Chính quyền Joe Biden đã gửi đi tín hiệu họ sẽ rắn với Trung Quốc, bám sát chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc.
Jake Sullivan, người được ông Biden lựa chọn cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, gần đây đã kêu gọi tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông - một sự leo thang trong chính sách của ông Trump.
Sullivan nói: “Cùng với các đối tác, chúng ta nên dành thêm cơ sở và nguồn lực cho việc bảo đảm, tăng cường, và duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông
Hải quân Trung Quốc (PLAN) gần đây đã thực hiện 5 cuộc tập bắn đạn thật ở Biển Đông, huy động cả trực thăng Harbin Z-9 và các tên lửa chống hạm tiên tiến.
Các cuộc tập trận này diễn ra ở Tam Á nằm ở cực Nam đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay Sơn Đông do họ tự chế tạo vào tháng 12/2019.
Các cuộc tập trận mang tính khiêu khích này diễn ra tiếp theo cuộc tập trận hải quân và không quân “tứ hải” chưa từng có tiền lệ, do quân đội Trung Quốc tổ chức ở các vùng biển cận kề trong vài tháng gần đây.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã đạt bước tiến trong việc xây dựng một vũng tàu cạn mới ở Hải Nam – cơ sở này sẽ đủ lớn để đón nhận cả một siêu tàu sân bay T-003 thế hệ mới của Trung Quốc.
Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ) tuyên bố trong nghiên cứu mới của họ rằng hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng, bao gồm tập trận, huấn luyện, và ghé thăm cảng đã tăng 50% từ 44 hoạt động vào năm 2019 lên 65 hoạt động vào năm 2020, theo phân tích tin tức từ truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã làm được nhiều điều ở Biển Đông trong 4 năm qua
Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ đã trở thành thách thức mạnh mẽ nhất mà nước này đặt ra cho các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Các chiến hạm của Mỹ giờ đã đi xuyên qua bán kính 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng (trái phép) ở Biển Đông.
Các đối tác chính khác của Mỹ (như Nhật Bản, Anh, Pháp, và Ấn Độ) cũng đã thực hiện các chiến dịch “tiếp cận” tương tự, nhưng ở mức độ ít đối đầu hơn.
Các chiến hạm của châu Âu chưa đi sâu vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể nói trên nhưng họ đã đi đủ gần để thể hiện sự phản đối các yêu sách chủ quyền hàng hải của Bắc Kinh và mối đe dọa đối với tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Australia cũng nhất quán thực hiện tuần tra trên không ở Biển Đông, nhằm ngầm tái khẳng định quyền của các nước (không phải là bên ra yêu sách tại đây) được tiếp cận các tuyến giao thông đường biển quốc tế.
Đầu năm 2020, hải quân Australia đã tham gia hoạt động tự do hàng hải của Mỹ nói trên trong khu vực này.
Trong 4 năm qua, chính quyền Trump đã có quan điểm cứng rắn hơn đáng kể trong vấn đề Biển Đông. Số lượng hoạt động tự do hàng hải đã tăng từ 2 đến 3 cuộc thời Tổng thống Obama đến 10 cuộc vào năm 2019.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (với tàu USS Roosevelt buộc phải ở yên trong cảng do dịch bùng phát trên tàu), Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của hải quân Mỹ vẫn cố gắng thực hiện được 8 cuộc như vậy trong năm nay (2020).
Ngoài việc tăng số lượng hoạt động tự do hàng hải, chính quyền Tổng thống Trump còn nâng cao các hoạt động đó về chất. Mỹ thường đồng thời triển khai 2 tàu chiến hiện đại sâu vào vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là của họ, bao gồm cả bãi cạn Scarborough vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Đôi lúc các chiến dịch tự do hàng hải này diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn, với hai chiến dịch như vậy được tổ chức trong 2 ngày của năm nay.
Chính quyền Trump còn cho phi cơ bay kèm các tàu hải quân của nước này thực hiện tuần tra. Được biết 2.000 phi vụ trinh sát bằng máy bay đã được thực hiện ở khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đã vậy, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến 2, Lầu Năm Góc đã phối hợp với lực lượng Tuần duyên Mỹ để thực hiện tuần tra chung trong khu vực Biển Đông nhằm nâng cao năng lực của các đồng minh khu vực.
Động thái này trùng hợp với việc Mỹ mở rộng tài chính quân sự và xuất khẩu quân sự cho các nước đối tác ở tuyến đầu ứng phó với Trung Quốc. Mỹ đã cung cấp các chiến đấu cơ hiện đại cho Philippines – một trong các đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã có quyết định chưa từng thấy là hậu thuẫn cho các tuyên bố của các đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ đã gửi đi tín hiệu về cam kết của họ trong việc giải cứu cho các đồng minh như Philippines nếu nổ ra xung đột trực diện giữa họ và Trung Quốc tại Biển Đông.
Mũi nhọn Đài Loan
Không những thế, Mỹ thời gian qua đã đẩy mạnh sự ủng hộ của họ dành cho Đài Loan (Trung Quốc). Trung Quốc xem Đài Loan như một tỉnh ly khai và cần phải được đặt trở lại dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Chính quyền Trump đã bán lượng vũ khí trị giá tổng cộng là 5 tỷ USD cho Đài Loan trong năm 2020. Các quan chức hàng đầu của Mỹ, như Chuẩn Đô đốc Michael Studeman và Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã có những chuyến thăm chưa từng có tiền lệ tới hòn đảo này.
Cho tới nay, chính quyền Trump đã cung cấp 11 gói bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm một hệ thống liên lạc thông tin dã chiến trị giá 280 triệu USD. Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, lô hàng mới này được thiết kế nhằm cung cấp “liên lạc cơ động và an toàn”, giúp vùng lãnh thổ này “hiện đại hóa năng lực liên lạc quân sự” trong bối cảnh họ đối mặt với các mối đe dọa từ tác chiến điện tử và thông thường của Bắc Kinh.
Mỹ gần đây phê chuẩn bán cho Đài Loan máy bay vũ trang điều khiển từ xa MQ-9B.
Trong một bài phát biểu, nhà cựu ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á - Kurt Campbell, người sắp tới có khả năng trở thành cố vấn chính sách hàng đầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden, đã nêu rõ rằng lưỡng đảng Mỹ đồng thuận trong việc ủng hộ Đài Loan.
Ông Campbell nói: “Có một nhóm rộng rãi các chính trị gia hiểu tầm quan trọng chiến lược sâu sắc và lợi ích chiến lược của chúng ta trong việc duy trì một quan hệ mạnh với Đài Loan”.
Câu nói này có thể là tín hiệu cho thấy chính quyền Biden tương lai có thể sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc./.