(Baonghean) Chàng thanh niên Đặng Thúc Hứa bấy giờ đang ở tuổi hai mươi tráng kiện. Sau khi phong trào Đông Du thất bại, anh sang Hồng Kông gặp danh sĩ đồng hương Phan Bội Châu bàn chuyện mua súng đạn chuyển về nước. Vũ khí thì mua được rồi, nhưng chưa có cách nào chuyển ? Cả Phan và Đặng tìm cách sang Xiêm, xin đất lập Trại Cày ở Bản Thầm với dự định tập hợp các thanh niên yêu nước và giáo dục nhân dân để sớm muộn sẽ phục quốc.


Ban đầu, Trại Cày đóng ở Bản Thầm, sau thì chuyển đến Phi Chịt, như thế sẽ tiện việc liên lạc với trong nước. Trại được mở rộng và trong nhận thức của Đặng Thúc Hứa đang có sự chuyển đổi tích cực, theo hướng tìm mọi cách tập trung sức xây dựng lực lượng cách mạng từ trong nước, nên cái Trại Cày của anh thu hút và dung nạp ngày càng nhiều số thanh niên từ trong nước mới sang.


781323_small_81252.jpg

Minh họa: Nam Phong

Ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã có hơn trăm thanh niên bí mật sang Xiêm. Nhờ có người dẫn đường, họ lần lượt vượt dãy Trường Sơn sang Lào, bơi qua sông Mê Kông tới vùng Đông Bắc Xiêm... Mang trong mình nỗi nhục mất nước, khát vọng tự do, hai anh Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn ở huyện Hưng Nguyên biết được nhiều đoàn thanh niên quê Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu... đã đi ra nước ngoài theo sự tuyển lựa của các sĩ phu yêu nước. Các anh liền đi tìm manh mối, may mắn đã được người trong tổ chức hứa giúp đỡ, dẫn đường.


Thế là vào cái ngày đầu mùa Xuân của năm 1924, có đồng chí dẫn đầu, tốp người từ giã làng quê. Chợ Vinh sáng hôm đó đúng phiên,họ hẹn gặp nhau tại một địa điểm bí mật ở Thị xã Vinh, rồi sang đất Đức Thọ, đi đò ngược lên Hương Khê. Từ đó, theo đường bộ vượt dãy Trường Sơn trùng điệp. Gian khổ, hiểm nguy thì khỏi nói hết. Rừng rậm, núi cao, sông sâu, suối lũ. Thú dữ gầm gừ đe dọa. Và nhất là bọn mật thám, binh lính Pháp luôn rình rập vây bủa. Đoàn người cứ thế lẩn lút, mò mẫm. Ban ngày, họ đi từ sáng tinh mơ. Chiều tối họ dừng lại giữa rừng, ăn uống qua quýt, rồi trèo lên cây hoặc vào hang đá lạnh cóng nghỉ qua đêm. Khí núi buốt tận xương tủy, phải đốt lửa vừa để sưởi ấm, vừa đuổi thú dữ. Ngày nắng, phía Tây Trường Sơn nóng như thiêu như đốt. Nhiều người đã bị bệnh sốt rét. Sang đến đất Lào thì chỉ còn Lê Huy Doãn, Phạm Thành Khôi cùng vài người khác còn khỏe, nên phải thay nhau cõng những người ốm yếu lần mò, hướng tới đích còn vời vợi phía trước...


Cho đến một hôm, trên dãy Trường Sơn hiểm trở, họ dừng chân trước một ngọn núi chót vót. Chợt nhớ tới dãy núi Hồng Lĩnh quê nhà, rồi nhớ lại lời căn dặn đầy khí khái của ông Nguyễn Sinh Khiêm: "Bậc anh hùng trượng phu đã một lần lên ngựa thì chớ bao giờ xuống, một khi nghiệp lớn chưa thành". Ôi, hay quá, sâu sắc quá! Cả hai chàng trai Khôi, Doãn trong lòng đầy cảm khái, nói to với nhau mà như thể hẹn thề cùng đất nước:


- Chuyến đi này, nếu không làm rạng rỡ non sông, thì quyết không trở về Tổ quốc, quê hương!


 
Cũng trong giờ phút thiêng liêng này, Phạm Thành Khôi quyết định đổi tên là Phạm Hồng Thái, còn Lê Huy Doãn đổi là Lê Hồng Phong.


Họ lại tiếp tục lên đường, trèo đèo vượt suối, tính đến nay đã hơn hai tháng ròng. Nhưng kia rồi, dòng Mê Kông đã hiện ra trước mặt. Đây đã là biên giới hai nước Lào - Xiêm. Trong vai những người buôn bán tự do, họ dễ dàng qua mặt được bọn lính tuần canh. Vượt sông Mê Kông đến Lạc Khòn, một địa phận của nước Xiêm. Từ đó họ theo liên lạc về đến Trại Cày Phi Chịt. Gặp gỡ đồng chí của mình từ đất mẹ sang, trại chủ Đặng Thúc Hứa nói sao hết niềm hạnh phúc. Anh em trong trại ôm nhau, mừng mừng tủi tủi... Lịch sử nước ta thời Hậu Trần, có Trại Trùng Quang của ông Trần Quý Khoáng, ở biên giới Việt-Lào. Nghe truyền lại, thì ông Khoáng thường nghĩ đến quốc sỉ, nuôi chí lớn, nên đông người hảo hán đến đây, thường được ông Khoáng hầu đãi... Chợt nhớ đến đấy, Lê Hồng Phong đã thấy vui sướng xen lẫn niềm tự hào khôn xiết!


Tuổi nhỏ theo học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, lớn thêm một chút thì làm thư ký cho một hiệu buôn, rồi làm công nhân xưởng máy ở Vinh, nay rời làng quê, dấn thân vào con đường của người yêu nước, đây là lần đầu tiên Hồng Phong có một chuyến đi xa nhất, nhưng cũng đáng nhớ nhất. Sống ở Trại Cày Phi Chịt, trong tình thương yêu đùm bọc của đồng chí, đồng hương, của bà con Việt Kiều yêu nước, nên bao nhiêu mệt nhọc dọc đường đã tan biến chỉ sau mấy ngày. Lê Hồng Phong nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống mới, với những quan hệ mới thân tình, tin cậy. Anh được học tập, được tham gia sản xuất, còn được giao nhiệm vụ mở rộng cơ sở cách mạng và vận động kiều bào tham gia cứu nước...


"Trại Cày đây rồi! Nhưng con đường phía trước còn dài rộng lắm, gian khổ hy sinh chắc chắn còn nhiều. Song, mình vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang cuối cùng của cách mạng! Mình sẽ được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sẽ dần trưởng thành, sẽ tìm cách trở về Việt Nam trực tiếp gắn bó với phong trào...". Mới nghĩ đến đó, lòng trai trẻ của Lê Hồng Phong, đã dào lên như sóng nước dòng Lam quê anh, ở khúc chảy xiết nhất!


Nhật Thi