Hạ viện Anh bác bỏ "thỏa thuận ly hôn" lần thứ ba

070433_10761374-3x2-700x467.jpgThủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại Hạ viện Anh. Ảnh: ABC News

Ngày 29/3, với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, Hạ viện Anh lần thứ 3 đã bác bỏ thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU hồi cuối năm ngoái. Động thái này của Hạ viện Anh đã mở đường cho việc trì hoãn Brexit, hoặc có thể là dẫn tới kịch bản "thảm họa" Anh rời EU không có thỏa thuận.

Trước khi Hạ viện bỏ phiếu Thủ tướng Theresa May đã hối thúc các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit, coi đây là "cơ hội cuối cùng để đảm bảo cho việc Anh rời khỏi khối này". Thủ tướng May nhấn mạnh với việc ủng hộ thỏa thuận này, các nghị sĩ sẽ tránh "một sự gia hạn kéo dài" mà rốt cục sẽ gây trì hoãn hoặc hủy hoại Brexit.

Moskva-Ankara nhất trí dự án đường ống khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ"

Đường ống khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Ảnh: turkstream.info

Nngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện hai dự án chung quan trọng, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (NPP) và đường ống khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi đã phân tích lộ trình thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, gồm đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và việc các chuyên gia Nga xây dựng NPP Akkuyu. Cả hai dự án này đều đang được thực hiện theo đúng kế hoạch. Tôi chắc chắn hai dự án này sẽ được hoàn tất đúng thời hạn."

Tuyến đường ống khí đốt kép "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" sẽ có công suất tối đa 31,5 tỷ m3/năm. Đường ống đầu tiên sẽ vận chuyển khí đốt của Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ mục đích tiêu dùng trong nước và sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Đường ống thứ hai sẽ vận chuyển khí đốt tới Nam Âu và Trung Âu.

Mỹ, Trung Quốc khởi động vòng đàm phán thương mại mới

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ ngày 29/3 đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới ở thủ đô Bắc Kinh nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại song phương, vốn đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ đã được Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chào đón tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, trong bối cảnh hai bên nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ và Trung Quốc đã tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng nhiều quan chức lại đánh giá thấp khả năng hai bên đạt được đồng thuận. 

Tổng thống Ukraine cam kết tổ chức một cuộc bầu cử tự do, công bằng

Tổng thống Poroshenko.

Phát biểu tại sự kiện đánh dấu hoạt động cuối cùng trong chiến dịch tranh cử của ông tại thị trấn Lviv 3 ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống, ông Poroshenko cho rằng, người dân Ukraine đang mong đợi vào tương lai của Ukraine và cuộc bầu cử này có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề dân chủ, tương lai của Ukraine cũng như sự ổn định tại châu Âu. Ông Poroshenko cam kết đảm bảo một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Theo Tổng thống Poroshenko, cuộc bầu cử lần này sẽ định hình chính sách của Ukraine, tiếp tục theo con đường hướng đến Liên minh châu Âu và NATO hay hướng đến Nga. Tổng thống cũng khẳng định, chính quyền sẽ ngăn chặn bất cứ sai phạm nào có thể diễn ra trong bầu cử.

Mỹ tuyên bố gia tăng sức ép tối đa lên Iran và Venezuela

Thứ trưởng MỹSigal Mandelker. Ảnh: Bloomberg News.

Ngày 29/3 Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề về khủng bố và tình báo tài chính Sigal Mandelker cho biết, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp gia tăng sức ép tối đa lên Iran trong tuần này. Bà cho biết sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong những ngày tới với quan chức chính phủ các nước như Malaysia, Singapore và Ấn Độ.

Mỹ cũng đang đưa ra các “sức ép tối đa” nhằm vào chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, bà Mandelker cho biết. Theo một số nguồn tin, Mỹ đã kêu gọi các tập đoàn nước ngoài cần phải cắt giảm hoạt động giao dịch dầu với Venezuela, không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt, thậm chí kể cả khi hoạt động thương mại này không bị cấm theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã công bố nhằm vào Venezuela.