(Baonghean) - Ngày khai trương đường bay Vinh - Viêng Chăn hầu như ai cũng lạc quan và hy vọng việc khai mở bầu trời sẽ khai mở thêm cơ hội phát triển cho Nghệ An. Nhưng sau những tràng vỗ tay, những lời phát biểu chào mừng, và đặt nhiều kỳ vọng là ngổn ngang bao điều trăn trở, lo toan. Mở được đường bay đã khó, nhưng phải làm gì và làm như thế nào để trước mắt là duy trì đều đặn các chuyến bay, về lâu dài là biến đường bay trở thành một đòn bẩy quan trọng giúp kinh tế-xã hội tỉnh nhà, nhất là lĩnh vực du lịch phát triển lại còn khó hơn nhiều.
Sự lo toan, trăn trở này đã biến thành những ý kiến bàn luận, trao đi, đổi lại trong các hội nghị, hội thảo, tại các buổi gặp gỡ và ở các diễn đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vấn đề là phải tổ chức thực hiện như thế nào để biến những đề xuất, kiến nghị, những ý kiến đóng góp đó thành kết quả cụ thể.
Trước hết là cần phải có một bộ máy chuyên trách để vận hành và thúc đẩy việc triển khai những việc cần làm cùng một người chủ chốt chịu trách nhiệm chính để giải quyết vấn đề này. Ví dụ như, UBND tỉnh có thể giao cho một phó chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách việc xây dựng đề án đổi mới và phát triển ngành Du lịch. Với mục đích phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có và tận dụng được cơ hội mới nảy sinh từ việc khai mở bầu trời để đưa ngành Du lịch Nghệ An trở thành một mũi nhọn kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân. Đề án phải được xây dựng hết sức cụ thể với các phần việc, bước đi và thời gian triển khai, hoàn thành cũng như trách nhiệm của các sở, ngành liên quan rõ ràng từng chi tiết. Chẳng hạn như Sở Kế hoạch và Đầu tư thì phải tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Du lịch.
Trên cơ sở đó, đề xuất về cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư cả nội tại và bên ngoài vào ngành Du lịch. Tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này sao cho có hiệu quả. Bố trí kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách sao cho phù hợp… Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới phát triển các doanh nghiệp du lịch, đề xuất cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ đối với việc sắp xếp này để gia tăng năng lực hoạt động của các doanh nghiệp du lịch cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với tư cách là cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này phải tham gia sâu và đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch của tỉnh. Để trên cơ sở đó, đánh giá đúng thực trạng ngành Du lịch tỉnh nhà và đưa ra các biện pháp khắc phục có hiệu quả và đề xuất các chủ trương, định hướng phát triển phù hợp tình hình thực tế và xu hướng, nhu cầu du lịch trong tương lai.
Đi cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để bảo vệ, tôn tạo, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch, môi trường du lịch, khu du lịch, điểm du lịch của tỉnh. Tổ chức thẩm định, lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch địa phương, điểm du lịch địa phương, tuyến du lịch địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho các doanh nghiệp làm du lịch và tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt là phải nêu cao vai trò đánh giá, thẩm định và xếp hạng khách sạn, làng du lịch; hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh biệt thự, căn hộ du lịch; hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đối với bãi cắm trại, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác một cách công tâm, chính xác, đúng chuẩn.
Để từ đó tạo ra cơ sở hạ tầng du lịch có chất lượng cao, đáp ứng được mọi nhu cầu của khách du lịch. Đi cùng với đó là xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến du lịch, sự kiện, hội chợ, hội thảo, triển lãm du lịch của địa phương. Tổ chức các lễ hội văn hoá, thể thao, du lịch, hình thành các làng nghề có quy mô và chất lượng cao với các nét độc đáo, đặc biệt riêng có. Để thực hiện được những phần việc đó, một mình ngành Du lịch không thể nào đáp ứng nổi mà phải có sự chung sức vào cuộc của các sở, ban, ngành huyện, thị và thành phố. Mỗi một địa phương, cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào tình hình cụ thể trên địa bàn mình mà có kế hoạch tham gia vào việc chấn hưng ngành Du lịch tỉnh nhà một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo. Một vấn đề khác, cũng rất quan trọng là phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch. Kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần trong xã hội tham gia sâu vào các hoạt động du lịch và phục vụ du lịch. Cần có những phương án xã hội hóa du lịch mà tỉnh Ninh Bình đã làm rất hiệu quả.
Thật ra, những vấn đề nêu trên không có gì mới mà đó chính là những công việc chính thức, chức năng chủ yếu đã được quy định sẵn từ rất lâu cho ngành Du lịch. Đã nói mãi, bàn mãi rồi và bây giờ là lúc phải hành động. Như dân gian vẫn thường nói “khắc đi, khắc đến”. Không bắt tay vào hành động ngay thì sẽ không có ngay kết quả. Bởi lẽ, những lo ngại trước ngày khai trương đường bay đã có dấu hiệu rất rõ ràng trong thực tế. Sau 3 tháng khai mở đường bay Vinh - Viêng Chăn, lượng hành khách đi lại vẫn hết sức khiêm tốn, chỉ đạt mức bình quân khoảng 40% trong tổng số lượng khách mỗi chuyến bay. Và hãng hàng không Việt Nam Airlines đã buộc phải hủy nhiều chuyến bay vì không có khách. Cho nên, không bàn suông, nói suông nữa mà quan trọng hơn cả là phải có ngay những hành động cụ thể.
Duy Hương