(Baonghean) - Ở bản Hốc, xã Diên Lãm (Quỳ Châu), người dân muốn vào rừng của bản khai thác gỗ phải xin phép Ban Quản lý bản. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí đuổi ra khỏi bản. Cả trăm năm nay, dân bản Hốc thế hệ sau nối tiếp truyền thống thế hệ trước bảo vệ rừng bằng những quy định có tính quy ước chung cho cả cộng đồng.
 
 
image_1437900.jpgTrưởng bản Lương Văn Thuận (bên trái) và Bí thư Quang Văn Đồng bên gốc cây rừng cổ thụ.
 
“Báu vật” của bản
 
Bản Hốc có 54 nóc nhà với 245 khẩu của bà con dân tộc Thái sinh sống. Bản nằm lọt thỏm giữa một thung lũng nhỏ bao quanh bởi núi cao trập trùng, thâm u. Cho đến nay, cuộc sống hàng ngày của dân bản vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào rừng. Có lẽ vì vậy mà từ cả trăm năm nay, người dân bản Hốc coi rừng là “báu vật” và có cách ứng xử với rừng hết sức văn minh. Các già làng kể lại rằng, cách đây từ lâu lắm rồi, khi mảnh đất này vẫn còn hoang vu, rậm rịt, có hai người đàn ông dân tộc Thái, một họ Quang, một họ Lương dẫn theo họ hàng đi tìm vùng đất mới. Cuối cùng đoàn người “thiên di” quyết định chọn vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, mọc rất nhiều loại cây theo tiếng Thái gọi là hốc (một họ với nứa, lùng) dưới dãy núi Pù Hốc khai hoang lập bản, lập mường. Người xưa đặt tên bản mình là Hốc cũng vì vậy. Từ đó, con cháu hai dòng họ kết duyên, cùng đoàn kết bắt tay xây dựng bản làng.
 
Đất lành chim đậu, rừng mang lại cho người dân nhiều sản vật. Nhưng cuộc sống cứ sinh sôi nảy nở mà “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” lắm! Tổ tiên họ nhận ra rằng, chỉ khi có cách ứng xử thật hợp lý với rừng thì nó mới không bạc đãi con người và giữ được nguồn lợi cho con cháu đời sau. Vậy nên cả bản thống nhất lập ra một hương ước quy định cách ứng xử với rừng. Họ quy định: “Người trong bản chỉ được chặt gỗ khi có nhu cầu làm nhà với điều kiện phải được nhân dân trong bản đồng ý; gỗ đó không được trao đổi, mua bán ra khỏi phạm vi của bản”. Thật kì lạ, cả trăm năm sau, dù không ghi lại bút tích trên một văn bản nhưng tục lệ vẫn được các thế hệ con cháu thấm nhuần, trân trọng, giữ gìn qua lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ ngay từ thuở lọt lòng. Chúng tôi gặp anh Lương Văn Thân vừa xin phép bản vào rừng của bản khai thác gỗ về sửa sang lại căn nhà chuẩn bị đón Tết chia sẻ: “Trước khi đi chặt gỗ mình đã xin phép Ban Quản lý bản và đem ra họp được tập thể dân bản đồng ý rồi mới làm. Rừng cộng đồng không chỉ giúp cho bản ai cũng có gỗ làm nhà mà còn cung cấp măng, củi, nơi chăn thả gia súc, giữ nước tưới tiêu cho đồng ruộng mà không phải vào rừng khai thác trái phép của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống”. 
 
Trưởng bản Lương Văn Thuận cho biết: Toàn bộ khu rừng cộng đồng của bản có tổng diện tích khoảng hơn 100ha, phạm vi giới hạn được tính ở khu vực xung quanh hai ngọn núi Pù Hốc, Pù Toóng và hai khe Huôi Tán, Huôi Mạ. Luồn qua dưới tán cọ cao quá đầu người, tôi cùng trưởng bản Thuận tiến sâu vào rừng già. Thật bất ngờ, dù gần khu dân cư nhưng rừng vẫn có những gốc sến, táu, de to 4 -5 người ôm, tuổi đời vài chục năm tuổi, xen lẫn bạt ngàn thân nứa đung đưa trong gió núi. “Luật lệ của bản đã phổ biến rõ, người dân chỉ khai thác đủ để làm nhà cho mình và không được khai phá làm nại (nương rẫy) nên rừng của bản toàn bộ đều là rừng nguyên sinh, không hề có tác động của con người trồng vào đó”, đồng chí Thuận chỉ tay vào những thân cây to, sù sì rong rêu tự hào chia sẻ.
 
Trên đường trở ra, chúng tôi thấy xung quanh bìa rừng đoạn giáp ranh với ruộng lúa nước đều được bà con rào dây thép gai để ngăn trâu bò không xuống phá hoại mùa màng. Nhìn hình ảnh những dây thép B40 đã ăn sâu vào thân cây tự nó đã chứng minh, nhân dân bản Hốc đã biết bảo vệ hài hòa mùa màng và rừng từ rất lâu. Mô hình rừng của bản (rừng cộng đồng) ở bản Hốc đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với đời sống nhân dân. Và cũng là nền tảng quan trọng trong việc thực hiện thành công mô hình dân vận khéo “rừng cộng đồng” của Huyện ủy Quỳ Châu tại xã Diên Lãm – nơi giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Chưa dừng lại ở đó, ý thức giữ “rừng cộng đồng” còn khẳng định vị trí rường cột tạo nên truyền thống đoàn kết và có sức lan tỏa mãnh liệt giúp kết nối các hoạt động khác trong cộng đồng, góp phần đưa nghị quyết đảng các cấp vào cuộc sống.
 
Bản văn hóa giữa đại ngàn
 
Ngày nay, trên tinh thần đoàn kết đó, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, nhân dân bản Hốc tiếp tục đạt được nhiều thành quả trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, dù điều kiện thực tế còn khó khăn. Trong ngôi nhà sàn khang trang vừa được tu sửa lại từ gỗ được lấy ở rừng của bản, đồng chí Quang Văn Đồng – Bí thư chi bộ bản đã kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện thú vị về cuộc sống tuy còn khó khăn, cách trở nhưng thắm đượm tình làng, nghĩa xóm của nhân dân trong bản. Theo đó, dân bản đã tích cực giữ gìn, phát huy truyền thống, đề cao thuần phong mỹ tục của bản, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế, văn hóa lành mạnh, tham gia thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bên cạnh đó, bản còn thống nhất quy ước viết tay quy định rõ việc việc hiếu, việc hỉ; mức xử phạt cụ thể với các hành vi trộm cắp, gây mất an ninh trật tự; trâu bò phá hoại mùa màng... và nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận nhân dân. 
 
“Hàng tháng trong các cuộc họp chi bộ, họp bản, chúng tôi đều quán triệt sâu sắc tinh thần này cho nhân dân, đặc biệt nhắc nhở các cháu thanh, thiếu niên. Vì vậy, cả chục năm nay bản chưa phải áp dụng mức hình phạt cho bất kì đối tượng nào. Điều đó chứng tỏ sức răn đe của nó rất có tác dụng và ý thức của nhân dân cũng ngày càng nâng cao”, đồng chí Đồng chia sẻ. Cuộc sống giữa trập trùng núi non cứ trôi qua thanh bình như thế, trong bản làng hễ gia đình nào có công, có việc là cả bản không nề hà xúm tay vào giúp đỡ.
 
Không chỉ vậy, 11 đảng viên trong Chi bộ bản Hốc là những người tiên phong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, năm qua bản giảm được 3 hộ nghèo. Hiện nay, toàn bộ 11 đảng viên không còn ai thuộc hộ nghèo. Nhiều đồng chí chủ động khai hoang ruộng lúa nước, xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế ổn định. Không chỉ vậy, nhận nhiệm vụ của chi bộ phân công, các đồng chí tích cực vận động, chỉ ra cách làm kinh tế cho hộ nghèo thoát nghèo. Như đồng chí Lương Văn Phúc năm nay đã giúp đỡ thành công hộ ông Quang Văn Hùng thoát nghèo. “Anh Phúc vẫn thường xuyên qua nhà ta tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Vận động ta tích cực khai hoang ruộng nước để trồng lúa, có gạo ăn. Cho nên, gia đình ta đã khai hoang được 15a, mỗi vụ thu 1 tấn lúa kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt nên cuộc sống gia đình dần ổn định”, ông Hùng tâm sự.
 
Câu chuyện ở bản Hốc còn là thực tế sinh động mang lại kinh nghiệm quý giá trong công cuộc xây dựng làng văn hóa không chỉ ở Diên Lãm mà còn cả huyện Quỳ Châu. Bởi, đây là bản đầu tiên trong các bản thuộc 3 xã vùng trong của huyện Quỳ Châu: Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm được công nhận Làng văn hóa. Đồng chí Lương Ngọc Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Diên Lãm cho biết: “Từ chính bản Hốc mà xã Diên Lãm đã xây dựng thành công 6 làng văn hóa trong giai đoạn vừa qua. Song song với đó, Đảng ủy xã đang chỉ đạo nhân rộng mô hình bảo vệ rừng qua mô hình dân vận khéo “rừng cộng đồng” để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế ở một số bản như: bản Chao, Na Lạnh”.
 
Bài, ảnh: Thành Duy