(Baonghean) Trong triển làm ảnh chuyên đề "Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - cuộc đời và sự nghiệp" của Bảo tàng Nghệ An năm nay, khi triển lãm về chủ đề mối quan hệ giữa hai đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, có một số tài liệu trong bộ hồ sơ cá nhân của đại biểu Phan Lan - bí danh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong thời gian tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII rất đáng chú ý.


Bộ hồ sơ của đại biểu Phan Lan lưu ở phòng lưu trữ Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Tổng cục 5, Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận và bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam năm 2011. Năm 2012, Bảo tàng Nghệ An được khai thác và giới thiệu về nguồn tư liệu quý này. Bộ hồ sơ còn bảo lưu những tư liệu về đại biểu Phan Lan như: Thẻ đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản; Bản nhận xét học viên do đồng chí Va-xin-li-ép Trưởng khoa Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông viết vào tháng 6/1935; các bản nhận xét dư luận, bản kê khai dành cho đại biểu tham dự Đại hội Quốc tê Cộng sản lần thứ VII; các bức điện mật;... Trong đó, có bản lý lịch viết tay của đại biểu Phan Lan còn hiện nguyên những nét chữ đều, đẹp, vừa thanh thoát, vừa mạnh mẽ, làm cho người xem không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi được đọc những dòng chữ viết tay bằng chữ quốc ngữ mà nhà cách mạng tiền bối của Đảng viết từ những năm 30 của thế kỷ trước.

781320_small_81248.jpg

                 Lý lịch cá nhân viết tay (thủ bút của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai).


Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 1/11/1910, tại số nhà 132, phố Ga Cũ, xã Vĩnh Yên (nay là phường Quang Trung - TP. Vinh, Nghệ An). Bố làm Giám đốc Nhà ga Vinh, mẹ buôn bán nhỏ. Năm 1926, đồng chí đã gia nhập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đó cũng là mốc đánh dấu thời điểm bắt đầu con đường hoạt động cách mạng sôi nổi của nhà nữ cách mạng tiền bối có đóng góp và cống hiến xuất sắc cho Đảng và Cách mạng.

Năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là 1 trong 3 đại biểu chính thức của Đảng ta tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (đoàn đại biểu chính thức của Đảng ta gồm: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn) và là đại biểu trẻ tuổi nhất của Đại hội. Trong phiên họp thứ 40, chiều ngày 16/8/1935, với tư cách đại diện phụ nữ các nước phương Đông, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, lúc đó lấy tên là Phan Lan, trước hơn 500 đại biểu thay mặt cho 65 Đảng cộng sản có mặt hôm ấy, đã nói lên niềm tự hào và khẳng định ý chí quyết tâm của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa: "lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng ở nước chúng tôi, lần đầu tiên từ ngày có Đảng cộng sản của chúng tôi, một phụ nữ như tôi, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, được hân hạnh tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản, mà còn từ diễn đàn đại hội được báo cáo đến các đồng chí Tây Âu, đến các công nhân nam nữ toàn thế giới rằng, chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân của các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu, đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng...".



Thẻ Tham dự Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.


Tham luận của Phan Lan được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh, thu hút sự chú ý và tình cảm của nhiều người.


Cũng tại Đại hội này, Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là bộ phận chính thức của Quốc tế Cộng sản và đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Trong buổi liên hoan thân mật giữa 2 đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp, Nguyễn Thị Minh Khai đã hát chung một bài với Lê Hồng Phong, bài hát do Nguyễn Thị Minh Khai đặt lời, Lê Hồng Phong phổ nhạc:


Nào ai khốn khổ trên đời

Cùng nhau thề quyết một lời

Phen này hy sinh phấn đấu

Ra tay cướp lấy chính quyền

Chính quyền là quyền Xô viết

Của công nông cùng bạn dân nghèo

Cách mạng đã được thành công

Rồi ta xây dựng thế giới đại đồng.

Anh em binh lính cùng với công nông

Quyết chí tranh đấu ta sẽ không thua

Súng đạn đều ở tay ta cả

Tại sao mà chẳng nổi lên

Nổi lên bạo động phải chọn thời cơ

Lúc đã bạo động cần phải tiến công

Tiến công chính là nơi thắng lợi

Còn thế thủ thủ thì sẽ thua ngay!


Những năm tháng tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, học tập ở Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông là khoảng thời gian đánh dấu sự thăng hoa về tình cảm, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần cách mạng giữa Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Đều là học trò xuất sắc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc bồi dưỡng, huấn luyện trực tiếp trong thời gian tham dự Đại hội VII, cả đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã có những đóng góp quan trọng cho thành công chung của Đại hội. Để rồi từ đó, theo yêu cầu của cách mạng, 2 người đã về nước và trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, có công lao to lớn và đóng góp quan trọng đối với việc gây dựng tổ chức, vực dậy phong trào đấu tranh cách mạng ở vào những giai đoạn vô vàn khó khăn, thử thách.




Bản nhận xét của Trường ĐH LĐCS Phương Đông nhận xét về đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.



Cùng là những người con ưu tú của đất Nghệ, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đều xa quê và gặp nhau trên con đường bôn ba cứu nước ở hải ngoại, yêu nhau rồi kết nên tình nghĩa vợ chồng, chuyện tình của họ trở thành một trong những chuyện tình đẹp nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như của Quốc tế cộng sản.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam và các nước trên thế giới, hiếm có gia đình nào mà toàn bộ tình yêu, hạnh phúc của hai vợ chồng đều gắn liền với cuộc đấu tranh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, của Đảng, cũng như của phong trào cách mạng và công nhân quốc tế; hiếm có trường hợp nào cả hai vợ chồng đều trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc trong phong trào đấu tranh cách mạng, đều chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng và hy sinh oanh liệt trước mũi súng của kẻ thù như đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Mối tình của 2 đồng chí là kết quả của sự gặp gỡ, đồng điệu, kết duyên giữa hai tâm hồn lớn, nhân cách lớn, đó là niềm tự hào chung và cũng là di sản quý của Đảng ta, nhân dân ta!


Ngô Kiên