Vẫn còn ý kiến băn khoăn việc Luật nên quy định giao cơ quan nào quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, chiều 19/9, đề cập nội dung liên quan cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH-GD-TN- TN-NĐ) của Quốc hội cho biết, đa số đại biểu cho rằng, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.
Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị phải có một cơ quan nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình cho biết vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị khi chưa thể sắp xếp được thì giữ nguyên như hiện nay.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.
Ông Phan thanh Bình cho biết, Thường trực Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ cho rằng, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, vì vậy, việc quy định trong Luật cơ quan quản lý nhà nước độc lập cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng.
Dự thảo Luật hiện nay đang giao Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh trong thực tiễn còn chưa phù hợp, thiếu đồng bộ nhưng cơ quan thẩm tra lại đưa ra 3 loại ý kiến và cuối cùng giao cho Chính phủ quy định thì tương tự như một số vấn đề tranh cãi nhiều năm nay liên quan thẩm quyền.
Bà Nga cho rằng phải phân tích kỹ ưu điểm, nhược điểm của 3 loại ý kiến này. Nếu thực tiễn cho thấy quản lý còn phân tán không hiệu quả thì Chính phủ phải có quan điểm rõ ràng, Bộ nào được giao cũng phải làm tốt để tránh việc làm luật rồi quản lý Nhà nước vẫn tiếp tục không hiệu quả.
Phân tích căn cứ giao quản lý cho Bộ Nội vụ và Bộ VH-TT-DL như lâu nay đều có lý và cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, những cái gì chưa tạo được sự thống nhất, chưa có thực tế rõ hơn thì cứ giữ như hiện nay./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN