(Baonghean) - Với tinh thần “Dân vận khéo” đi trước một bước, trên địa bàn huyện Quế Phong có hàng trăm mô hình hiệu quả gắn với tình hình thực tiễn của địa phương. 

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh

Bản Pà Kỉm, xã Hạnh Dịch là một trong những địa chỉ tiêu biểu trong việc kết hợp có hiệu quả các phong trào “Dân vận khéo” với củng cố, phát triển các tổ chức cơ sở Đảng. Đến Pà Kỉm, cảm nhận đầu tiên là sự ngăn nắp, sạch đẹp của các tuyến đường cũng như trong từng nếp nhà sàn lưng tựa núi, mặt hướng ra dòng Nậm Việc trong xanh, hiền hoà.

Tại bản Pà Kỉm, cấp ủy, chính quyền đã xây dựng hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” như: “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”, “không sinh con thứ 3” với 21 năm liền chưa có người vi phạm. Bên cạnh đó, bản cũng chăm lo xây dựng các mô hình kinh tế như: chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, cá, trồng lúa nước, hoa màu, chanh leo…

1508063190099.jpgNgười dân xã Thông Thụ (Quế Phong) lưu giữ nghề dệt truyền thống. Ảnh: Hoài Thu


Có được những kết quả trên, Bí thư Chi bộ Pà Kỉm Lê Văn Đại cho biết: “Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, chi bộ đặt ra các đảng viên phải tiên phong gương mẫu, qua đó thúc đẩy các phong trào quần chúng, tạo việc làm, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Lúc đó, thì người dân mới tin, nghe theo cán bộ, mới dễ dàng triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là công tác kết nạp đảng viên”. Với cách làm trên, Chi bộ bản Pà Kỉm trong 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu được cấp tỉnh, huyện khen thưởng, góp phần không nhỏ vào thành tích 9 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh của Đảng bộ xã Hạnh Dịch. 

Dân vận đi trước một bước

Thông Thụ là xã vùng biên của huyện Quế Phong với 99% là người dân tộc Thái sống ở 13 bản, trong đó có 9 bản tái định cư. Để phát huy lợi thế tự nhiên, ổn định cuộc sống cho người dân, xã đã lựa chọn và hướng dẫn và vận động người dân tích cực thực hiện: Đề án Bảo tồn cây dược liệu quý của huyện Quế Phong, gồm trồng các loại cây gồm đẳng sâm, chè hoa vàng và cây hoàng đằng.

Bí thư Đảng ủy xã Thông Thụ Lương Ngọc Huân cho biết: “Bên cạnh trồng cây dược liệu, chúng tôi cũng chỉ đạo, hướng dẫn các thôn bản phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê và được người dân hưởng ứng cao. Nhờ hướng đi này mà nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ vùng tái định cư đã ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh đó, xã Thông Thụ còn vận động người dân xây dựng các mô hình “Dân vận khéo đa dạng trên các lĩnh vực, nổi bật là các mô hình: Giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường đối ngoại ở bản Mường Phú, kết nghĩa bản – bản với bản Nậm Táy nước bạn Lào; mô hình không sinh con thứ 3 ở bản Mai và đã duy trì được 17 năm liền không có người sinh con thứ 3; Điểm bản không có ma túy ở bản Na Lướm và Ca Na, kết quả 5 năm nay không có người nghiện…

Mô hình trồng chanh leo của người dân bản Pà Kỉm, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu


Không chỉ ở Thông Thụ, với tinh thần “Dân vận khéo” đi trước một bước, trên địa bàn huyện vùng biên này xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình "Dân vận khéo" mang lại hiệu quả thiết thực thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. 

Toàn huyện Quế Phong xây dựng được 750 mô hình dân vận khéo với 371 mô hình cấp huyện, 384  mô hình cấp cơ sở. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới có 423 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội 76 mô hình, trong đó có 52  mô hình tập thể, 14 mô hình cá nhân; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 105 mô hình, trong đó có 67 mô hình tập thể, 38 mô hình cá nhân”.


Nhóm Phóng viên

TIN LIÊN QUAN