(Baonghean) - Theo chân cán bộ nông lâm xã Châu Thái (Quỳ Hợp), vượt gần 10 km đường đất sục bùn, chúng tôi đến xóm Bản Bom. Nhìn từ xa xóm Bản Bom như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, với những nếp nhà sàn cũ, mới, cao, thấp được bố trí theo thứ tự nhấp nhô bên sườn núi.

Bản Bom chỉ có 56 hộ dân, song cả 56 hộ đều tham gia trồng rừng. Đồng bào nơi đây coi rừng như người mẹ lớn chở che và đem lại nguồn sống cho bản làng. Ông Ngân Thanh Vượng – xóm trưởng Bản Bom cho biết: “Cả xóm có 56 hộ, với 278 nhân khẩu, đời sống của đồng bào nhờ vào trồng rừng, chăn nuôi và trồng lúa. Ở đây ai cũng thích trồng rừng, muốn mở rộng thêm diện tích nhưng hết đất rồi. Hiện nay cả xóm Bản Bom đã trồng được hơn 80 ha rừng keo tai tượng, hộ trồng ít nhất 0,5 ha, hộ trồng nhiều nhất trên 10 ha.

Những năm gần đây nhờ có sự tuyên truyền, chỉ đạo của cấp trên, bà con xóm bản đã nhận thức được việc trồng rừng và bảo vệ rừng là vừa bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước, vừa đem lại giá trị kinh tế cho bà con. Từ thực tế một số hộ tham gia bảo vệ rừng và trồng rừng đã có khai thác, có thu nhập, bà con tích cực làm theo. Trước kia rừng có mốc, bây giờ bà con trồng keo san sát, tốt bạt ngàn không phân biệt được mốc nữa. Thậm chí nhiều hộ không phân biệt được ranh giới của nhau. Rừng keo của Bản Bom trồng từ 4- 6 năm rồi, tốt lắm, đồng bào rất phấn khởi !”

799088_small_101028.jpg

 Bản Bom.

Ngay hộ xóm trưởng Ngân Thanh Vượng cũng trồng 3 ha rừng keo tai tượng, đến nay đã gần 5 năm rồi, chỉ còn 2 năm nữa là cho khai thác đồng loạt. Ông Vượng nhẩm tính hiện nay 1 ha keo nguyên liệu có giá từ 30 – 35 triệu đồng, nếu keo trồng 7 năm tuổi, giá 40 – 45 triệu đồng/ha. Như vậy, gần 2 năm nữa, 3 ha keo của gia đình ông cũng cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. “Đây là nguồn thu nhập rất lớn đối với gia đình tôi. Bây giờ gia đình tôi rất muốn được mở rộng thêm diện tích trồng rừng, nhưng rất tiếc không còn đất nữa”, ông Vượng bộc bạch.

Ông Lô Văn Thoại xóm Bản Bom là người có diện tích trồng rừng nhiều nhất bản, với hơn 18 ha keo tai tượng đã bước sang năm thứ 7. Hiện nay keo phát triển tốt, thân cao 18 – 20m, sang năm 2014 khi keo đủ 8 năm tuổi, toàn bộ diện tích sẽ cho khai thác đồng loạt. Cây to, đẹp sẽ bán được giá 50 triệu đồng/ha. Ông Thoại nhẩm tính hơn 18 ha keo cho thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng, vui mừng quá! Bao năm vất vả gieo trồng, chăm sóc, giờ đây đã gần có kết quả vượt lên mong đợi.

Ông Lô Văn Thoại chia sẻ: “Cái duyên đến với rừng cũng thật tình cờ, trước đây tôi có quen biết một số anh em ở tổng đội, họ khuyên tôi tham gia trồng rừng. Hồi đó trong nhà có đồng vốn nào tôi dốc hết để mua giống và thuê công nhân phát rừng, dọn cỏ, trồng cây, tổng chi phí đầu tư ban đầu hết 90 triệu đồng. Khi đó không ngờ trồng keo lại có giá trị lớn như bây giờ, lúc ấy chỉ nghĩ được trồng keo để gây dựng rừng, che chắn cho bản làng, cho nguồn nước ở khe suối luôn chảy róc rách quanh năm!”.

Ngoài ra, ở xã Châu Thái còn hàng trăm hộ tích cực trồng rừng có kết quả tốt như ông Vi Văn Bốt xóm Đồng Minh, trồng hơn 10 ha keo đã 6 – 7 năm tuổi; ông Hà Thanh Tâm xóm Đồng Minh cũng trồng trên 8 ha keo gần bước vào thời kỳ khai thác…



Người dân xã Châu Thái nhận giống keo về trồng.

Rừng keo của Châu Thái được nhân dân trồng từ năm 2007 – 2008, đến nay một số diện tích đã cho khai thác, đem lại giá trị thu nhập cho người dân. Nhiều hộ đã biết kết hợp vừa trồng rừng, vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Năm 2012, Lâm trường Quỳ Hợp bàn giao lại cho xã Châu Thái quản lý 500 ha rừng tái sinh, UBND xã đã giao cho hộ dân khoanh nuôi bảo vệ. Riêng trồng rừng đã thu hút hơn 1/3 số hộ dân trong xã tham gia trồng được 1.500 ha rừng keo. Ngoài ra, còn trên 50 hộ tham gia trồng rừng thuộc đất của Tổng đội TNXP, khoảng 200 ha.

Ông Vi Văn Vĩnh- cán bộ nông lâm xã Châu Thái cho biết: Xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, hàng năm chỉ sản xuất nông nghiệp nhàn rỗi, trong khi nhiều diện tích sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa, thu hoạch bấp bênh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lao động dư thừa. Chính quyền địa phương nhận thấy thế mạnh của xã nhà từ khoanh nuôi bảo vệ rừng. Tích cực tuyên truyền vận động nhân dân cải tạo vườn rừng không có giá trị kinh tế chuyển sang vườn rừng có giá trị kinh tế. Trong đó một số diện tích có hỗ trợ của Nhà nước theo các Chương trình 135, 147.

Từ tiềm  năng của địa phương trong bảo vệ và gây dựng rừng, năm 2012, UBND xã tiếp tục có quy hoạch cho dự án bảo vệ rừng cộng đồng 80 ha tại 3 xóm Bản Bom, Bản Cố, Noong Ôn. Và đã xây dựng vườn ươm bảo vệ rừng cộng đồng tại xóm Bản Bom. Nhờ khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng đã tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội tại địa bàn; Đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, đến nay, phong trào trồng rừng tại Châu Thái phát triển mạnh, địa phương không còn diện tích để giao cho dân trồng…


Bài, ảnh: Quỳnh Lan