Thủ tướng đề nghị tập trung sức hơn nữa để cải thiện đời sống người dân ở những vùng kháng chiến, trong đó có Đặc khu ủy Quảng Đà, làm sao đời sống dân phải tốt hơn, no ấm hơn.

Sáng 21/10, tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bậc lão thành cách mạng từng chiến đấu tại chiến khu Quảng Đà tham dự buổi lễ.

image_8912557.jpgBí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm

Đọc diễn văn tại Lễ Kỷ niệm, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ôn lại quá trình hình thành, vai trò lịch sử và những đóng góp của Đặc khu ủy Quảng Đà đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Tháng 10/1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà vào thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà và thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc Khu ủy, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Lúc này, Đặc Khu ủy Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (Quận I, Quận II, Quận III), chia Hoà Vang thành 3 khu (Khu I, Khu II, Khu III), và các huyện Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hiên, Giằng; đồng thời tiến hành tổ chức củng cố các cấp ủy địa phương và đơn vị.

Việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược (đô thị-nông thôn đồng bằng-miền núi); giữa 3 thứ quân (bộ đội chủ lực-bộ đội địa phương-dân quân du kích); giữa 3 mũi giáp công (chính trị-quân sự-binh địch vận) trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng.  

Dưới sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy, quân và dân Quảng Đà đã đẩy mạnh đấu tranh chống sách lược đánh phá, bình định của địch, phá vỡ các khu dồn, vùng giải phóng được mở ra rộng lớn. Lực lượng chính trị trưởng thành hơn trước, lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng lớn mạnh, tạo được thế đứng chân vững chắc ở đồng bằng nông thôn, góp phần vào việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đặc khu ủy Quảng Đà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành dân, giành đất thu được nhiều kết quả với kết thúc thắng lợi là giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Ngày 4/10/1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến đây, Đặc khu Quảng Đà-Đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu 5 và thứ hai của miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong một thời kỳ lịch sử đầy ác liệt nhưng cũng đầy sáng tạo, phi thường.

Diễn văn tại buổi lễ cũng nêu rõ, phát huy truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh đi trước, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không ngừng phát triển về mọi mặt. Quảng Nam trở thành tỉnh có đóng góp ngân sách cho Trung ương, thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Trung, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

Diễn văn lễ Kỷ niệm 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà do ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trình bày có đoạn nêu rõ: “Thế hệ hôm nay và lớp con cháu mai sau nguyện sống lao động học tập và hiến dâng cho quê hương theo tinh thần của người chiến sĩ Quảng Đà năm xưa. Chúng ta học tập cha anh vì sự bình dị, kiên cường, mưu lược, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong những thời khắc cách mạng khó khăn nhất, luôn đề cao cảnh giác và làm thất bại mọi ý đồ phá hoại của các thế lực thù điịch để bảo vệ, xây dựng, phát triển quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng”.

Thủ tướng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân vùng căn cứ

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có sáng kiến tổ chức Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cách mạng, bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước, những tấm gương quả cảm, tinh thần chiến đấu hy sinh vì dân vì nước. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục noi gương cha ông thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Thủ tướng cũng mong muốn lãnh đạo 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Thủ tướng cũng thông báo với các đồng chí lão thành cách mạng, lần đầu tiên sau nhiều năm, nước ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu mà Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội đã giao trong năm 2017. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng.

Thủ tướng nêu rõ: “Đặc biệt cấp ủy, chính quyền các cấp, đối với Chính phủ, đối với TƯ Đảng thì việc đó càng phải đặt ra tốt hơn nữa, trong việc đưa đến cuộc sống bình yên cho nhân dân; Làm tốt hơn phát triển KT-VH-XH cho người dân. Vì những người khó khăn nhất là ở vùng xa xôi hẻo lánh, vùng kháng chiến. Chúng tôi thấy được điều này. Sắp tới đây tập trung sức hơn nữa để đưa cuộc cách mạng mà chúng ta đã hy sinh xương máu, trong đó có Đặc khu ủy Quảng Đà đời sống dân phải tốt hơn, no ấm hơn, đói nghèo phải giảm xuống tối đa hơn nữa, dân chủ phải tốt hơn nữa, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải làm mạnh mẽ hơn nữa ở mọi cấp mọi ngành. Làm được điều đó là niềm mong mỏi của các cô, các chú, các anh chị, mà cũng là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân”./

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN