(Baonghean) - Với tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 93% thì khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Song, gian nan nhất là con đường để những em nhỏ của bản đến được với lớp, với trường. Cuộc sống khó khăn nơi ở mới đã khiến 39 hộ dân của bản chuyển về nơi ở cũ, những hộ dân còn lại cũng đang phải đối mặt với cảnh không đường, không trường học...
 
images992073_2mne.jpgTrường Mầm non bản Kim Hồng bị bỏ hoang.
 
Đó là bản Kim Hồng (Ngọc Lâm - Thanh Chương), bản cuối cùng chuyển xuống theo diện di dời từ vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Ban đầu, bản có 105 hộ dân di dời, toàn bộ là đồng bào dân tộc Thái. Đến nay, bản chỉ còn 66 hộ với 280 nhân khẩu ở lại Ngọc Lâm. Đã có 39 hộ dân  chuyển về nơi ở cũ (ven lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ - Tương Dương) để sinh sống.
 
Theo quy định, mỗi nhân khẩu đến nơi ở mới sẽ được cấp 2.500m2 đất. Tuy nhiên, cho tới nay đã gần 5 năm kể từ ngày bà con dân bản Kim Hồng chuyển xuống nơi ở mới, chỉ có 27 hộ dân được cấp đất sản xuất (bao gồm đất đồi, và đất bằng, đất ruộng). Còn 39 hộ dân còn lại vẫn chờ cấp. Vì điều kiện nơi ở mới khó khăn, khi chúng tôi hỏi những hộ dân đã “chuyển đến nơi ở mới để rồi rời đi”, họ đều có chung một ý kiến, do nơi ở mới không được cấp đất để sản xuất!
 
Chiếc cầu của bản đã bị cơn bão số 8 năm 2013 đánh sập.
 
Từ trung tâm xã Ngọc Lâm, để đến được với bản Kim Hồng, phải qua khe Lang với lưu lượng nước khá lớn, nhất là trong mùa mưa. Thời điểm hiện nay, tất cả các hệ thống cầu cũng đã hư hỏng hoàn toàn. Thời gian đầu, bà con dân bản qua lại với các bản, các khu vực khác nhờ cây cầu do Công ty Thủy điện Bản Vẽ xây. Cơn bão số 8 năm 2013 đã làm cho cây cầu bị sập, gãy. Sau đó bà con đã tự bỏ tiền ra dựng một cây cầu tạm bằng gỗ và tre mét, nhưng cũng chỉ được một vài hôm thì bị nước cuốn trôi. Đến gần Tết Nguyên đán năm 2014, Công ty Thủy điện Bản Vẽ lên đắp tạm con đường cho bà con qua sông, nay thì chỉ dùng được cho những người của bản biết… leo trèo!
 
Vì không có cầu nên mọi công việc của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn. Mùa mưa phải chịu cảnh cô lập, còn những ngày bình thường, hàng hóa của bản sản xuất được muốn bán cho các thương lái, người dân cũng phải gùi gần 1 km sang bên đường liên xã để nhập.
 
Với tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 93%, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Song, gian nan nhất, đó là con đường để những em học sinh của bản đến được với lớp, với trường. Hiện nay, bản mới chỉ có một trường mầm non, không hiểu vì sao không sử dụng? Còn trường tiểu học và trung học cơ sở thì không có. Tất cả học sinh của bản Kim Hồng phải qua con khe để “học nhờ” các bản khác. Với học sinh mầm non của bản thì phải chia thành 2 nhóm học ở 2 điểm trường bản Mà và bản Tạ Xiêng. Còn với học sinh tiểu học và THCS thì học ở bản Mà. Dù học ở bản Tạ Xiêng hay bản Mà, do không có cầu nên cứ đến ngày mưa lớn hay mùa mưa, các em lại phải nghỉ học.
 
Văn Chiến