Phá vỡ giới hạn
Một ngày sau khi tròn 1 năm sự kiện Mỹ sát hại tướng lĩnh cấp cao của Iran Qasem Soleimani, và chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 tuần lễ trước khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống xứ cờ hoa, Tehran đã có động thái khiến cho căng thẳng với Washington thêm leo thang. Đó là khi hôm 4/1, Iran tuyên bố đã quay trở lại làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 20%, vượt rất xa so với những giới hạn đã được vạch ra trong bản thỏa thuận mà chính họ đã gật đầu chấp thuận hồi năm 2015. Theo các hãng thông tấn Mehr và IRNA, một người phát ngôn của chính phủ nước này tiết lộ rằng, các chuyên gia của Cộng hòa Hồi giáo đã tái khởi động làm giàu urani hướng tới mục tiêu nói trên tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow. 20% hẳn sẽ gây giật mình đối với nhiều người, khi so sánh với mức độ hiện nay Iran đang làm giàu kho dự trữ urani lên quanh mốc 4,5%, cao hơn mức trần 3,67% mà hiệp ước năm 2015 cùng các cường quốc áp lên Tehran. Dù phải đạt 90% mới được xem là cấp độ vũ khí, và Iran đã liên tục phủ nhận có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân, song thực tế là, nước này đã phá bỏ những giới hạn mà chính họ đã đồng ý, cam kết thực hiện cách đây hơn 5 năm.
Theo CNN, Iran đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về ý định làm giàu uraniở mức 20% từ cuối tuần trước. Và đến sáng thứ Hai vừa rồi, người phát ngôn chính phủ Ali Rabiei cho biết họ đã khởi động tiến trình làm giàu urani “vài giờ đồng hồ trước” tại cơ sở Fordow, lưu ý rằng lượng urani được làm giàu UF6 đầu tiên sẽ được sản xuất trong vài giờ nữa.
3 nội dung chính Iran đã nhất trí theo thỏa thuận hạt nhân 2015: (1) Giảm 2/3 số lượng máy ly tâm dùng để làm giàu urani (từ 19.000 xuống 6.104 máy); (2) Giảm 98% kho dự trữ urani đã làm giàu (từ 10.000 kg urani làm giàu ở mức thấp xuống 300 kg trong 15 năm); (3) Chỉ làm giàu urani tối đa 3,67%, đủ sử dụng phục vụ mục đích dân sự.
Trong lúc tin tức về tăng cấp độ làm giàu urani vẫn còn nóng hổi, thì các hãng tin và công ty Dryad Global lại dội thêm một “quả bom” khác, rằng Iran đã bắt giữ một tàu hóa dầu treo cờ Hàn Quốc. Dryad Global cho hay: “Báo cáo cho thấy tàu hóa dầu cắm cờ Hàn Quốc HANKUK CHEMI có thể đã bị các lực lượng Iran bắt giữ tại Eo biển Hormuz trong khi đang trên hành trình đến Fujairah”. Tiếp đó, phía Hàn Quốc cho biết đã điều đơn vị chống cướp biển Choenghae của nước này đến khu vực eo biển, và Bộ Quốc phòng tại Seoul ra tuyên bố nêu: “Một tàu di chuyển gần biển Oman trong vùng biển Hormuz vào chiều 4/1 hiện đang tiến vào vùng biển của Iran theo yêu cầu của giới chức Iran”.
Bộ này và Đại sứ quán Hàn Quốc đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Iran xác nhận về an toàn của thủy thủ đoàn và phóng thích tàu càng sớm càng tốt. Phản ứng lại, phía Iran cho biết tàu bị bắt là do “gây ô nhiễm môi trường và hóa học tại Vịnh Persian”. Tàu trên đã bị Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bắt giữ. Một số quan điểm cho rằng, nhiều khả năng đây là động thái trả đũa của Tehran, đặt trong bối cảnh các khoản tài chính của họ đã bị các ngân hàng Hàn Quốc đóng băng theo nội dung các đòn trừng phạt của Mỹ. Thậm chí, vụ việc còn diễn ra trước thềm chuyến thăm dự kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đến Tehran trong vài ngày tới, nhằm bàn thảo về đề nghị của Iran rằng Seoul sẽ “cởi trói” cho khoản tài chính 7 tỷ USD bị đóng băng, dùng chúng để “trao đổi” lấy các liều vắc xin Covid-19 cùng các mặt hàng khác.
Đảo ngược quyết định
Chính vì lẽ đó, dẫu Iran khẳng định vụ bắt giữ tàu chở dầu chỉ là vấn đề “kỹ thuật”, nhưng trong mắt Washington, tình hình không đơn giản như vậy. Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích, khẳng định việc Tehran “tiếp tục đe dọa quyền và tự do hàng hải trên Vịnh Persian là âm mưu rõ rệt hòng buộc cộng đồng quốc tế giảm nhẹ sức ép của các đòn trừng phạt”. Dĩ nhiên, họ cũng lên án động thái tăng cường làm giàu urani của đối phương, và một người phát ngôn đại diện cho xứ cờ hoa đã nhấn mạnh rằng “chương trình làm giàu của Iran ban đầu được phát triển một cách bí mật, bao gồm tại cơ sở Fordow, và Iran giữ lại lượng lớn hồ sơ lưu trữ từ chương trình vũ khí hạt nhân trước đây của họ, cùng nhiều nhân sự chủ chốt đứng đầu chương trình ấy”. Với quan điểm như vậy, Mỹ khẳng định sẽ cùng cộng đồng quốc tế “đánh giá các hành động của Iran dựa trên lịch sử đầy khiêu khích này”.
Các căng thẳng tiếp tục tịnh tiến đã thôi thúc Tổng thống Trump chỉ đạo Lầu Năm Góc duy trì tàu sân bay của Mỹ tại Trung Đông, đồng nghĩa với việc đảo ngược quyết định điều phương tiện này ra khỏi khu vực hồi tuần trước. Cụ thể, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller sau một cuộc họp của Nhà Trắng hôm 3/1 đã lệnh cho tàu USS Nimitz quay trở lại Trung Đông, dù chỉ vài ngày trước đó, chính ông đã yêu cầu tàu sân bay này về nước, một phần là để phát tín hiệu xuống thang với Iran trong bối cảnh căng thẳng song phương tiếp tục bị đẩy lên cao, dù quan điểm này khi ấy đã vấp phải sự phản đối của các chỉ huy cấp cao.
Trong khi đó, đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc cũng thay đổi ý định vào giờ chót, cho biết đang xem xét lại việc tổ chức chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Choi Jong-kun đến Tehran, vốn dự kiến diễn ra vào cuối tuần này để bàn bạc kỹ hơn mong muốn của Cộng hòa Hồi giáo về khoản quỹ 7 tỷ USD đang bị Seoul phong tỏa. Bộ này khẳng định hiện kế hoạch về chuyến thăm của Thứ trưởng Choi “chưa rõ”, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để phóng thích tàu chở dầu và thủy thủ đoàn, đặt ưu tiên này lên trên hết, chứ chưa bàn đến vấn đề đóng băng tài chính của Tehran.
Cuối cùng, đặt trong bối cảnh hiện nay, có thể nhận thấy những diễn biến khó lường mới nhất đã và đang đặt ra thách thức đối với tổng thống đắc cử Joe Biden của Mỹ, người vừa cam kết sẽ khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi nhậm chức vào ngày 20/1. Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden là Jake Sullivan cuối tuần qua đã tuyên bố rằng, chính quyền sắp nhậm chức của xứ cờ hoa sẽ quay trở lại gia nhập thỏa thuận nếu Iran cũng trở lại tuân thủ nội dung đã cam kết. Sau đó, chính quyền Biden sẽ cố gắng tìm kiếm một “cuộc đàm phán tiếp theo” về các năng lực tên lửa đạn đạo của Iran. Nhưng với những gì dư luận đang được chứng kiến - một Tehran thách thức và một Washington không chịu lùi bước, con đường đưa 2 bên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết một trong những hồ sơ nóng nhất mọi thời đại sẽ chẳng có bóng dáng hoa hồng!