(Baonghean) - Tương Dương là một trong những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao của Nghệ An. Được sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện đã cố gắng di dời, tái định cư hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao nhất. Tuy nhiên, công tác di dời gặp không ít khó khăn.
Xã Lượng Minh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn về sạt lở đất của Tương Dương. Xã có 10 bản, trong đó bản Xốp Mạt với 38 hộ dân sống trên đồi cao (so với đáy sông Nậm Nơn là 65 m) nên theo kết luận của Viện Vật lý địa cầu tháng 5/2012, bản phải di dời khẩn cấp toàn bộ. Vì vậy, mặc dù quỹ đất ít và nhiều khó khăn, nhưng huyện đã cố gắng để tạo dựng nơi ở mới an toàn cho người dân. Cụ thể, để chọn địa điểm mới cho bản Xốp Mạt, huyện cùng đơn vị tư vấn khảo sát nhiều địa điểm và đến lần thứ 4 mới chọn được vị trí như hiện nay. Hiện nay, các hạng mục cơ bản đã hoàn thành và đã đón được 14/38 hộ đến ở. Chị Lô Thị Máy, bản Xốp Mạt - một trong những gia đình tái định cư sớm nhất cho biết: “Hơn 3 tháng nay, gia đình tôi gồm 6 người, chuyển ra nơi ở mới và cảm thấy an toàn hơn nơi ở cũ rất nhiều. Giờ chỉ mong sớm có điện để cuộc sống ổn định hơn”. Khi di dời, mỗi hộ được nhận tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/nền nhà của Nhà nước và hỗ trợ khác 7 triệu đồng của huyện, tổng cộng được hỗ trợ 22- 27 triệu đồng, nên cũng giảm bớt được khó khăn. Ngoài ra, xã Lượng Minh còn có 7 hộ sống ven đập Thủy điện Nậm Nơn có nguy cơ sạt lở phải di dời. Hiện, xã đã huy động lực lượng dân quân di dời được 5 hộ, còn lại 2 hộ chưa thể di dời vì chưa có quỹ đất.
Trên địa bàn Tương Dương còn có một dự án di dời dân khẩn cấp ra vùng sạt lở là dự án tái định cư tại Na Cáng, xã Yên Tĩnh. Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành 60% khối lượng và di dời được 30 hộ dân vùng lũ quét vào nơi ở mới, đạt 50% kế hoạch. Ông Nguyễn Vương Luyện - Trưởng Ban Di dân phát triển kinh tế mới Tương Dương cho biết: Tổng cộng trên địa bàn Tương Dương có 15 dự án di dân định canh, định cư, trong đó có 13 dự án di vén lồng ghép 168 hộ/981 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đạt 100% kế hoạch. Có 2 dự án di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đang được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, cả người dân và cán bộ đều yên tâm khi mùa mưa bão đến.
Với địa hình dốc, người dân sống chủ yếu ở chân đồi và gần sông suối, để đảm bảo an toàn, nhu cầu di dời dân cư hàng năm ở Tương Dương khá lớn. Cùng với đó nhiều cung đường của Tương Dương thường xuyên sạt lở. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB có trên 20 điểm thuộc 3 tuyến đường từ trung tâm huyện vào các xã sạt lở thường xuyên; bên cạnh đó là hàng chục vùng có nguy cơ bị lốc xoáy, lũ quét và sạt lở khác.
Tuy nhiên, hiện nay công tác di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao tại huyện Tương Dương đang gặp không ít khó khăn. Bà Lô Thị Vân, bản Nhạn Xăn (xã Lượng Minh) làm nhà ổn định trên đất từ năm 1998; nhưng từ khi đập Thủy điện Nậm Nơn tích nước, mỗi lần nước lên xuống đều gây sạt lở. Mới đóng đập hơn 1 tháng mà đã sạt lở vào tới 4 - 5 m làm khu chăn nuôi gia đình bà bị trôi; nước bắt đầu vào đến móng nhà nên rất nguy hiểm. Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đã kiểm tra, khảo sát và đề nghị xã tổ chức hỗ trợ cho gia đình di dời gấp, tuy nhiên, việc tìm ra địa điểm mới rất khó khăn. Bên cạnh đó, các dự án tái định cư tập trung như Na Cáng và Xốp Mạt cũng gặp khó về vốn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân bất chấp nguy hiểm không muốn di dời. Mặc dù thừa nhận nơi ở mới tốt hơn nơi cũ nhưng vẫn cố ở lại. Tại Xốp Mạt, huyện phải tổ chức đến 20 lần họp dân và trực tiếp Bí thư, chủ tịch và các phó chủ tịch huyện phải trực tiếp về tại bản đối thoại đưa ra nhiều phương án, thuyết phục thì người dân mới đồng ý di dời.
Gần đây trên địa bàn Tương Dương còn phát sinh một số ảnh hưởng do các hồ đập thủy điện tích nước gây ra. Theo Ban Chỉ huy PCLB huyện, ngoài trường hợp hồ chứa nước Thủy điện Nậm Nơn làm sạt lở tại bản Nhạn Xăn, bản Lạ (xã Lượng Minh), gần đây hồ Thủy điện Khe Bố tích nước đã bước đầu gây sạt lở đất sản xuất nông nghiệp ở bản Lau, bản Nhạn (xã Thạch Giám). Mặt khác, theo quy định, sau khi nhận tiền đền bù của công trình thủy điện, để đảm bảo an toàn, người dân phải di dời toàn bộ ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do việc chi trả tiền đền bù đất vườn, đất ở của Thủy điện Khe Bố chậm, nên có hiện tượng người dân quay lại nơi ở cũ, san nền cao hơn để làm nhà ở. Điều này về lâu dài sẽ nảy sinh phức tạp khi nước thủy điện dâng cao hơn gây ngập hoặc sạt lở. Ông Nguyễn Trọng Tân - Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: Ngoài 4 hộ cam kết với hội đồng đền bù huyện xây nhà cao hơn để ở lại trên lòng hồ, ít nhất đã có 7 hộ dân quay trở lại san nền để ở vùng lòng hồ trước UBND xã. Các trường hợp này xã đã lập biên bản vi phạm và nhắc nhở nhưng rất khó để làm căng vì nguyên tắc dân chưa nhận được tiền đền bù thì đất vẫn là của họ. Ông Tân cũng cho rằng: Về lâu dài nếu bên thủy điện chậm chi trả, rất có thể người dân sẽ không nhận tiền nữa.
Bên cạnh hiện tượng tái lấn chiếm lòng hồ ở Tam Thái, vào mùa bão lụt, một số bản ở xã Tam Đình bị ngập lụt, nước dâng không có đường và cầu nên đi lại khó khăn, làng xóm như ốc đảo, dân đã kiến nghị nhưng chưa được khắc phục. Mưa bão đang diễn biến phức tạp, Tương Dương đang khẩn trương thống kê rà soát lại các điểm dân cư ở tự phát nhưng thuộc vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao để có kế hoạch di dời, phòng tránh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là các công trình thủy điện để có phương án hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập lụt; sớm hoàn thành chi trả đền bù để giải quyết dứt điểm các trường hợp tái lấn chiếm đang diễn ra ở xã Tam Thái..
Nguyễn Hải