(Baonghean) - Dừng xe chờ đèn đỏ ở ngã tư, tôi để ý đến cuộc hội thoại giữa một bà mẹ còn khá trẻ và cậu con trai chừng 7 - 8 tuổi:
- Mẹ, mẹ dừng xe lại đi, quá vạch rồi đó. Mẹ định vượt đèn đỏ à?
- Đâu có, mẹ chỉ đi quá một chút thôi. Đây con xem, mẹ dừng rồi.
- Mẹ quá vạch, quá vạch cũng là vi phạm rồi!
- Ừ, mẹ xin lỗi, mẹ lùi lại ngay đây.
Nhìn hai mẹ con, tôi không khỏi bật cười vì vẻ nghiêm túc “cụ non” của cậu bé. Còn người mẹ, dường như không quá ngạc nhiên khi bị con trai bắt lỗi, “ngoan ngoãn” dừng xe và lùi về sau vạch sơn đèn đỏ. Cậu con trai còn vô tư ngó nghiêng sang hai bên xem có ai khác dừng quá vạch sơn như mẹ mình không. Cảnh tượng đáng yêu quá đỗi khiến tôi bật cười, nhớ lại những tình huống tương tự của chính tôi với con gái.
Nhiều lần, con gái tôi đã phàn nàn hoặc thắc mắc bằng giọng điệu “cụ non” khi thấy người lớn làm những việc mà nó cho là không đúng, như là vứt rác ngoài đường, to tiếng chửi mắng, nói bậy, uống rượu say, nói dối hay không giữ lời hứa…Sau một thôi một hồi “luận tội”, con bé kết luận: “Nói chung, có rất, rất nhiều những việc làm không đẹp tí nào, thế mà người lớn vẫn thản nhiên làm và coi đó là chuyện bình thường. Cũng những việc đó, nếu là trẻ con làm thì chắc chắn người lớn sẽ không đời nào chấp nhận”.
Ngẫm lại bản thân, mặc dù được trang bị tương đối đầy đủ nhận thức về luật pháp, về những chuẩn mực đạo đức xã hội, nhưng cũng có lúc không tránh khỏi tự cho phép mình vi phạm. Không phải không biết mình làm như vậy là sai, nhưng lại lập luận bằng sự ngụy biện đáng xấu hổ rằng đâu riêng gì mình, còn nhiều khác cũng làm tương tự. Cũng có khi chúng ta cố chấp không thừa nhận mình sai là bởi mặc định suy nghĩ, trước mặt trẻ con, người lớn phải là tấm gương hoàn hảo, tuyệt nhiên không được sứt mẻ, vẩn đục. Cố chấp như vậy, liệu có nên chăng?
Đạo đức, suy cho cùng, là ý thức, tư duy tự giác tuân thủ những chuẩn mực, quy tắc xã hội, mà không chịu sự tác động của lợi ích hay sức ép trước một loại quyền lực nào đó. Nhưng khi chúng ta lớn lên, lợi ích trở thành một khái niệm hiện hữu thường xuyên trong cuộc sống đến nỗi có đôi khi ta để cho cái bóng của nó trở nên lấn lướt, vượt qua tiếng nói của bản ngã, lương tâm. Trong khi đó, khái niệm đạo đức ở trẻ con lại có phần rành mạch, rõ ràng hơn khi trong thế giới nhận thức của chúng: đúng là đúng, sai là sai, không có ngoại lệ, không có nếu như, giá mà…
Nếu cứ để tư duy bề trên - bề dưới cuốn chúng ta đi, có khi nào sẽ bỏ qua những điều đáng suy ngẫm, đáng nhìn lại trong cuộc sống quá đỗi bộn bề, phức tạp này không? Tự cho phép mình “buông lỏng” những rào cản tuổi tác, hoá thân thành con trẻ để một lần trở thành quan toà trong phiên xét xử mà “bị cáo” là người lớn, thành thật đánh giá những đúng, sai mà chúng ta vẫn thường lấy tư cách “người lớn” ra để bào chữa, để nuông chiều.
Tôi nghĩ đến cách mà trẻ con phân định đúng - sai, định nghĩa về đạo đức, và tôi thấy sợ. Tôi sợ rằng một lúc nào đó chúng phải lớn lên và đối mặt với những toan tính trong cuộc sống, sự tự giác một cách hồn nhiên, trung thực của chúng sẽ mất đi, thay vào đó có khi nào chúng sẽ được “dạy” cho biết luồn lách, khoả lấp mỗi khi mình làm sai?
Tôi sợ đến một lúc nào đó, trẻ con sẽ trở thành “người lớn”…Những hỡi ôi, đó là lẽ đương nhiên mất rồi. Có chăng là người lớn chúng ta hãy thu mình bé lại ít nhiều khi đứng trước trẻ con và dõi theo “bài giảng” của những tâm hồn trong sáng ấy.
Bảo Ngân