(Baonghean) - Nghĩa Đồng là xã có mức tăng trưởng khá về kinh tế của huyện Tân Kỳ, từ đó có điều kiện từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng. Trong nhiều đổi mới về diện mạo nông thôn và hạ tầng phục vụ dân sinh ở đây, Nghĩa Đồng có thể tự hào là đã xây dựng được nhà máy nước sạch…
Người dân Nghĩa Đồng còn nhớ mãi một ngày nắng giữa tháng 6 năm 2009, khi hệ thống loa phóng thanh của xã thông báo nhà máy nước xã nhà chính thức đi vào vận hành. Người già, con trẻ hồi hộp ngóng đợi cho đến 4 giờ chiều dòng nước sạch chảy về tận từng hộ, niềm vui râm ran xóm làng. Thế nhưng, ít ai biết là cũng phải mất đến gần 4 năm (từ năm 2004) lập hồ sơ đề nghị, Nghĩa Đồng mới có dòng nước sạch hằng mơ ước này.
Tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay Nghĩa Đồng đã đạt 16/19 tiêu chí. Giao thông cơ bản được kiên cố, làng xóm thoáng đãng sạch đẹp, trung tâm xã sầm uất bán mua với một ngôi đình chợ thuộc vào loại hiếm có ở vùng miền núi trung du, thì việc người dân đã quen dùng nước sạch của nhà máy khiến khách xa đến Nghĩa Đồng cảm nhận một đời sống mang dáng dấp đô thị.
Nhà máy nước sạch xã Nghĩa Đồng.
Theo đồng chí Trần Văn Trung – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Nghĩa Đồng, thì mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trước đây được địa phương quan tâm, nhưng khi chưa có nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân, xã chưa thể chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Các hộ dân sống ở vùng thấp, vùng bờ ruộng thường bị ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do nước ruộng thẩm thấu vào giếng ăn (các chất từ xác động vật chết, rác thải, thuốc trừ sâu…). Phó Bí thư Trung cả quyết: “Có một thực tế, dù chưa khẳng định bằng kết quả khoa học, là đã gần 3 năm nay, từ khi có nước sạch, tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh về đường ruột và ung thư ở Nghĩa Đồng giảm hẳn!” (hiện tượng nhiều người mắc bệnh ung thư không rõ nguyên nhân từng làm hoang mang tâm lý người dân ở đây suốt thời gian dài).
Nếu nói việc sử dụng nguồn nước sạch đã thực sự góp phần tăng chất lượng sống cho người dân Nghĩa Đồng, thì đó cũng có cơ sở, khi biết công nghệ sản xuất nước sạch ở đây là công nghệ của Israel, lấy nước sông Con, bơm vào hồ chứa dung tích 2.000m3; sau đó máy bơm tiếp tục bơm lên 2 bồn cao, tại các bồn này có hệ thống phun hóa chất lắng cặn của nước (trong mỗi bồn có 2m3 cát chuyên dụng mua từ Hải Phòng trị giá 3 triệu đồng/m3), trong bồn có hệ thống sục nước và xả cặn lắng ra ngoài; giai đoạn tiếp theo nước được đi vào bể chứa 60m3, từ đó nước sạch được hệ thống bơm cao áp tự động bơm vào đường ống chính để phục vụ người dùng.
Người dân xã Nghĩa Đồng yên tâm hơn khi được dùng nguồn nước máy cung cấp.
Việc sử dụng nước sạch từ nhà máy đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nó trong bảo về sức khỏe; cải thiện được chất lượng cuộc sống, chăm lo hơn việc bảo vệ môi trường sống của mình.
Anh Đào Ngọc Điệp, nhà ở xóm 4B, cho biết: “Nhà tôi ở bìa xóm, gần ruộng, bao nhiêu năm không có cách chi khắc phục được việc sử dụng nước giếng nổi váng vàng khi nấu ăn uống, tâm lý luôn bất an. Nay có nước sạch nhà máy, yên tâm hẳn, cơm ăn nước uống cũng ngon hơn!”. Hộ ông Ngô Trí Diên ở xóm 7, thì nhờ có nguồn nước sạch nhà máy mà thoát cảnh “khát” suốt 3 tháng nắng hè do nhà ở trên cao, giếng đào thế nào cũng cạn trơ đáy…
Tuy nhiên, niềm vui nước sạch của người dân Nghĩa Đồng là chưa trọn vẹn, bởi nhà máy mới chỉ xây dựng giai đoạn một, công suất cung cấp nước mới đạt 30m3/h, chỉ mới đủ phục vụ cho 600 hộ trên tổng số 2.050 hộ dân toàn xã. Được biết, nhà máy này có tổng kinh phí đầu tư là gần 8,9 tỷ đồng từ nguồn vốn “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (vốn đối ứng của nhân dân là 30%). Hiện nay, lãnh đạo xã đang lập kế hoạch đầu tư thêm máy để nâng công suất sản xuất nước sạch lên 80 m3/h, đủ cung cấp nhu cầu nước sạch cho 1.700 hộ dân.
Hiệu quả nhà máy nước sạch ở Nghĩa Đồng
Đình Sâm