(Baonghean) - Về Vạn Nam, xã Diễn Vạn (Diễn Châu) một ngày nắng, chúng tôi chắc mẩm sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh “hứng mồ hôi biển” của bà con làm muối. Thoáng thấy lọc cọc mấy chiếc xe đạp cà tàng trên con đường đất nhỏ hẹp. Một tốp ba, bốn người tay giữ ghi-đông, tay kê thứ dụng cụ dài, kì lạ trên vai - chúng tôi mừng quýnh như chết đuối vớ được cọc:
- Các bác đi làm muối ạ?
- Bữa qua mưa, bữa ni không đi nại (đi làm muối), bầy tui tranh thủ đưa mấy đồ làm nại lên nhờ ông Quang sửa.
Một thoáng thất vọng nhưng biết đâu trong cái rủi lại có cái may, chúng tôi mạnh dạn xin đi theo đến nhà ông Võ Ánh Quang - người có “bàn tay vàng” của xóm diêm Vạn Nam.
Thoáng nhìn từ bên ngoài, cứ ngỡ vào nhầm một miệt vườn ăn quả Nam bộ thứ thiệt. Những cột xi-măng vuông vắn trồng hai bên lối đi cho thanh long ôm quấn quýt, lấp ló quả bằng nắm tay đỏ hồng lủng lẳng. Để ý mới thấy mãng cầu lúc nhúc quả nhỏ to, chìm nghỉm vào màu lá xanh rì, những mắt quả ti hí nhìn đoàn khách lạ. Cây bơ lá to hơn bàn tay, ngúng nguẩy vươn cao hẳn lên khỏi đám sâm đất hóng hớt lan tím biếc một khoảng vườn. Lại có cả dừa, cái giống dừa mới lạ kì, lùn tịt tưởng như tàu lá quệt được cả mặt đất! Hỏi mới biết, thì ra trên cái chất đất mặn mòi dừa chỉ cao đến thế thôi.
Ông Quang đang ngồi trên thềm nhà, trước mặt là một khung sắt có hình dạng kỳ lạ, móc lủng lẳng một thứ mà nhìn rõ mới để ý là ghép từ 2 chiếc chậu nhôm, một đầu được cắt đi tạo thành vật dụng khá giống cái bầu múc nước. Bên cạnh, chúng tôi nhận ra bác Phạm Quyết Chiến, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Vạn Nam, đang hào hứng xem mấy chiếc đinh ở mối ghép 2 chiếc chậu. Bác Quang dừng tay quai búa, nói với bác Chiến:
- Bà con phàn nàn bầu hay bị bung mối ghép vì cọ xát nhiều nên tui đóng đinh cho chắc chắn, hàn không ăn thua ông Chiến ạ!
Ông Quang (phải) kể chuyện những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn
...và nói về cách chế tạo bầu múc nước.
Chúng tôi ngồi xuống thềm nhà, tò mò dõi theo từng thao tác của người diêm dân đã có hơn 50 năm lăn lộn với mồ hôi của biển. Những sợi tóc bạc như cát lên màu diêm buổi sáng tương phản với làn da rám giòn màu nắng, người cựu chiến binh 66 tuổi quai những nhát búa chắc nịch vào chiếc bầu. Tiếng “coong coong” đều đặn trong buổi sáng trong lành khiến hồn người như đang đưa theo nhịp chuông chùa ai gióng mà ngân nga.
Ông Quang vừa làm vừa vui vẻ giảng giải cho chúng tôi từng loại dụng cụ của người làm muối: Cái bầu to là để múc nước ở kênh xăm đổ vào dạt (tiếng phổ thông là chạt lọc), cái re nhỏ để re nước lên cát trên sân phơi, cái trang để trang cát, cái thêu để xúc muối. Trông ông vui vẻ và say sưa như người cha tự hào giới thiệu những đứa con yêu: “Khi xưa đồ ni làm bằng gỗ với vỏ dừa, nặng mà dễ bể, sau tui nghĩ ra làm bằng nhôm vừa nhẹ vừa bền”. Nói rồi ông chỉ chồng thau nhôm đặc biệt đặt làm để chế tạo dụng cụ làm muối, “Nguyên liệu có rứa thôi, tui mày mò tự chế ra chơ mần chi có ai bày vẽ”. Vừa lúc đó, vợ ông đưa ra một đĩa khế ngọt của vườn nhà. Mấy ông cháu vừa ăn vừa trò chuyện, thân mật, sôi nổi như thể đã thân quen.
Ông Quang kể rằng cái nghiệp làm diêm trên đất Diễn Vạn này có từ thưở xa xưa, không rõ từ bao giờ, từ ai mà khởi nghiệp. Chỉ biết rằng con dân Diễn Vạn sinh ra đã biết đến vị mặn mòi biển cả trong dòng sữa của người mẹ tất tả chạy mưa trên đồng. “Thời còn bao cấp, tui làm chủ nhiệm hợp tác xã, nhiều lần phải can mấy đôi vợ chồng đánh nhau vì không kịp nạo muối thì giông tới. Có o đang cho con bú, chồng đứng giục: “Bú nhanh nhanh để mẹ mi nạo muối không mưa”. Chính ông Quang cũng thú nhận không ít lần hai vợ chồng giận nhau chỉ vì cơn mưa bất chợt khi ô kết tinh đã lấm tấm muối hoa.
- Ngày xưa vất vả lắm các o ạ. Tui đi bộ đội về, thương binh chất độc da cam mà vẫn đạp xe đạp thồ gần tạ muối đi từ 3, 4 giờ sáng lên mãi Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn. Bán hết mới về, đắt rẻ chi cũng phải bán. Lên miền núi không bán thì lấy muối đổi gạo, đổi ngô, đổi lạc.
- Ông chiến đấu ở chiến trường mô hả ông?
- Tui là bộ đội Trường Sơn đi vô chiến trường Tây Nguyên. Khi xưa mười mấy tuổi đã theo cha đi làm nại, đi bộ đội 12 năm tải muối lên cho bà con Tây Nguyên, xuất ngũ về làm chủ nhiệm hợp tác xã muối, dừ già rồi cũng có làm ít ít, cộng với làm công cụ làm nại. Đời tui có khi mô nhạt mô o!
- Thu nhập chính của ông bây giờ là làm công cụ phải không?
- Làm cho vui, lời lãi ăn thua chi, bà con dùng cũng phải được 5, 6 năm, hỏng thì mang đến tui chữa không lấy tiền. Như bữa ni không đi nại tui làm giết thời gian cho đỡ buồn chân buồn tay.
Ấy thế mà tiếng lành đồn xa, những “sáng chế” của ông Quang không chỉ là “báu vật” của xóm diêm Vạn Nam, Diễn Vạn, các xã làm diêm lân cận mà còn lan đến cả vùng muối Quỳnh Lưu. Ông khoe rằng năm ngoái có đại lí vào đặt hàng cả trăm chiếc về bán cho diêm dân ngoài đó.
Trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng người cựu chiến binh - diêm dân già, treo đầy những bằng khen, ảnh chụp ông Quang trong bộ quân phục với thật nhiều huân chương gài trên áo, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Ba, xen lẫn những bức ảnh vợ chồng cô con gái và cháu ngoại. Có lẽ nỗi niềm lớn nhất của ông là cô con gái duy nhất đi lấy chồng, làm muối ở Diễn Bích không túc trực được bên cha mẹ lúc tuổi già - sau khi xuất ngũ, biết mình bị chất độc màu da cam nên ông bà quyết định không sinh thêm con.
Chúng tôi từ biệt vợ chồng ông Quang, bịn rịn nắm mãi bàn tay già chai sạn. Những đầu móng tay trắng bạc - có lẽ là màu của mồ hôi biển lắng đọng mà nên. Một cơn mưa rào, chúng tôi bất giác nếm giọt nước vừa rơi, tự nhiên thấy mặn mòi như câu chuyện kể của người cựu chiến binh - diêm dân già bám trụ lấy dòng nước bên ngọt, bên mặn của Lạch Vạn. Con người đổ mồ hôi, máu và nước mắt để chắt lọc tinh hoa của biển, của trời cả thời đạn bom và thời sóng yên biển lặng ấy, chính là hạt muối mặn mòi nhất của cuộc đời.