Xác nhận kết quả kiểm phiếu cử tri đoàn là việc bắt buộc phải làm theo Hiến pháp Mỹ nhưng thường chỉ mang tính thủ tục.
Các đại cử tri đã chính thức bỏ phiếu ngày 14/12 và ông Biden đã thắng ông Trump với cách biệt 306 - 232. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump cũng giành kết quả tương tự và đã mô tả đó là chiến thắng "long trời lở đất". Nhưng năm nay, ông Biden còn thắng cả phiếu phổ thông, thu về hơn đối thủ 7 triệu phiếu.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa có kế hoạch sử dụng cuộc kiểm phiếu ngày 6/1 của Quốc hội để phản đối chiến thắng của ông Biden ở nhiều bang dao động, nhằm giúp ông Trump ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhà báo Dareh Gregorian của NBC News cho rằng, sự phản đối đó sẽ thất bại, nhưng chúng có thể biến một sự kiện thường diễn ra chóng vánh thành một sự kiện kéo dài nhiều giờ đồng hồ, thậm chí nhiều ngày. Ông nêu ra các khả năng liên quan:
Điều gì sắp xảy ra?
Theo luật liên bang, ngày 6/1 là ngày các phiếu bầu của Cử tri đoàn xác định tổng thống tiếp theo của Mỹ được kiểm đếm trong một phiên họp chung của Quốc hội. Quá trình này do Chủ tịch Thượng viện chủ trì, trong trường hợp này là Phó Tổng thống Mike Pence.
Phó Tổng thống sẽ mở các chứng nhận được niêm phong xếp theo thứ tự bảng chữ cái và trao chúng cho một trong bốn "người kiểm phiếu" - một thành viên Cộng hòa và một thành viên Dân chủ từ mỗi viện của Quốc hội và họ sẽ xem lại chứng nhận rồi công bố số phiếu bầu của các bang.
Quá trình này diễn ra không bị gián đoạn cho đến khi tất cả các phiếu bầu được công bố và kiểm đếm, ngoại trừ có sự phản đối được chấp nhận.
Để một hành động phản đối phiếu bầu của một bang được xem xét, ý kiến phải được trình bày trong văn bản có chữ ký của ít nhất một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện.
Kể từ khi Đạo luật đếm phiếu đại cử tri được ban hành năm 1887, chỉ có một lần có phản đối đối với toàn bộ đại cử tri đoàn của một bang. Điều này dự kiến sẽ xảy ra lần thứ 2 trong hôm nay (6/1) - khi hàng chục thành viên Cộng hòa ở Hạ viện tuyên bố có kế hoạch phản đối phiếu bầu từ các bang dao động mà ông Biden chiến thắng.
Kể từ khi Đạo luật đếm phiếu đại cử tri được thông qua hơn 130 năm trước, cũng chưa từng có chuyện phiếu bầu của một bang bị bác bỏ. Nếu điều này xảy ra hôm nay, đa số của cả Hạ viện và Thượng viện phải bỏ phiếu để chấp nhận sự phản đối. Nếu một viện bỏ phiếu loại bỏ số phiếu bầu của bang và còn viện kia không bỏ phiếu, phản đối sẽ không được chấp nhận.
Trong trường hợp phản đối được chấp nhận, Quốc hội Mỹ sẽ triệu tập một cuộc họp chung và tiếp tục kiểm phiếu. Nếu có sự phản đối chính thức về phiếu bầu của một bang khác thì quá trình kể trên sẽ lặp lại.
Năm 2005, sự phản đối nhằm vào đại cử tri đoàn của bang Ohio và cuộc bỏ phiếu về sự phản đối này đã kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Năm nay, nếu các đồng minh của ông Trump phản đối cuộc bỏ phiếu ở tất cả 6 bang gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin, tiến trình đếm phiếu có thể sẽ kéo dài sang ngày 7/1.
Đảng Dân chủ nắm đa số ở Hạ viện và họ được cho là sẽ đoàn kết trước bất kỳ thách thức nào. Thượng viện cũng khó có khả năng sẽ ủng hộ một sự phản đối nếu có. Phe Cộng hòa chiếm đa số tại cơ quan này và một số thượng nghị sĩ đảng này trước đó đã lên tiếng phản đối việc phủ nhận phiếu bầu của bất kỳ bang nào.
"Tôi nghĩ điều họ phải nhớ là nó sẽ chẳng đi đến đâu", Thượng nghị sĩ John Thune từng bình luận như vậy với các phóng viên hồi tháng 12.
Cơ hội nào cho ông Trump?
Mặc dù rất ít khả năng phiếu bầu của một bang bị phản đối, một số đồng minh của ông Trump vẫn hy vọng các phiếu đại cử tri của nhiều bang sẽ bị loại bỏ, đưa số phiếu ông Biden nhận được xuống dưới mốc 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng. Nếu sự phản đối ở cả 6 bang thành công, ông Biden sẽ mất 79 phiếu đại cử tri, khi đó Hạ viện sẽ chọn tổng thống tiếp theo.
Theo Tu chính án thứ 12, mỗi đoàn đại biểu quốc hội của tiểu bang nhận được một phiếu. Tuy phe Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện nhưng phía Cộng hòa lại kiểm soát đa số đoàn đại biểu, có nghĩa là ông Trump có cơ hội "được tái bầu".
Tổng thống Donald Trump hiện đang thúc đẩy viễn cảnh mà nhiều người cho "phi thực tế" này. Ông còn kêu gọi những người ủng hộ kéo về Washington trong ngày 6/1 để thể hiện lập trường của họ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thúc giục "phó tướng" Mike Pence hành động, dù Hiến pháp quy định vai trò của ông là mở các chứng nhận phiếu bầu và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri cho phép ông chủ trì các thủ tục và công bố kết quả cuối cùng./.