(Baonghean) - Thổ cẩm Bản Nhang, xã Châu Cường (Quỳ Hợp) chưa thực sự trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa, song bằng tình yêu thổ cẩm phụ nữ Thái bản Nhang vẫn luôn duy trì nghề truyền thống này.
Ghé vào ngôi nhà bên sườn núi, nơi chị em đang tập trung quay tơ, dệt vải, có khá đông người, cả người già, thiếu nữ và trẻ nhỏ. Chị Lô Thị Nhang niềm nở chào khách và cho biết: Năm nào cũng vậy, đến gần ngày 8/3, ngày lễ của chị em, chúng tôi lại đưa những tấm thổ cẩm tự tay dệt ra chợ bán cho khách mua làm quà.
Ngày lễ nên người mua nhiều lắm, cả người miền núi lẫn miền xuôi, người Thái thì mua váy, áo, khăn, người xuôi mua chăn, ga, khăn... vừa dùng vừa làm quà tặng cho người thân, còn những ngày thường bán tại nhà cho khách quen. Trước đây, một số chủ kinh doanh mặt hàng này ở tận Thanh Hóa về bản Nhang mua sản phẩm, cứ dăm ba tháng lại vào bản lấy hàng một lần nhưng dăm năm gần đây không thấy người ta vào lấy hàng nữa.
Nhưng không vì thế mà chị em bỏ nghề. Chị em bản Nhang động viên nhau: " thổ cẩm vẫn là nghề truyền thống cần được lưu giữ và phát huy, nếu chưa thực sự trở thành hàng hóa thì mình tranh thủ lúc nông nhàn dệt các sản phẩm để phục vụ cho bản thân và gia đình”.
Những lúc nông nhàn, bên khung cửi, người quay tơ, người dệt vải, người kéo sợi... vừa làm vừa chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống, cùng nhắc nhở nhau sống tốt, nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và điều quan trọng hơn cả là không để mất đi nghề ông cha để lại. Cũng chính vì để giữ nghề thổ cẩm mà lâu nay chị Lô Thị Nhang cũng như một số chị em trong bản vẫn gắn bó với khung cửi. Hiện bản Nhang có trên 20 chị dệt thổ cẩm.
Đến thăm gia đình chị Lô Thị Nga, vừa nhịp nhàng đôi chân trên khung cửi, chị Nga vừa tâm sự: Thấy yêu nghề thì chị em làm để khỏi bị mai một thôi, chứ dệt thổ cẩm vất vả lắm, đòi hỏi tỉ mẩn, cẩn thận. Muốn dệt được một sản phẩm hoàn chỉnh có kích thước 60 - 80 cm, hoặc từ 0,8 - 1m phải bỏ ra mất 4 ngày tròn. Một số sản phẩm đơn giản như khăn quàng cổ cũng mất hơn 1 ngày, đêm. Công việc này đòi hỏi người phụ nữ phải có sức khỏe, nhanh tay, nhanh mắt. Người bản Nhang từ thời xa xưa luôn đề cao đôi tay dệt thổ cẩm của người phụ nữ bởi đây là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Thái. Nhà nào có con gái đều phải biết dệt thổ cẩm, tự tay dệt cho mình những trang phục mặc hàng ngày và đặc biệt trước khi về nhà chồng phải có những bộ váy, áo, khăn thật đẹp. Còn người mẹ giúp con dệt thêm vỏ chăn, đôi gối tặng quà cưới cho con. Nét đẹp này đã ăn sâu từ bao đời nay và bảo tồn cho đến tận bây giờ. Vì vậy, chị em không ai muốn làm mất đi nét đẹp truyền thống này. Trước đây, vào mùa dâu, nhà nhà trồng dâu nuôi tằm, lấy kén, dệt thổ cẩm. Hồi đó, bản làng lúc nào cũng rực rỡ sắc màu thổ cẩm từ trong nhà cho đến ngoài hiên, nhất là mùa hè, sản phẩm phơi trước sân nhà đón ánh nắng cho khô khén, khi đem hàng đi bán vẫn còn thơm mùi nắng. Đàn ông, trai tráng thì kéo sợi, giúp mẹ, giúp vợ dệt vải, quay tơ. Người Thái ở bản Nhang bao giờ cũng rất cầu kỳ trong mỗi sản phẩm của mình, muốn cho màu sắc sợi vải đẹp, bà con thường vào rừng tìm các củ và vỏ cây rừng đem về đun vắt lấy nước, ngâm suốt mấy ngày đêm sau đó ngâm vải. Khó khăn nhất vẫn là công đoạn tạo hình dáng, họa tiết và hoa văn, màu sắc... tất cả những công đoạn này phải có kinh nghiệm lâu năm mới làm được...
Chị em bản Nhang không quên truyền nghề cho con cháu, hướng dẫn cho con, cháu mình cách thêu thùa, chỉ dẫn cách phối màu sắc và cách nhuộm màu như thế nào cho đẹp. Các con chị Nhang, chị My, chị Nga ai cũng giỏi dệt thổ cẩm. Bởi chính bản thân các chị luôn nghĩ rằng: đã là phụ nữ Thái thì không thể mất đi trang phục bản sắc của mình. Phụ nữ Thái là phải biết dệt vải, phải tự tay mình tạo ra những khăn, váy áo. Các chị mong muốn mai này các chị già đi thì con, cháu các chị vẫn không quên nghề dệt thổ cẩm.
Chia tay bản Nhang, hình ảnh những người phụ nữ Thái vẫn cần mẫn ngồi quay tơ, dệt vải bên khung cửi thấy bình yên đến lạ, và mong một ngày không xa, những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc rực rỡ của bản Nhang nói riêng, của đồng bào Thái miền Tây Nghệ An nói chung sẽ đến được với du khách gần xa, trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập cho dân bản…
Thu Hương