(Baonghean) - Hủa Na 2 là bản tái định cư thuộc Dự án Thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Năm 2013, bản Hủa Na 2 là 1 trong 2 bản của xã Thông Thụ được công nhận Làng văn hóa cấp huyện; là 1 trong 79 làng văn hóa trong tổng số 194 làng trên địa bàn huyện. Đó là ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của dân bản, là “đòn bẩy” để bản Hủa Na 2 ngày càng vươn lên.

Từ khi về tái định cư ở bản mới (năm 2012, sau khi tách bản Hủa Na cũ thành 2 bản: Hủa Na 1 và Hủa Na 2, thuộc khu tái định cư Thủy điện Hủa Na) trong bộn bề khó khăn như: thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bấp bênh, người dân chưa quen với nơi ở mới,… ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa  truyền thống. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã cùng chi bộ, ban cán sự bản Hủa Na 2 trăn trở tìm cách tháo gỡ khó khăn…
images1059186_img_5834.jpgMột góc bản Hủa Na 2, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.
Trước hết, đó là việc tìm cách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho dân bản. Ngoài sự hỗ trợ của các dự án, cán bộ xã, bản còn tích cực cầm tay chỉ việc cho bà con, mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt; đưa giống mới vào sản xuất. Hiện nay, bản Hủa Na 2 đã có 3 hộ tự đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC như hộ: Lang Văn Minh; Quang Văn Dương; Lang Văn Khuyên, với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Hay mô hình nuôi dê của hộ Lô Văn Nguyên. Từ 4 con dê giống, hiện nay đã nhân lên được 12 con… Kinh tế của bản, làng đang có chiều hướng phát triển tốt từ nội lực; tỷ lệ hộ nghèo ở bản giảm dần qua từng năm…
 
Bên cạnh đó, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ và thể thao của bản để nâng cao đời sống tinh thần; giúp dân bản thêm gắn bó với nơi ở mới, cùng chung sức xây dựng cuộc sống ngày một đoàn kết và ấm no hơn. Nhưng để chủ trương đi vào thực tiễn là cả một quá trình kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền và ban quản lý bản nơi đây. Chị Lương Thị Hồng – Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, cho biết: “Dân bản ở đây rất tôn kính và nghe lời các già làng. Do đó, chúng tôi tranh thủ sự tín nhiệm của già làng, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa... Do đó, bản đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ…”.
 
Gia đình bà Hà Thị Xuyến (67 tuổi, cụm 1, bản Hua Na 2), là một trong 3 gia đình ở bản còn lưu giữ bộ cồng chiêng truyền thống. Bà cũng được chính quyền địa phương tin tưởng giao trách nhiệm tập hợp những gia đình còn lưu giữ nhạc cụ truyền thống như: khèn, sáo, cồng, chiêng để thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, và bà đã kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động dân bản tham gia. Bà cho biết: “Thời gian đầu chuyển về bản mới buồn lắm. Lại Nhớ quê cũ nên nhiều người chỉ muốn quay về thôi. Nói nhiều, thuyết phục nhiều lần rồi dân bản cũng nghe ra. Bây giờ thì họ tham gia sinh hoạt CLB tích cực lắm. Cuộc sống dẫu còn khó khăn, nhưng bà con đã yên tâm ở lại bản mới rồi”. Từ đó, các CLB Thức vũ kinh, CLB cồng chiêng của Hội Người cao tuổi; đội văn nghệ; đội bóng chuyền… được thành lập và hoạt động hiệu quả. 
 
Hiện nay, bản Hủa Na 2 có 91 hộ, 390 khẩu, đều là dân tộc Thái. Vào các ngày cuối tuần, CLB cồng chiêng và đội văn nghệ của bản quây quần tại nhà văn hóa cộng đồng. Dưới sự hướng dẫn của mế Lô Thị Thuận và mế Lô Thị Mai, những điệu khắp, xuối được các mế tận tình truyền lại cho lớp trẻ với mong muốn “Thế hệ sau mãi lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của bản làng” – mế Lô Thị Thuận bộc bạch. Còn đối với vợ chồng trẻ Hà Văn Võ và Lang Thị Chung thì phấn khởi: “Về bản mới có điện, nước sạch, an ninh trật tự được đảm bảo, các cháu đến tuổi đều được đến trường học khang trang… Được tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao của bản vui lắm, nên thấy yên tâm rồi.”   
 
Sau 2 năm thành lập, bản Hủa Na 2 hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới: Những con đường “không cấp”, dốc dựng đứng ngược trời, những khúc cua tử thần dẫn về bản làng trước đây được thay thế bởi những con đường bê tông rộng rãi và những lối đi nội thôn thẳng tắp, sạch đẹp. Những dãy nhà sàn truyền thống được phân bổ theo cụm, đậm bản sắc bên những ngôi nhà kiên cố, thoáng mát. Môi trường sống xung quanh bản luôn phóng khoáng, sạch đẹp. 
 
Theo lời của Trưởng bản Lang Văn Sinh, ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp vốn, giống cây, con… thông qua các Chương trình 135, 167, 102, 30a, công trình Nhà máy Thủy điện Hủa Na và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn xã Thông Thụ trong tuyên truyền, vận động dân bản an cư, lạc nghiệp ở bản mới... Được giao nhiệm vụ tạo cảnh quan xanh – sạch - đẹp cho bản làng, ngoài giám sát việc thực hiện vệ sinh xung quanh nhà ở của từng hộ, hàng tuần Đoàn viên thanh niên bản phân công luân phiên vệ sinh đường làng, ngõ xóm và nhà văn hóa cộng đồng. Nếu phát hiện hộ nào không chấp hành giữ gìn vệ sinh thì nhắc nhở, nếu tái phạm thì thực hiện xử phạt theo hương ước. Tuy nhiên, “Từ khi về bản mới, chưa có hộ nào phải chịu hình phạt bởi ý thức thực hiện theo hương ước của dân bản nơi đây rất tốt, được xã Thông Thụ ghi nhận và đánh giá cao”. - Trưởng bản Lang Văn Sinh tự hào cho biết. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhân dân bản Hủa Na 2 đã đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bài trừ các tệ nạn xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân;… góp phần từng bước xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp. 
 
Chia tay bản Hủa Na trong bóng chiều chạng vạng, một niềm vui được nhen lên. Xa xa, những nếp nhà sàn yên bình dưới chân núi; những vườn cây bắt đầu lên xanh; tiếng trẻ con reo hò theo trái bóng; tiếng người già hát nhuôn lẫn với tiếng cồng chiêng vang vọng. Một cuộc sống mới đang bắt đầu với bao hy vọng…
 
Bài, ảnh: Lê Hoa