(Baonghean) - Từ bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), vượt cầu treo, men theo tuyến đường chạy dọc con suối Nhị, đặt chân đến bản Na (xã Hữu Lập), nơi đây từ lâu được biết đến là một trong những bản làng còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Thái. Đó là nghề dệt thổ cẩm đang được phục hồi và phát triển, những điệu dân ca, dân vũ vẫn còn được lưu truyền...
 
Con suối Nhị mùa này hiền hòa và trong xanh. Cái heo may, lạnh giá đang “gõ cửa” từng ngôi nhà. Núi đồi và làng bản đắm chìm trong sương sớm ban mai. Cũng như bao bản làng vùng cao, người dân bản Na đang xôn xao, rộn ràng với mùa cơm mới.  Khi đặt chân đến đây, chúng ta dễ dàng nhận ra cuộc sống no đủ và tươi vui của một cộng đồng dân tộc Thái. Nó được thể hiện ở những nếp nhà sàn khang trang, vững chãi, con đường nhựa phẳng lỳ và những thửa ruộng màu mỡ đang độ chín vàng nằm hai bên bờ dòng suối Nhị.
 
Người Thái ở bản Na thường ví dòng suối Nhị là linh hồn của bản. Bởi nó đã góp phần làm nên vẻ đẹp và thơ mộng cho bản làng. Và từ bao đời nay, suối Nhị đã tưới tắm cho ruộng đồng luôn được tươi tốt, để người dân bản Na không bao giờ bị lâm vào cảnh thiếu cái ăn. Được tắm gội trong làn nước trong xanh của suối Nhị, con gái bản Na ai cũng có nước da trắng hồng, có giọng hát trong trẻo mỗi khi ngân lên câu lăm, điệu xuối. Có lẽ vì thế mà bà con đã lập một ngôi đền nhỏ đầu bản, ven con suối Nhị để thờ thần suối. Hàng năm, trước mùa cày cấy, bà con đều làm lễ xin thần suối cung cấp đủ nước cho ruộng đồng. Mùa lũ lụt đến, dân bản làm lễ cầu xin thần suối chở che để con nước không dâng cao đe dọa cuộc sống bản làng.
 
images865234_img_4023.jpgPhụ nữ bản Na (xã Hữu Lập - Kỳ Sơn) miệt mài bên khung cửi.
 
Mỗi khi nhắc tới bản Na, hầu như tất cả mọi người nghĩ đến nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng được lưu truyền từ bao đời nay. Dạo một vòng quanh bản, điều dễ dàng nhận thấy là tất cả các hộ gia đình ở đây đều có khung cửi. Thời điểm này, khi mùa ngô đã thu hoạch xong, thóc lúa đã về đầy bồ, chị em lại tranh thủ ngồi dệt vải. Tiếng thoi đưa lách cách, tiếng cười nói rộn ràng khắp mọi nhà làm nên không khí đầm ấm, vui tươi và ngập tràn sức sống. Nghề dệt thổ cẩm ở bản Na có từ rất lâu đời. Nghề dệt thổ cẩm tuy không phải là nguồn thu nhập chính nhưng cũng đem về cho chị em bản Na một nguồn thu đáng kể để cải thiện cuộc sống gia đình. Những khung dệt đặt trước hiên nhà sàn, những người phụ nữ chăm chỉ, cần mẫn với con thoi và xa kéo sợi đã góp phần điểm tô cho vẻ đẹp và sự bình yên của bản làng. Những bà mẹ ở bản Na truyền nghề cho con gái từ khi  lên 10. Bắt đầu từ động tác ngồi trước khung cửi, cách kéo chỉ, đến cách đưa thoi và thêu chân váy. 
 
Chi hội Phụ nữ bản đã thành lập được tổ dệt. Đây là nơi tập hợp chị em để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc tập trung sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tổ dệt có nhà xưởng riêng để tổ chức dệt tập trung và truyền nghề cho lớp trẻ. Số lượng hội viên hiện tại trên 60 người. Có kinh nghiệm và tay nghề vững nên bước đầu sản phẩm dệt đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.  Hàng năm, tổ dệt bản Na mở các lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ trong và ngoài bản. Chúng tôi có mặt tại xưởng lúc lớp học đang diễn ra sôi nổi.
 
Nhà xưởng chỉ đủ đặt 6 chiếc khung cửi, chị em học viên đang miệt mài với con thoi, đường chỉ cùng các họa tiết hoa văn trên chân váy. Theo phong tục của dân tộc Thái, con gái trước khi về nhà chồng phải chuẩn bị một số sản phẩm thổ cẩm (váy, áo, khăn, gối, nệm...) để làm của hồi môn. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao khi con gái bắt đầu lên 10, đã được mẹ đưa lên rừng tìm bông lau về dạy cách làm nệm, cho ngồi vào khung cửi để truyền nghề. Ấy là để sau này về làm dâu khỏi mang tiếng vụng về, để người mẹ khỏi mang tiếng là không biết nuôi dạy con gái. Các dịp lễ, tết, cưới hỏi, chị em bản Na đều mặc trang phục váy áo truyền thống và chiếc khăn piêu vui điệu múa sạp, múa xòe và hòa cùng nhịp lăm vông. 
 
Mùa màng đã thu hoạch xong. Mùa cưới, mùa hội đã tới. Khắp bản Na luôn vang lên tiếng hát, tiếng khèn và tiếng thoi đưa lách cách...
 
Tường Anh