên gọi cha mẹ đặt cho lúc mới lọt lòng. Cái tên đó chỉ còn trên sổ hộ khẩu và chứng minh thư. Họa hoằn lắm về nhà mẹ đẻ mới có người gọi đến tên thật của mình.


Những ngày khó khăn nhất của người Ơ Đu tại nơi định cư mới đã qua đi, dẫu rằng vẫn còn tới 80/90 hộ nghèo. Về nơi ở mới, trẻ con được đi học đầy đủ, trạm y tế cũng gần nên khi ốm đau không phải chở xuồng ra bệnh viện. Ngày đầu, mọi cái đều lạ lẫm. Nhưng rồi người Ơ Đu cũng học người Thái đào vàng dọc suối, trồng mét, nuôi lợn, mở quán tạp hóa... đều là những cách làm ăn trước đây khá xa lạ với họ. Dần dà, người Ơ Đu cũng có những người đầu tiên vào đại học. Mới đây nhất, em Lo Thị Anh thi đỗ Đại học Y khoa Vinh.


Tuy vậy, cái nghèo vẫn chưa chịu lùi. Dân bản Văng Môn vẫn sống chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy, năng suất không ổn định. Bà con vì vậy mà năm đói, năm no.

Trong cuộc chuyện, tôi hỏi đến tiếng Ơ Đu vì trước đây đã đọc thấy ở đâu đó nói rằng hiện không còn mấy người tại bản Văng Môn nói tiếng mẹ đẻ. Hồi còn ở bản cũ, cũng chỉ có lớp già lão nhất còn giao tiếp bằng tiếng Ơ Đu. Lứa sau, nói tiếng Thái và Khơ Mú. Bây giờ, về nơi ở mới, số người nhớ được tiếng Ơ Đu đếm được trên đầu ngón tay. Những người trẻ tuổi như Lo Thị Phượng, con gái trưởng bản Tình mới đi học tiếng Ơ Đu do các cụ trong bản truyền dạy thì nhầm lẫn giữa từ nọ với từ kia. Phượng bảo: "Bây giờ, người ta quên hết tiếng Ơ Đu rồi anh ạ. Bản có ông Bằng nói giỏi nhất, đã 80 tuổi".




                 Cụ Lo Văn Bằng, người cao tuổi nhất còn nhớ được tiếng Ơ Đu.

Phượng dẫn tôi đến nhà cụ Lo Văn Bằng, là "báu vật sống" của bản. Bước vào căn nhà sàn kiểu mới được Nhà nước cấp vào năm 2006 của cụ Bằng không khác nào một căn gác nhỏ của người thành phố vốn dĩ hoàn toàn xa lạ với cộng đồng Ơ Đu. Vào cuộc chuyện, tôi nhận thấy cụ ông này khá khó khăn khi diễn đạt bằng tiếng Kinh, tôi liền chuyển sang nói tiếng Thái. Cụ bảo: "Đã có rất nhiều nhà báo tìm đến hỏi tôi. Có cả người Thái Lan, người Mỹ...". Rồi cụ phân trần: "Lâu quá, không dùng đến tiếng Ơ Đu nên giờ chỉ còn nhớ được chừng tám chín chục phần trăm thôi". Cụ chỉ cho tôi biết, tiếng Ơ Đu phân biệt rõ khái niệm "ăn" và "uống", chứ không phải đều nói: "kin" như người Thái. Ngoài tiếng nói, không còn nét nào có thể phân biệt giữa người Ơ Đu và người Thái hay Khơ Mú. Cũng theo cụ Bằng, chỉ 5 người già nhất bản còn giao tiếp được tiếng Ơ Đu một cách căn bản. Ngoài cụ, ra trong bản còn có các ông Nhung, Nhông, Phúc, Nghệ, tất cả đều đã ngoài tuổi lục tuần.


Ngay ở bản Pột giờ đã chìm vào lòng hồ, cụ Bằng vốn là một thầy mo phải dùng nhiều đến tiếng Ơ Đu khi làm lễ nên mới nhớ được. Có bài báo nói kiến trúc nhà Ơ Đu hướng về chóp núi, tuy nhiên theo cụ Bằng chỉ có nhà thầy mo mới được phép như vậy, còn nữa đều giống như nhà người Thái, thượng ốc không được hướng vào đỉnh núi. Làm vậy trong nhà sẽ gặp ốm đau vì bị thần núi quở trách. Về bản mới, cụ Bằng cũng thôi luôn nghề thầy mo. Thỉnh thoảng, có con cháu trong họ tộc nhờ mới đến nhà làm lễ giúp. Ngày trước, người Ơ Đu vốn không ăn Tết. Người ta chỉ mổ lợn ăn mừng vào lễ cơm mới là dịp vui lớn nhất trong năm. Sau này, sống gần người Thái, người Khơ Mú mới có tục ăn Tết. Về với bản mới, có được cái Tết vui hơn nhưng vẫn buồn, vì chỉ có một vài người già cả nhớ quê xưa khi nhàn rỗi còn ngồi lại với nhau nói tiếng Ơ Đu...


Cụ Bằng dừng câu chuyện, rít một hơi thuốc dài rồi ho sặc sụa. Đó là thứ thuốc lá người miền núi chúng tôi vẫn trồng trên rãy để người già vấn hút hoặc nhai trầu. Tôi chợt nghĩ đời người nhiều khi cũng như màn khói thuốc, rồi cụ Bằng cũng về với tổ tiên, và sẽ mang theo một thứ ngôn ngữ mà thế hệ sau cụ không còn mấy ai mặn mà với nó nữa.


Người họ Lo, có mấy ai lo lắng một ngày không còn tiếng Ơ Đu như cụ Bằng không nhỉ?!


Hữu Vi