Khảo sát tại chợ hoa Quảng An, một trong những chợ đầu mối hoa lớn nhất Hà Nội những ngày cận Tết, ngoài hoa đào, quất là hàng hoa truyền thống thì phần lớn là sản phẩm hoa nhập từ Trung Quốc. Theo chị Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương kinh doanh tại chợ hoa này, nhiều và phổ nhất vẫn là địa lan, lan hồ điệp, hoa thủy tiên, hoa ly. Hai năm trở lại đây, Trung Quốc còn có thêm hoa đào thất thốn trồng theo kiểu bon sai phục vụ nhu cầu người Việt chơi hoa dịp Tết.
Hoa Trung Quốc đa dạng về mẫu mã và giá cũng không rẻ. Một chậu đào thất thốn giá từ 2,2 - 2,7 triệu đồng, cành lan rẻ nhất cũng 150.000 - 200.000 đồng, giá bán cao gấp nhiều lần so với nhiều loài hoa của Việt Nam giá chỉ vài nghìn đồng một bông. “Cứ nhìn chợ hoa này thì biết, những cửa hàng to lớn nhất là bán các loại hoa cao cấp, nhiều nhất vẫn là lan, hàng Trung Quốc cả đấy”, chị Thảo cho biết.
Tại chợ hoa Tết ở Trung tâm Triển lãm nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các quầy hoa lan chủ yếu là hoa nhập từ Trung Quốc, nhiều nhất vẫn là địa lan với nhiều màu sắc. Ngoài màu vàng truyền thống, địa lan còn có màu hồng phấn, cà rốt, màu đỏ… bắt mắt, được nhập nguyên từng chậu từ Trung Quốc. Với loài địa lan, giá rẻ nhất 150.000 - 200.000 đồng/cành, loại màu sắc lạ, độc giá bán từ 250.000 - 350.000 đồng/cành. Lan hồ điệp, giá cũng trong khoảng 150.000 - 250.000 đồng/cành.
Có nhiều năm “đánh” hoa Tết từ Quảng Đông (Trung Quốc) về thị trường Hà Nội và đổ mối buôn cho các tỉnh miền Bắc, chị Hoàng Thị Ngọc Châm (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, nhu cầu chơi hoa lan dịp Tết tăng mạnh. Gần 2 tháng trước Tết, các thương lái bắt đầu tìm đến các nhà vườn để đặt hàng, nhập về nhiều nhất vẫn là địa lan, lan hồ đẹp với mẫu mã rất đẹp và đa dạng về màu sắc.
Cũng theo chị Châm, với riêng loại địa lan Trung Quốc có tốc độ bán chạy nhất thị trường thì mỗi năm cơ sở này đầu tư hàng chục tỉ đồng chỉ nhập hoa về bán tại Hà Nội.
Cũng theo chị Châm, các nhà vườn Trung Quốc rất nhanh nhạy với thị trường khi nhận sản xuất theo đơn đặt hàng. Dẫn chứng là ở dịp Tết năm trước, cây táo đỏ bon sai được nhập về để thử nghiệm thị trường đến khi bán chạy thì năm nay, các nhà vườn sản xuất nhiều loại cây táo này cho các thương lái Việt Nam. Táo bon sai đưa về Việt Nam với đủ loại kích cỡ, màu sắc khác nhau giá vài triệu đồng/cây vẫn đắt hàng.
“Nếu so về mẫu mã, chủng loại thì hoa Tết, đặc biệt là các loài hoa cao cấp từ Trung Quốc đẹp hơn nhiều, giá cả rẻ hơn so với hoa Việt nên nó tiêu thụ rất mạnh trong mỗi dịp Tết”, chị Châm nói.
Chủ tịch Hiệp hội hoa lan Đà Lạt (Lâm Đồng) Phan Thanh Sang cho biết, hiện tại nguồn hoa lan xuất xứ từ tỉnh này cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại thị trường miền Trung và miền Nam. Với thị trường miền Bắc, hoa lan Đà Lạt chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại đa số là lan nhập từ Trung Quốc. Cũng theo thống kê của giới buôn hoa lan, chỉ riêng với lan hồ điệp, mỗi năm thị trường miền Bắc nhập khẩu và tiêu thụ khoảng 2 triệu cành, chưa kể nhiều loại hoa khác cũng phải nhập về từ Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), vụ hoa Tết được tính từ ngày đầu tháng 12.2017 cho đến cuối tháng 1.2018 cho thấy số lượng nhập khẩu hoa, cây cảnh từ Trung Quốc tăng mạnh. Thống kê sơ bộ từ ngày 1.12.2107 đến ngày 31.1.2018, Việt Nam đã chi 3,6 triệu USD để nhập khẩu các loại hoa, cây cảnh từ Trung Quốc, tăng trên 60% so với cả vụ Tết năm 2017 (trên 2 triệu USD).
Ở góc độ người trồng và kinh doanh hoa (chủ yếu là hoa xuất khẩu), bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch Tập đoàn The Pan Group (doanh nghiệp đang trồng hoa cúc xuất khẩu đi Nhật Bản), chia sẻ nhìn thị trường ngày Tết tràn ngập hoa và cây cảnh Trung Quốc mà không khỏi xót xa cho người nông dân Việt Nam. Mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh là yếu tố quan trọng nhất khiến hoa Trung Quốc tràn lan trên thị trường dù độ bền của hoa kém hơn hẳn. Thậm chí, ngay tại những nơi được coi là vựa hoa hay chợ hoa truyền thống, không khó để nhận ra sự hiện diện có phần áp đảo của các loại hoa, cây cảnh Trung Quốc.
Thực trạng này đưa đến chúng ta một dấu hỏi rất lớn về thị trường và năng lực sản xuất nội địa. Người trồng hoa trong nước phải làm sao đáp ứng được nhu cầu của người chơi hoa về sự đa dạng chủng loại, độ bền của hoa mà vẫn đảm bảo giá thành hợp lý. Nhưng với sản xuất manh mún, thiếu tập trung khó có thể giải quyết được, chúng ta cần sự đầu tư bài bản cả về quy mô - công nghệ - kỹ thuật - con người, chưa kể cần tận dụng những mô hình liên kết sản xuất kết nối các bên (người nông dân, doanh nghiệp, nhà nước/hiệp hội) nhằm gia tăng sức mạnh mới năng lực cạnh tranh của hoa Việt.
Cũng theo bà My, ngành trồng hoa của Việt Nam có rất nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển khi có nhiều quỹ đất để phát triển lĩnh vực này với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hoa nội địa tăng hơn 10% mỗi năm là một con số rất tiềm năng. Đời sống ngày càng cao khiến yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn về cả mẫu mã, chủng loại lẫn chất lượng hoa.
“Để khai thác được tiềm năng này đòi hỏi người nông dân, các doanh nghiệp ngoài việc nắm bắt được xu hướng thị trường, còn cần đến sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp. Đầu tư làm ra những bông hoa đẹp giá cả phù hợp đúng thời vụ mới chỉ chiếm 49% của thành công, 51% còn lại nằm ở khả năng xây dựng thương hiệu, quảng cáo, vận chuyển lưu giữ và hệ thống phân phối đến người tiêu dùng”, bà My nói.