Xe càng có vận tốc cao thì càng cần có “bộ phanh” chắc chắn. “Bộ phanh” chắc chắn ở đây là: xây dựng, hoàn chỉnh những quy chế, quy định mang tính pháp lý kể cả về Điều lệ Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương…
Trong bài phát biểu Bế mạc Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu nhiệm vụ: “Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ”.
Như vậy, trong những năm tới, việc nhất thể hóa bộ máy, cán bộ sẽ được cụ thể hóa, góp phần biến Nghị quyết của Đảng thành hiện thực cuộc sống. Dù vậy, việc nhất thể hóa tổ chức, bộ máy cũng không phải là công việc đơn giản, có thể làm đồng loạt một lúc mà còn những điều kiện nhất định. Đó là điều kiện cần và đủ. Vậy những điều kiện đó là gì?
Bắt đầu từ tổ chức- bộ máy
Vấn đề rõ nhất, dễ nhận thấy nhất trong tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; cùng một nhiệm vụ giống hoặc gần giống nhau, nhưng có nhiều tổ chức, cơ quan cùng làm để đến khi để xảy ra khuyết điểm, thiếu sót, hạn chế thì không tổ chức, cơ quan nào chịu trách nhiệm. Qua việc làm thí điểm của tỉnh Quảng Ninh trong 3 năm qua cho thấy đã đến lúc, chúng ta có thể nhất thể hóa một loạt các tổ chức, cơ quan ở cấp huyện hoặc cấp xã với nhau trong phạm vi cả nước.
Chẳng hạn, thời gian qua, việc nhất thể hóa ở Quảng Ninh được tiến hành phổ biến và chủ yếu là ở một số vị trí chủ chốt cũng như những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau như: bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp; Văn phòng cấp ủy (VPCU) với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND; Cơ quan Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra; Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ; Ban Tuyên giáo với Phòng Thông tin-Tuyền thông; phổ biến nhất là Bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn, bản...
Tuy nhiên, hiện nay không phải nơi nào cũng đã có sự chuẩn bị hay điều kiện như ở Quảng Ninh. Do vậy, một trong những yêu cầu nhất thể hóa 2 chức danh đứng đầu quan trọng nhất ở cấp huyện và cấp xã hiện nay là bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thì trước hết cần tổ chức tốt mô hình “ba trong một”. Đó là nhất thể hóa VPCU-Văn phòng HĐND-Văn phòng UBND làm một Văn phòng đảm đương chức năng, nhiệm vụ của 3 văn phòng trước đó.
Ngay tên gọi Văn phòng mới này như thế nào cũng cần được thống nhất, phản ánh đúng bản chất là cơ quan phục vụ người dân, quản lý xã hội trên địa bàn. Mô hình “ba trong một” này sẽ tránh được tình trạnh một cán bộ cùng một thời điểm được cử làm lãnh đạo 2 hoặc 3 cơ quan khác nhau thì người đứng đầu này phải “chạy đi chạy lại” hoặc “chia” tuần làm việc ra làm 3 theo kiểu: đầu tuần thì “ngồi” ở VPCU, giữa tuần thì “ngồi” ở Văn phòng HĐND, cuối tuần “ngồi” ở VP UBND và không thể trách khỏi tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên kinh”.
Ông cha ta có câu “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Muốn cho Văn phòng làm tốt chức năng tham mưu, giúp việc lãnh đạo thì có 4 yêu cầu lớn và quan trọng đối với văn mới được hợp nhất này là:
1). Nắm vững nguyên tắc, sự am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ cả về công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy trong điều kiện nhất thể hóa cả về tổ chức, bộ máy lẫn người đứng đầu cũng như những nảy sinh từ thực tiễn để báo cáo thường xuyên kịp thời để lãnh đạo, chỉ đạo;
2). Tham mưu đúng đắn cho lãnh đạo các phương án giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết của cấp ủy đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước trên địa bàn;
3). Có bản lĩnh, nắm chắc những chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định có liên quan để phòng ngừa người đứng đầu vô tình hay cố ý vi phạm;
4). Là nơi có trách nhiệm trước hết và là “cửa ải” đầu tiên khi người đứng đầu lạm dụng quyền lực.
Nếu 4 nhiệm vụ nói trên của Văn phòng mới được giữ vững và thực thi nghiêm thì vừa là chỗ dựa vững chắc, vừa là nơi giám sát tốt nhất để người đứng đầu không thể lộng hành, không dám lộng hành và không muốn lộng hành khi được giao nhiều quyền lực trong tay.
Đến con người cụ thể
Sinh thời, Lê-nin đã sớm nhận thấy sức mạnh của tổ chức đảng đối với cách mạng vô sản khi cho rằng: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”. Khi đã có một tổ chức thống nhất những người cách mạng toàn tâm toàn ý với phong trào cách mạng thì vấn đề còn lại là lực chọn ra được người cán bộ lãnh đạo có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và năng lực để vận hành tổ chức ấy.
Việc nhất thể hóa 3 tổ chức, bộ máy làm một kéo theo người cán bộ lãnh đạo nhất thiết phải hội đủ những yếu tổ của: người đứng đầu cấp ủy đảng (đại diện cao nhất của tổ chức đảng ở cấp huyện và cấp cơ sở); người đứng đầu HĐND (Đại diện cao nhất cho nhân dân ở cấp huyện và cấp cơ sở); người đứng đầu chính quyền (đứng đầu cơ quan hành pháp ở cấp huyện và cấp cơ sở).
Điều này tưởng như là khó có sẵn đương sự để lựa chọn, nhưng trên thực tế hoàn toàn có cở sở để lựa chọn những con người cụ thể, dựa trên việc thực hiện một số nguyên tắc sau: thứ nhất, những đảng viên được cử tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cần phải được “hóa thân” vào tổ chức, bộ máy đại diện cho nhân dân và cấp chính quyền; thứ hai, cấp ủy đảng cấp trên lựa chọn những đảng viên đủ tiêu chuẩn giới thiệu làm ứng viên để nhân dân bầu trực tiếp lựa chọn bằng lá phiếu của họ; thứ ba, thực hiện phương châm “cán bộ lo việc cho người dân, hãy để nhân dân trực tiếp đánh giá, lựa chọn, giám sát, góp ý kiến xây dựng”; thứ tư, áp dụng nguyên tắc luân chuyển cán bộ của Trung ương mới quy định: cán bộ, đảng viên ở địa phương nào thì không được làm cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu ở chính quê hương mình và thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm trở lên (điều này sẽ góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, nhất là tình trạng cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh, lợi ích nhóm, cánh hẩu...)
Tốc độ càng cao thì “bộ phanh” càng phải chắc chắn
Như vậy khi đã có bộ máy tốt, hoàn chỉnh, đồng thời có người “cầm lái” có kinh nghiệm, vững vàng cộng với cơ sở hạ tầng thuận lợi (thiên thời, địa lợi, nhân hòa) thì cỗ xe sẵn sàng lao vút lên phía trước. Thế nhưng kinh nghiệm cho thấy, xe càng có vận tốc cao thì lại cần có một “bộ phanh” càng phải chắc chắn để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.
Việc giao nhiều quyền lực vào tay một người mà thiếu những quy chế, quy định cũng như buông lỏng sự thanh tra, kiểm tra, giám sát thì đến lúc nào đó sẽ rơi vào tình trạng lộng quyền. “Bộ phanh” chắc chắn ở đây là: xây dựng, hoàn chỉnh những quy chế, quy định mang tính pháp lý kể cả về Điều lệ Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ sở; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kiểm toán công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên cơ sở tự phê bình và phê bình; định kỳ, thường xuyên có sự giám sát, góp ý xây dựng của quần chúng, nhân dân đối với tổ chức, bộ máy, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trên cơ sở công khai, minh bạch, nhất là về tài sản, thu nhập của bản thân và gia đình cán bộ lãnh đạo theo quy định của Trung ương...
Nhất thể hóa tổ chức, bộ máy là việc làm vừa cấp bách vừa cơ bản lâu dài. Do đó việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định chính là tạo ra những điều kiện cần và đủ để nhất thể hóa tổ chức, bộ máy trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo Vietnamnet