Ông Trương Quốc Dũng - một trong 4 người bị tạm giam để điều tra khoản thua lỗ 3.300 tỷ đồng tại PVC - vừa được cho thôi chức vụ quan trọng tại 2 doanh nghiệp "họ" dầu khí là PVV và PSI.

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (Mã CK: PVV) đã có văn bản gửi tới Uỷ ban Chứng khoán về việc miễn nhiệm ông Trương Quốc Dũng. Hội đồng quản trị PVV đã thông qua việc xin từ nhiệm và rút khỏi Hội đồng quản trị của ông Trương Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVV từ ngày 16/9.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (Mã CK: PSI) cũng công bố thông tin về việc miễn nhiệm ông Dũng thôi giữ chức Uỷ viên Hội đồng quản trị từ ngày 14/9, chỉ một ngày trước khi ông Dũng bị cơ quan điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt giam do liên quan tới khoản thua lỗ 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên.

images1690484_pvv_mien_nhiem_chu_tich_8x_vua_bi_bat_57e098cf747e5.jpgÔng Trương Quốc Dũng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị trẻ nhất sàn chứng khoán năm 2011.

Bốn lãnh đạo đã bị bắt giam bao gồm: Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, hai nguyên Phó tổng giám đốc là Nguyễn Mạnh Tiến và Trương Quốc Dũng, cùng cựu Kế toán trưởng Phạm Tiến Đạt về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Công an cũng đã công bố quyết định truy nã trong nước và quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC do đã bỏ trốn; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Ông Trương Quốc Dũng sinh năm 1982, từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc PVC từ năm 2011-2013, khi chỉ mới 29 tuổi. Năm 2011, ông Dũng đã đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị PVV, đồng thời cũng là vị Chủ tịch trẻ nhất trên sàn chứng khoán thời điểm đó.

Dưới thời Chủ tịch 8X trẻ nhất trên sàn chứng khoán, năm 2012, doanh thu của PVV giảm một nửa so với 2011, báo lỗ tới 50 tỷ đồng. Tình trạng này vẫn kéo dài sang năm 2013 với mức doanh thu chỉ đạt 200 tỷ đồng và số lỗ lên tới 100 tỷ. 

Sau 2 năm thoát lỗ với mức lợi nhuận khiêm tốn 3-4 tỷ đồng (năm 2014 - 2015), 6 tháng đầu năm 2016, PVV lại báo lỗ gần 19 tỷ đồng do chi phí lãi vay lớn. 

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN