Đặng Thai Mai (1902 - 1984) là nhà phê bình văn học, nhà văn tên tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học yêu nước ở làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Thân phụ của ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Đặng Thai Mai là người giỏi chữ Hán, chữ Pháp. Ông đã hai lần bị thực dân Pháp bắt, đó là năm 1929 khi đảng Tân Việt tan vỡ (Đặng Thai Mai tham gia đảng này năm 1925) và năm 1930 khi ông tham gia phong trào "Cứu tế đỏ" ở Huế (ông bị cầm tù 3 năm, từ 1930 đến 1932).
Có thể kể: Lỗ Tấn (1944), Tạp văn Trung Quốc (1944). Cũng xin nói thêm rằng, bằng hai công trình đó, cùng với các bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất của Tào Ngu, Đặng Thai Mai là người có công giới thiệu văn học Trung Quốc hiện đại vào Việt Nam.
Sau cách mạng tháng Tám, Đặng Thai Mai giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu phê bình văn học. Ông đã kinh qua nhiều cương vị quan trọng như: Bộ trưởng bộ Giáo dục, Uỷ viên Ban dự thảo hiến pháp (năm 1946), Hội trưởng hội Văn hoá Việt Nam (1948 - 1949), Giám đốc Trường ĐH Văn khoa Liên khu IV (1950), chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm Trường ĐH SP Hà Nội, Viện trưởng viện Văn học đầu tiên, từ năm 1959.
Các công trình của ông giai đoạn sau cách mạng có thể kể: Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hoá Phục Hưng (1949), Giảng văn Chinh phụ ngâm (1950), Triết học khái luận (1958), Văn thơ Phan Bội Châu (1958), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1964), Trên đường học tập và nghiên cứu (tập 1 (1959), tập 2 (1969), tập 3 (1970)), Đặng Thai Mai - tác phẩm (tập 1 (1978), tập 2 (1984))...
Với những đóng góp to lớn, Đặng Thai Mai vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh năm 1982 và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1) năm 1996.
Đặng Thai Mai lập gia đình với bà Hồ Thị Toan - một phụ nữ thuần phác, đôn hậu. Bà sinh ra trong một gia đình khoa cử ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Bà không phải là mẫu phụ nữ "học cao biết rộng", bà đứng sau chồng con, lặng lẽ gánh lấy những khó khăn thường nhật. Với sự uyên bác của người cha và sự hồn hậu của người mẹ, Đặng Thai Mai và Hồ Thị Toan đã hình thành cho những người con các phẩm chất tốt đẹp. Năm người con gái và một người con trai, đến nay, đều là những trí thức có nhiều đóng góp cho đất nước.
Con gái đầu, GS Đặng Bích Hà, nhà nghiên cứu Sử học. Bà là vợ của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Đặng Thanh Lê là ba nhà nghiên cứu Văn học có tên tuổi. PGS - TS. Đặng Thị Hạnh là chuyên gia về văn học Pháp. Bà là tác giả của các công trình: Victo Huygo - Tiểu sử danh nhân, Tuyển tập văn học Pháp thế kỷ XX... PGS-TS. Đặng Anh Đào cũng là một chuyên gia Văn học Pháp. Bà là tác giả, đồng tác giả của các công trình: Lịch sử văn học Phương Tây, Tài năng và người thưởng thức, Đổi mới nghệ thuật phương Tây hiện đại... Bà còn là một dịch giả uy tín và tên tuổi. GS. Đặng Thanh Lê lại là người am hiểu Văn học Việt Nam. Bằng tài năng và cái nhìn mới, bà đã viết các công trình nổi tiếng: Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Giảng văn Truyện Kiều, Lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Con trai của GS Đặng Thai Mai - NGƯT, KTS Đặng Thai Hoàng không chỉ như các chị mình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp "trồng người" (là giảng viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) mà còn là một nhà khoa học danh tiếng. Ông đã viết khoảng hơn 20 đầu sách về nghệ thuật kiến trúc, nhiều cuốn sách dịch và các bài báo khoa học. Cô gái út PGS. TS Đặng Xuyến Như lại tìm một con đường đi riêng. Bà bỏ nhiều công sức nghiên cứu sinh học. Hiện nay bà đang công tác tại Viện ứng dụng công nghệ.