(Baonghean) - “Câu chuyện của tôi” tuần này xin giới thiệu chuyện kể của chị N.T.U, một cô gái người dân tộc Thái bị lừa bán sang Trung Quốc. Khát vọng sống cùng sức mạnh của tình yêu đã giúp cô gái trẻ tự giải thoát, trở về quê hương, về nơi có mối tình đầu đang chờ đợi…
Tôi sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Tuổi thơ của tôi là những ngày ăn cơm độn khoai sắn, những giây phút cõng em, theo cha mẹ lên rẫy. Cuộc sống quẩn quanh trong nghèo nàn và lạc hậu. Lớn hơn tí nữa, tôi được ra trường huyện học, nhưng cuộc sống quá khó khăn nên phải nghỉ giữa chừng. Cũng như cha mẹ và bao người dân xóm bản, hàng ngày bàn chân quen đi rẫy, bàn tay quen cuốc hái. Những rung động đầu tiên của tôi là nhờ những ngày tháng lên nương. Người trai bản hơn tôi 2 tuổi, hiền lành, nhút nhát, nhưng rất chăm chỉ, chịu khó. Anh giúp tôi vun lại gốc cây, cầm giúp tôi cái cuốc, rồi ánh mắt chúng tôi đã thầm trao yêu thương trong những ngày hội bản.
Một góc bản nghèo xã Đôn Phục, nơi nhân vật sinh sống. Nếu như tôi biết bằng lòng với cuộc sống, thì có lẽ những lời dụ dỗ khó lòng lay chuyển được tôi. Nhưng rồi, tôi thấy những cô gái đi làm xa tết về bản, xúng xính váy áo mới, có tiền biếu cha mẹ, chia cho các em. Họ kể chuyện về những con đường đầy người và xe cộ. Họ kể về những tòa nhà cao chọc trời, về những chốn ăn chơi ngập tràn tiếng nhạc và thơm nức mùi hương… Tôi bắt đầu mơ tưởng về thế giới đó với tất cả khát khao. Dù thế nào tôi cũng sẽ phải thoát khỏi miền quê nghèo của mình, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn bao đời của đói cơm, khát chữ. Khi đang có những suy nghĩ miên man về việc đi vào miền Nam làm ăn thì một người đàn bà xuất hiện. Lúc đó, tôi vẫn nghĩ chị ta là “cứu cánh” của mình. Tài ăn nói khéo léo, ăn mặc sang trọng và những lời hứa về một xứ sở khác lạ với bản làng heo hút, khiến tôi bị mê hoặc. Và tôi bàn với bố mẹ để theo chị ta lên đường, ra Hà Nội kiếm việc. Nghe tin tôi sẽ đi làm ăn xa, chàng trai bản vội tìm gặp. Ánh mắt anh buồn lắm. Và đúng đêm hôm trước ngày tôi đi, anh đã ngỏ lời yêu. Hạnh phúc pha lẫn xót xa, nhưng tôi vẫn quyết định mình sẽ đi một vài năm. Khi kiếm được chút lưng vốn, sẽ trở về với anh và xây dựng mái ấm.
Lần đầu tiên tôi leo lên chiếc xe khách đầy bụi đỗ ở phố huyện để thực hiện một hành trình tìm cuộc sống mới ở miền đất hứa. Xuống ngã ba Diễn Châu, tôi được chị ta đưa vào nghỉ ở một căn phòng sang trọng, có giường đệm, chăn hơi, điều hòa mát lạnh. Nằm trong căn phòng lạ, tôi trằn trọc nghĩ về bản làng nghèo, về cha mẹ, những đứa em thơ và những ngày tháng nhọc nhằn trên rẫy. Càng nghĩ, càng thấy mình phải quyết tâm làm được một điều gì đó để thay đổi cuộc sống này.
Ngày hôm sau, tôi được chị đưa đi mua sắm quần áo, làm lại đầu tóc rồi lên chiếc xe giường nằm chạy thẳng. Suốt đường đi, tôi không biết là mình sẽ đến được đâu. Sau chuyến hành trình dài, tôi bước xuống một vùng đất xa lạ, vừa có sự sầm uất của phố thị, vừa có sự hoang vu của núi rừng. Người đàn bà đó dắt tôi xuống thuyền, vượt sông. Khi đặt chân đến vùng đất mới lạ, tôi linh cảm có điều gì đó không ổn. Lúc này, tôi mới biết rằng mình đã bị đưa sang Trung Quốc, sẽ bị bán để làm vợ người ta. Như có luồng điện chạy qua người, một cảm giác choáng váng hiện lên trong tôi. Vài ngày sau, tôi bị bán cho một người đàn ông già, tàn tật.
Trước khi đến làm vợ cho người này, mọi tư trang, hành lí, điện thoại của tôi đều bị tịch thu. Thời gian đầu, tôi bị quản thúc, không được phép ra khỏi nhà, gia đình họ cử người canh giữ thường xuyên. Tôi chỉ biết khóc, khóc trong bất lực. Nhiều lúc nghĩ đến cái chết nhưng khi nghĩ về cha mẹ, về em thơ, về người yêu đang chờ đợi mình nơi quê nhà, tôi lại suy nghĩ tìm cách thoát khỏi địa ngục này. Sau một thời gian học được tiếng Trung Quốc, dần dần, tôi được gia đình “chồng” nới lỏng quản lí, cho đi chợ, cho dùng điện thoại để gọi về cho cha mẹ ở quê. Một mặt, tôi cố giả vờ chấp hành nội quy của gia đình, mặt khác tìm cơ hội để trốn chạy.
Một hôm, đang làm việc nhà thì điện thoại tôi đổ chuông, số máy rất lạ. Đầu dây bên kia, một giọng nữ xưng là phóng viên Báo Nghệ An, động viên tôi bình tĩnh, cơ quan chức năng đang tìm cách giải cứu em. Liên tục những ngày sau đó, tôi luôn nhận được những lời động viên, hướng dẫn, giúp đỡ của những người mà tôi chưa biết mặt. Họ là phóng viên của Báo Nghệ An, là công an và cả điện thoại của những người thân trong gia đình. Một thời gian sau, tôi được giải cứu khi lực lượng công an đưa tôi lên xe, chở thẳng về cửa khẩu, giao lại cho các chiến sĩ biên phòng Việt Nam. Sau đó, tôi được trở về quê. Khi trở về, được động viên và bằng tất cả nỗi uất hận của mình, tôi đã viết đơn tố cáo người đàn bà tên Nhung cùng đường dây lừa đảo, buôn người ra nước ngoài.
Mừng vui vì được trở về quê bao nhiêu, tôi càng hạnh phúc khi biết rằng, chàng trai bản- mối tình đầu của tôi vẫn thủy chung chờ đợi ngày tôi trở về. Dù mặc cảm, tự ti khi đã phải làm vợ nơi xứ người nhưng bằng tình yêu chân thành, anh ấy đã khiến tôi thay đổi. Tình yêu trở lại trong trái tim bầm dập vì đau đớn. Chúng tôi lại cùng nhau ra suối, cùng lên rẫy, cùng hò hẹn và mơ về một gia đình hạnh phúc. Gần 1 năm sau, anh đã đến xin hỏi cưới tôi. Lúc này, tôi chỉ biết khóc vì hạnh phúc và gật đầu đồng ý. Đám cưới nhỏ được tổ chức trong niềm vui mừng khôn tả của hai gia đình nội ngoại.
Giờ đây, được sống hạnh phúc bên người mình yêu, tôi thấy biết ơn cha mẹ, xóm làng, biết ơn những người không quản ngại khó khăn, vất vả để cứu thoát tôi ra khỏi cuộc sống tù ngục nơi xứ người. Và càng nghĩ, tôi càng thương xót cho những chị em đã bị lừa phỉnh, còn đang phải lưu lạc, giận những kẻ không có tình người, bị đồng tiền làm lóa mắt. Tôi muốn những chị em đã bị lừa bán sẽ có được điều may mắn như tôi, sẽ có được sức mạnh từ tình yêu, nỗi mong mỏi, và trên hết là có nghị lực để vượt qua những hoạn nạn, trở về với người thân, với quê hương bản quán…
Nguyên Khoa