Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã được LĐLĐ tỉnh triển khai trong hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 2/11 vừa qua là một trong những hoạt động nhằm triển khai nghị quyết đi vào đời sống, với mục tiêu đổi mới các hoạt động công đoàn, nhằm hướng tới mục tiêu vì người lao động.
Những mục tiêu đầy thách thức
Nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Chương trình hành động, Kế hoạch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An, LĐLĐ tỉnh Nghệ An vừa xây dựng và triển khai chương trình hành động phù hợp với tình hình, điều kiện của công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ) và Công đoàn tỉnh Nghệ An. Với yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực trong toàn hệ thống, chương trình là cơ sở để các cấp Công đoàn tỉnh Nghệ An xây dựng kế hoạch thực hiện tại cấp mình, tạo sự thống nhất trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh những mục tiêu theo giai đoạn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cũng đã đặt ra những chỉ tiêu hàng năm cho chương trình hành động này. Đáng chú ý là các chỉ tiêu như phát triển được 7.500 đoàn viên công đoàn là công nhân lao động trong các doanh nghiệp, 100% cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị dân chủ đạt chất lượng, trên 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, trên 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Ngoài ra, những chỉ tiêu hàng năm khác như phấn đấu trên 20% đoàn viên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp, 100% đoàn viên được thăm hỏi, hỗ trợ khi có hoàn cảnh khó khăn, bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp, 100% các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính theo quy định của Tổng Liên đoàn, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được kiểm tra, quyết toán tài chính đồng cấp... cũng được đánh giá cao về sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới của Công đoàn Nghệ An.
Để thực hiện được những chỉ tiêu này, LĐLĐ tỉnh đã đưa ra 9 nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, các cấp Công đoàn Nghệ An cần đổi mới công tác tuyên truyền, đổi mới nâng cao chất lượng tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động, phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân cũng được quan tâm.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Nghệ An cũng cần năng động, linh hoạt trong đổi mới nội dung, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...
Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động đến CBCĐ trên toàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Những chỉ tiêu đề ra đều mang tính thách thức, đòi hỏi mỗi CBCĐ phải thật sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm. Chương trình hành động có hay, có phù hợp thế nào đi nữa mà đội ngũ CBCĐ không thực hiện được thì cũng sẽ thất bại”.
Thời gian tới, vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, CCVCLĐ thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Chung một quyết tâm đổi mới
Sự chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua và quyết tâm đổi mới trong thời gian tới của Công đoàn Nghệ An đã được nhân dân, người lao động và các cấp chính quyền ghi nhận.
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ: “Ngay sau khi Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị ra đời, LĐLĐ tỉnh đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết bằng nhiều hình thức hiệu quả, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, LĐLĐ Nghệ An là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công đoàn cả nước tổ chức cuộc thi “Cán bộ Công đoàn Nghệ An tìm hiểu Nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới” bằng hình thức trực tuyến, thu hút hơn 13.000 cán bộ công đoàn tham gia.
Song song với đó, BTV LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn để kịp thời tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành KH số 58 ngày 12/10 để triển khai Nghị quyết 02. Những nỗ lực này đã tạo nên thành quả bước đầu trong triển khai Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh”.
Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cũng khẳng định, trên cơ sở kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận các huyện, thành, thị ủy sẽ chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy trong triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, phối hợp với Đảng đoàn, BTV LĐLĐ tỉnh xây dựng, ký kết quy chế phối hợp công tác để chỉ đạo các cấp công đoàn lồng ghép kế hoạch thực hiện vào chương trình phối hợp của chính quyền đồng cấp.
Nhìn nhận về tầm quan trọng của chương trình phối hợp này, bà Hoàng Thị Thu Hương – Trưởng ban Chính sách pháp luật Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh cho biết: “Nghị quyết 02 đã thực sự là cơ hội để các cấp công đoàn huy động được sự vào cuộc của các cấp phòng, ban, đơn vị liên quan để thể hiện chức năng, vai trò của tổ chức công đoàn. Mỗi cán bộ công đoàn cần vận dụng tối đa nguyên tắc phối hợp chỉ đạo để tham mưu cho cấp ủy tại địa phương thực hiện nhiệm vụ một cách thuận lợi nhất”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đô Lương bày tỏ: “Sự chỉ đạo đồng bộ của cấp ủy Đảng các cấp trong thành lập các đoàn liên ngành xử lý vi phạm trong trích nộp kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Đây chính là nguồn lực để chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động và thực hiện Nghị quyết 02 trong thời gian tới”.
“Chúng tôi nhận thức được rằng, Nghị quyết 02 là sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tổ chức công đoàn và đổi mới công đoàn không chỉ là để thực hiện hoạt động công đoàn mà còn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Với Công đoàn ngành Giáo dục, chúng tôi sẽ rà soát lại các chỉ tiêu để bắt kịp kế hoạch của Nghị quyết 02, thực hiện theo quan điểm kế thừa, phát huy những gì đã làm tốt, bổ sung những nội dung mới và đưa chương trình của công đoàn vào quy chế phối hợp giữa Công đoàn ngành và Sở GD&ĐT. Tôi cũng hy vọng sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn và các cấp chính quyền sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành trong thời gian tới” – ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT chia sẻ.
Ghi nhận tinh thần quyết tâm của đội ngũ CBCĐ trong tiếp cận, thực hiện những nội dung của Nghị quyết 02, đồng chí Kha Văn Tám – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, mỗi cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, đầy đủ về Nghị quyết 02, chủ động tham mưu cho cấp ủy về xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02 phù hợp với tính chất, đặc điểm từng đơn vị, từng địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, mỗi cán bộ công đoàn phải thật sự đồng lòng hướng đến mục tiêu chung, tạo cảm hứng và truyền nhiệt huyết cho tổ chức, cho mỗi đoàn viên, người lao động".