(Baonghean) - Ba ơi, tháng Bảy lại về. Sáng nay, cơ quan con về căn nhà mình thắp hương cho ba nhân ngày 27/7, một đồng nghiệp hỏi: “Ba chị hy sinh năm nào? Lúc ấy chị lên mấy tuổi?”. Con nghẹn ngào, cố gắng lắm để không khóc trước nhiều đồng nghiệp. Phải, con không còn nhớ rõ về ba, bởi năm 1968, khi ba hy sinh con chỉ mới lên 5. Nhưng, con nhớ rất rõ những chuyện về ba những khi nhớ ba, mẹ kể: “Lần cuối cùng, trước khi bước vào chiến dịch Mậu Thân, ba được ghé qua nhà, 2 con lạ ba, không cho ba bế. Đến khi vừa quen hơi, cảm nhận được tình ruột thịt, con với tay đòi thì ba phải ra đi và mãi mãi không trở về…”.

Ba hy sinh từ tháng 8/1968, nhưng mãi đến cuối năm 1970 mẹ mới nhận được giấy báo tử. Chúng con, những đứa trẻ còn chưa thể cảm nhận được nỗi đau mồ côi. Chỉ có mẹ, dẫu có chúng con vẫn như lẻ loi, chông chênh trong căn nhà của mình. Ngày mới biết tin ba, con nhớ nhà mình luôn có đông người vào ra. Ông nội biết tin ba hy sinh, đã về ở với chúng con, đồng nghiệp của mẹ cũng thường xuyên lui tới hỏi han. Mọi người lo người phụ nữ mảnh mai là mẹ sẽ ngã quỵ. Vậy mà trước mặt các con, hay trong công việc, mẹ vẫn vững vàng. Đứa trẻ ngây thơ là con làm sao biết mẹ đã phải gánh chịu những gì. Lần đầu tiên, con hiểu nỗi đau ấy, là khi nghe một đồng nghiệp của mẹ nắm chặt bờ vai gầy của mẹ mà thốt lên rằng: “Nếu o đau thì cứ khóc, nếu mệt thì báo với cơ quan để nghỉ, đừng cố gắng lao mình vào công việc và đừng cố tỏ ra bình thường như vậy. O không thấy rằng, ông nội các cháu cũng thương o mà phải nén chịu đó. Cả hai người cứ nén chịu vậy làm mọi người cũng buồn lắm”. Lúc ấy, con đã chảy nước mắt ba à. Có phải con đang khóc giùm cho mẹ, cho ông không ba?

Những điều con biết về ba, là thế đó. Có lần, nhìn thấy con và em thơ thẩn, ông nội gọi hai chị em con đến. Ông đặt chúng con vào lòng rồi thủ thỉ: “Các cháu mong ba phải không? Các cháu đừng buồn, hãy luôn nhớ rằng ba các cháu là một đảng viên cộng sản yêu nước. Trước khi là một người yêu nước, ba các cháu là người đàn ông yêu thương gia đình này. Khi em ruột của ông hy sinh ngoài mặt trận, chính ba các cháu đã dẫn 4 người em con chú về nói với bà nội các cháu rằng: “Mạ ơi, chú thím của con mất đi, nay các em bơ vơ con nhờ mạ chăm sóc các em giúp con để con yên lòng đi đánh giặc”.

Ba các cháu còn dành dụm tiết kiệm số tiền phụ cấp để gửi về giúp bà nội nuôi các em. Ông nghĩ đến bà nội với gánh nặng lo toan nuôi dạy 8 đứa con, cháu trong vùng kìm kẹp của ngụy quân ở thôn Thâm Triều (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), nên nhiều đêm không ngủ được. Các cháu nên tự hào về ba của mình, cố gắng nỗ lực học tập để ba vui lòng…”. Sau buổi chiều đó, ông ốm nặng, một tháng sau ông mất. Chúng con lại thêm một lần mất đi một người ruột thịt thân yêu, nhưng những lời của ông đã khắc sâu trong con.  Chúng con đã lớn lên, cứng cáp hơn bạn bè cùng trang lứa, những người có cả bố và mẹ. Nhiều người thương chúng con thiếu đi chỗ dựa, nhưng chúng con biết mình đã dựa vào niềm tự hào về ba để sống một cách xứng đáng…

Và dường như càng lớn lên, con lại càng nhớ về ba nhiều hơn, hình dung về ba nhiều hơn. Con chắp nối ký ức, con nhớ lại vòng tay ấm của ba, để thấy mình vẫn luôn có ba. Chúng con phải thế, đúng không ba, để mẹ vững lòng? Mỗi năm, tháng Bảy về, cả 3 mẹ con cùng đau đáu hướng về Quảng Trị. Nơi ấy là quê nhà, cũng là nơi ba, hai chú và hàng ngàn đồng đội yên nghỉ. Có tháng Bảy, con về được cùng ba với nén hương thắp trên nấm mộ nhỏ bé giữa nghĩa trang điệp trùng ngôi mộ.

Có tháng Bảy, không về được, nhưng con vẫn biết trên mộ ba, có bao nhiêu người đã thay mẹ con con thắp lên nén hương ấy. Tháng Bảy này, con biết, mẹ lại âm thầm khóc khi lặng lẽ khi xếp đĩa quả lên bàn thờ ba, tay run run rút những nén hương, bật đến đỏ cả ngón tay mới sáng ngọn lửa để thắp nén hương cắm vào bát. Rồi mẹ lại mở tủ, lấy những lá thư màu úa vàng của ba, run run lần giở từng lá, từng lá một, chậm rãi đeo chiếc kính đọc những dòng chữ yêu thương ba gửi từ mặt trận. Vẫn như còn thoảng nghe mùi thuốc súng của viên đạn găm vào ngực ba những ngày trung tuần tháng 8 năm 1968…

Viên đạn ấy đã làm ba ngã xuống. Để ngày hôm nay, chúng con có được bình yên.


Đạm Phương