(Baonghean) - Thực tế gần đây, trong sách vở, trên báo chí, băng rôn... có những trường hợp trong cùng một nội dung, hay cùng một không gian lễ hội có nơi viết “giặm” (gi…), có nơi vẫn viết “dặm” (d…). Người đọc thực sự băn khoăn và dễ nhận thấy gần như các tác giả viết từ cảm tính tùy tiện, mà ít quan tâm đến căn nguyên, tính Việt ngữ sâu xa của tên chữ. 
 
Mặc dù, tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị Dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” tổ chức vào tháng 3/2012 ở Thành phố Vinh, vấn đề gọi các thể hát cũng được đặt ra trao đổi và lựa chọn. Sau khi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, hội thảo đã thống nhất cách viết là “giặm” - Dân ca ví, giặm xứ Nghệ; mặc dù, hồ sơ để UNESCO căn cứ để vinh danh Dân ca ví, giặm là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại viết là “giặm”; thì, trong nhận thức phổ biến của nhân dân, vẫn chưa hiểu rõ, nhất quán là viết “giặm” hay “dặm” chữ nào là đúng?  
 
Từ lâu, ta đã thấy trong sách vở, báo chí thường viết chữ “dặm” bằng chữ (d). Những năm gần đây, có một số người (phần lớn ở Nghệ - Tĩnh) chuyển sang viết chữ “giặm” bằng chữ (gi). Và người viết dùng chữ (d) hay chữ (gi) thường do xuất phát từ nhận thức cụ thể của mình, đó là chữ “giặm” ở thể danh từ hay là động từ.
 
Khi nói “dặm” là danh từ (để chỉ độ dài, quãng đường) như: dặm trường, dặm phẳng, dặm về... (“Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa; Vừng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” - Truyện Kiều). Có nhiều người cho rằng: ngày xưa người xứ Nghệ hát dân ca có không gian diễn xướng khá rộng như cày cấy, gặt hái, kéo sợi, hát giao duyên ở làng quê... người hát thường phải đi cách xa nhà, thậm chí cách sông, đò hàng dặm đường, nên người ta vẫn gọi là “đi hát dặm”, rồi lâu dần gọi tắt là “hát dặm”.
 
Nếu nói “giặm” có nguồn gốc từ động từ như: cấy giặm (trồng thêm vào chỗ thưa); ăn giặm (ăn thêm vào giữa buổi), hay giặm là “giẫm chân” và hát giặm chính là lối hát có đánh nhịp bằng chân. Nhiều người lại cho rằng: “giặm” tức là “giắm vào” -  người  này hát một đoạn, một ý; người khác lại hát nối lời tiếp vào để thể hiện, hoàn thiện một tình ý, hay một khúc hát… 
 
Rõ ràng, cho đến nay, nhận thức về cách viết chữ “giặm” trong Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn chưa được quan tâm làm sáng tỏ, phổ biến sâu rộng trong công chúng, nên chưa có sự thống nhất. Người đọc, người xem thực sự băn khoăn: đâu là sự chính xác của ngôn ngữ, của văn hóa viết, văn hóa đọc!? Mong rằng các cơ quan quản lý văn hóa, giới học thuật - những người thực sự quan tâm, có trách nhiệm đến ngôn ngữ - văn hóa xứ Nghệ tiếp tục mở rộng tầm nghiên cứu để có được một lời giải chính xác có tính khẳng định cao về cách viết chữ “giặm” cho tên gọi “Dân ca ví, giặm”.
 
 
Phan Tất
90, Võ Thị Sáu - TP. Vinh