Chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhanh chóng khôi phục các cuộc đàm phán về Hiệp ước vũ khí hạt nhân quan trọng với Nga, nhưng sẽ vẫn tìm cách buộc Tổng thống Nga phải trả giá về các cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng lưới của Chính phủ Mỹ mà Washington cáo buộc Moscow thực hiện.
“Trong cuộc đàm phán quy mô rộng đó, chúng tôi có thể đảm bảo những hạn chế đối với công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran. Đó là những gì chúng tôi có ý định theo đuổi thông qua ngoại giao”, ông Sullivan nói.
Ông Sullivan không đề cập việc vấn đề tên lửa không được nêu trong thỏa thuận hạt nhân đã ký trước đây vì Iran từ chối cam kết hạn chế phát triển và thử nghiệm tên lửa. Để thu hẹp bất đồng, Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Iran kiềm chế, trong khi đó, Tehran nói rằng nghị quyết này không mang tính ràng buộc và đã phớt lờ nghị quyết.
Gia hạn START mới - phép thử trong những ngày cầm quyền đầu tiên
Các tuyên bố trên của ông Sullivan cho thấy chính quyền mới ở Mỹ sẽ nhanh chóng giải quyết 2 vấn đề kiểm soát vũ khí phức tạp, cho dù ông Biden cũng phải tìm cách đối phó với đại dịch Covid-19 và cú sốc kinh tế do đại dịch này gây ra ở trong nước.
Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên - việc gia hạn Hiệp ước START mới, sẽ phức tạp hơn vì ông Biden từng tuyên bố sẽ buộc Nga phải trả giá về vụ tấn công mạng nhằm vào hơn 250 mạng lưới chính phủ và tư nhân của Mỹ.
Ông Biden nói rằng, sau khi các cơ quan chức năng chính thức xác nhận ai là người phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công, “Mỹ sẽ đáp trả, có thể là đáp trả tương xứng”.
Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt Nga trong khi vẫn đảm bảo hiệp ước START mới sẽ không sụp đổ và dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ông Sullivan cũng cho rằng, việc kiểm soát vũ khí là một trong số ít các lĩnh vực mà Nga và chính quyền mới của Mỹ có thể hợp tác. Việc gia hạn hiệp ước - động thái không cần Thượng viện phê duyệt, sẽ là phép thử đầu tiên cho thấy mối hợp tác này có khả thi hay không.
Tổng thống Donald Trump, người đã rút nước Mỹ khỏi một số hiệp ước khác với Nga trong 4 năm qua, ban đầu khẳng định rằng Trung Quốc cũng phải là một bên trong thỏa thuận này nếu không Mỹ sẽ không gia hạn khi hiệp ước hết hạn vào ngày 5/2 tới.
Ông Trump sau đó không còn nhắc tới yêu cầu này. Tuy nhiên, trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 2020, các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận đã bị “mất đà”, có thể do những yêu cầu mới từ phía Mỹ, hoặc do phía Nga nhận định rằng ông Trump nhiều khả năng sẽ thất cử.
“Chúng tôi sẽ phải tìm cách gia hạn hiệp ước vì lợi ích của Mỹ”, ông Sullivan nói.
Các quan chức trong nhóm chuyển giao cho biết, hiện chưa có các cuộc thảo luận nào giữa các đại diện của ông Biden với phía Nga về hiệp ước này.
Các cuộc đối thoại 4 năm trước giữa Đại sứ Nga tại Mỹvà ông Michael Flynn – cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump đã dẫn tới các cuộc điều tra về việc chính phủ của ông thỏa thuận với Nga.
Nhóm của ông Biden cho biết, họ rất thận trọng và tránh liên lạc với giới chức nước ngoài về bất cứ vấn đề quan trọng nào cho tới buổi trưa ngày 20/1 – thời điểm ông Biden tuyên thệ và chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Mỹ muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân, Iran liệu có chấp nhận?
Ý tưởng hướng tới một thỏa thuận riêng biệt với Iran về vấn đề tên lửa không phải là mới, nhưng chính quyền của Tổng thống Trump không có động thái nào liên quan đến vấn đề này kể từ sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi giữa năm 2018.
Trong một bài viết trên Foreign Policy hồi tháng 5/2020, ông Sullivan và ông Daniel Benaim - người từng là cố vấn về Trung Đông của ông Joe Biden khi ông là Phó Tổng thống, cho rằng nước Mỹ dưới thời của một tổng thống mới “sẽ ngay lập tức tái thiết lập các kênh ngoại giao về vấn đề hạt nhân với Iran và cứu vãn thỏa thuận đã ký năm 2015 chừng nào có thể”. Sau đó, Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh cũng như Iran để “đàm phán về một thỏa thuận tiếp sau đó”.
Bất cứ nỗ lực nào nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng chắc chắn sẽ dấy lên tranh cãi với đảng Cộng hòa, những người vốn cho rằng ông Biden tham gia vào một thỏa thuận tồi và không có lợi cho nước Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân với Iran là một thỏa thuận hành pháp. Tổng thống Trump đã hủy bỏ thỏa thuận này bằng một tuyên bố hành pháp và việc khôi phục cũng có thể thực hiện bằng một sắc lệnh hành pháp.
Câu hỏi mấu chốt là liệu Iran có sẵn sàng trở lại thỏa thuận cũ hay không. Ở Iran, nhiều người cho rằng Mỹ không bao giờ có ý định để Tehran được hưởng lợi về kinh tế. Trong khi đó, Iran cũng chuẩn bị bước vào một cuộc bầu cử tổng thống, trong đó quan chức Không quân của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), vốn có quan điểm cứng rắn với Mỹ, đang là một trong những ứng cử viên hàng đầu.
Việc trở lại với những hạn chế của thỏa thuận hiện có, mà không nhận được “sự đền bù” nào từ Mỹ vì quyết định tái áp đặt trừng phạt của ông Trump, có thể sẽ bất khả thi về mặt chính trị trước cuộc bầu cử ở Iran.
Khi được hỏi về lý do thỏa thuận 2015 không giúp xoa dịu căng thẳng cũng như tạo nên các mối hợp tác mới với Iran, ông Sullivan bác bỏ ý tưởng cho rằng chính quyền Obama đã kỳ vọng quá nhiều điều vượt xa hơn cả việc hạn chế chương trình hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, đó là ván cược của ông Obama vào năm 2015, rằng nếu vấn đề hạt nhân không còn bàn cãi và Iran có nhà lãnh đạo mới, thì một thỏa thuận rộng lớn hơn có thể đạt được.
“Rõ ràng, điều đó đã không thành hiện thực”, ông Sullivan nói.