(Baonghean.vn) - Cách đây 39 năm (20/9/1977 - 20/9/2016), Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp quốc. Đây là sự kiện mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa” “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên Hợp quốc. Do tương quan lực lượng tại Liên Hợp quốc và trên thực tế khi đó, Việt Nam chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập Liên Hợp quốc chưa thể thực hiện được.
Với mong muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức Liên Hợp quốc, ngay từ những ngày đầu lập nước, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc, các đại diện của Mỹ, Liên Xô cũ, Trung Quốc, Anh… “yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên Hợp quốc”.
Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập Liên Hợp quốc, nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn thế giới.
Sau khi Việt Nam thống nhất, tháng 7/1975, hai đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York để vận động tham gia Liên Hợp quốc. Các nước đều ủng hộ 2 miền Việt Nam tham gia Liên Hợp quốc nhưng tại Hội đồng Bảo an, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc.
Tháng 1/1977, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức đã nới lỏng cấm vận, đồng ý để Việt Nam gia nhập tổ chức Liên Hợp quốc.
Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mà đỉnh cao là việc Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Liên Hợp quốc là một tổ chức quan trọng trong đời sống quốc tế và đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Qua Liên Hợp quốc, Việt Nam không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của thế giới, mà còn là diễn đàn để Việt Nam có thể nâng cao vai trò, vị trí của mình trên trường quốc tế.
Ngày 16/10/2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Sự kiện này đánh dấu một mốc hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.
Trong suốt 39 năm qua, Việt Nam luôn tiến hành chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, rộng mở, “đa phương hoá”, “đa dạng hoá” quan hệ quốc tế; bạn bè thấy ở Việt Nam một người bạn, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù” và đường lối đối ngoại của Đảng “mở rộng sự hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế”, quan hệ với LHQ đã giúp phá thế bao vây, cấm vận, góp phần củng cố môi trường hòa bình, an ninh, đồng thời tranh thủ các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những năm 1990 đến nay, trên cơ sở chủ trương của Đảng Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các công việc tại LHQ, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, đấu tranh bảo vệ các lợi ích thiết thân của Việt Nam, nhất là trên các vấn đề an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên, nhất là các nước chậm phát triển.
Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng về phương hướng, ưu tiên của LHQ tại các diễn đàn của LHQ. Việt Nam cũng đã đón nhiều đoàn cấp cao của LHQ vào thăm, trong đó có các Tổng Thư ký LHQ như ông Kofi Annan (2006), ông Ban Ki-moon (2010 và 2015), qua đó góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam - LHQ.
Ghi nhận những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào công việc của LHQ, các quốc gia thành viên đã tín nhiệm bầu Việt Nam là Uỷ viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009, được Tổng Thư ký LHQ và các nước thành viên đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Như vậy, với đường lối đối ngoại rộng mở của Việt Nam, trải qua 39 năm quan hệ Việt Nam - LHQ với những bước phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện và trên nhiều cấp độ khác nhau, đã không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên chính trường, góp phần quan trọng vào việc duy trì nền hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới, đưa lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam, trong một tổ chức có quy mô lớn nhất hành tinh này.
Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên Hợp quốc, đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; được bầu vào Hội đồng kinh tế - xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC); là thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc tháng 5/2000; Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tháng 10/2001; Việt Nam được 137 nước thành viên nhất trí bầu vào chức Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế năm 2003 tại Áo. Việt Nam đồng thời là thành viên trong Hội đồng Điều hành của chương trình phát triển và Quỹ dân số của Liên Hợp quốc (UND/UNFPA). Ngày 21/10/2015 (giờ New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng LHQ khoá 70 đã bỏ phiếu bầu 18 nước thành viên mới của Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Việt Nam trúng cử với 182 phiếu thuận trong tổng số 187 phiếu. |
Thái Bình
(Tổng hợp)