(Baonghean) - Đến tận hôm nay mà dư âm của trận Bồ Đào Nha gặp Đức vẫn chưa tan hết. Lên facebook thấy các bạn kêu khóc như ri, rằng ông trọng tài phải gió bắt ép Bồ Đào Nha, làm hỏng cả một trận bóng được kỳ vọng. Anh bạn mình sau vài chục cái bình luận (mỗi cái dài nửa cây số) phân tích trận bóng, kết luận: "Anh không bênh Bồ Đào Nha nhưng anh phải lên tiếng vì bóng đá đẹp, bóng đá sạch." Mình thì chẳng theo dõi trận nào nhưng cũng xí xớn nhảy vào bình luận, "Như thế này có phải là bóng đá đẹp không?", kèm theo một bức hình minh họa. Mấy ông tướng đang tranh cãi hăng tiết vịt tự nhiên im bặt.
 
Bức hình ấy thế này: một đám đông cổ động viên bóng đá đi xem world cup ở Brazil đang kéo nhau đi trên đường (ăn mừng sau một trấn đấu chăng?), vừa đi vừa vứt rác vào thùng rác bên lề đường. Nhưng cái đáng nói là trong thùng rác ấy có một người vô gia cư bản địa đang ngồi, hứng trọn cơn mưa rác vào người. Trước khi World Cup mở màn, mình cũng từng được xem không ít bức ảnh phản ánh công tác chuẩn bị cho World Cup ở Brazil. Có khẩn trương, có quy mô, có tiêu chuẩn, chỉ mỗi một thứ không có, ấy là lòng nhân đạo. Hàng loạt người nghèo sống trong khu ổ chuột bị đuổi khỏi chỗ ở. Sân vận động khổng lồ ở phía xa xa, còn trước mắt là những bãi rác với từng đoàn người vô gia cư thất thểu đứng ngồi. Bị hắt hủi trên chính đất nước của mình để nhường chỗ cho khách tứ xứ về xem World Cup, có khi nào họ đang ao ước rằng trên thế giới này đừng bao giờ tồn tại bộ môn túc cầu?
 
Mình không đam mê bóng đá, thỉnh thoảng có cầu thủ nào đẹp trai thì mình cũng theo dõi chút chút. Không giống như bố mình hay các anh bạn mình đam mê "bóng đá đẹp", nhưng chung quy lại cũng đều giống nhau ở chỗ tôn vinh cái đẹp mà thôi. Hồi còn ở Việt Nam, bạn mình phải thức đêm thức hôm xem đá bóng, sang bên này nó khoái lắm vì được xem đá bóng tầm chập chiều và tối. Nhưng con người có một lại đòi thêm hai, bây giờ ước mơ của nó là được sang Brazil xem trực tiếp. Vừa ngồi xem trên tivi, nó vừa lảm nhảm: "Cậu phải đến sân bóng mới cảm nhận được hết sức nóng của bóng đá, phải có người hò hét cùng, cười cùng, khóc cùng, thậm chí là... chửi bới cùng, ấy mới là bóng đá thực thụ!". Mình thản nhiên đế thêm vào: "Còn cả xả rác cùng, đánh lộn cùng, đập phá cùng nữa chứ!". Bạn thấy không, cái gì cũng có những góc tối của nó, mà đôi khi chúng ta vô tâm không nhìn ra, hoặc làm ra vẻ không thấy, buông thả bản thân theo sự hưng phấn và đám đông. 
 
Mình không kỳ thị World Cup, cũng không kiến nghị là phải bỏ World Cup đi. Không phải tự nhiên mà cả thế giới háo hức mong chờ, phấn khích đến mức điên cuồng vì một sự kiện 4 năm mới có một lần. Nhưng thú vui nào cũng cần có giới hạn của nó, ở một tầm xa xôi, là những cổ động viên vô tư đến vô tâm, không nghĩ thử xem mai này khi World Cup hạ màn, sẽ còn lại gì trên đất nước chủ nhà? Một núi rác? Một loạt những người bản địa mất đi nơi ăn chốn ở? Một xã hội "rối loạn chức năng" vì những tệ nạn như cá độ, sử dụng chất kích thích, mại dâm được bùng phát nhằm phục vụ giới hâm mộ bóng đá? Còn ở một tầm gần với mỗi chúng ta, là cuộc sống, sinh hoạt, làm việc bị xáo trộn. Có phải không ít gia đình tan cửa nát nhà sau mỗi mùa World Cup vì mâu thuẫn, xô xát hoặc của nả đội nón đi vào tiệm cầm đồ?
 
Chúng ta hâm mộ bóng đá đẹp, nhưng bóng đá chỉ thực sự đẹp một cách hoàn chỉnh khi nó ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Điều này phụ thuộc vào cách thức chúng ta hâm mộ và thể hiện lòng hâm mộ của mình. Quy luật này không chỉ đúng cho bóng đá mà cho tất cả mọi thú vui, mọi niềm đam mê trên đời. Bởi chỉ khi ta học được cách cân bằng giữa sự vui thích, thoả mãn bản thân và sự tiết chế, tôn trọng cộng đồng, xã hội, đó mới là thú vui lành mạnh thay vì một khối u cần phải cắt đi. 
 
Hải Triều 
(Email từ Paris)