(Baonghean) - Trong tuần qua, bài viết “Tháng Giêng là tháng ăn chơi...” của CTV Hải Triều đăng ở trang 5 số Cuối tuần, ngày 23/2 nhận được số phiếu bình chọn là bài viết hay cao thứ 2. Sau đây là lời bình dành cho bài viết…
Đây là bài viết khá nhẹ nhàng về chuyện hậu Tết với những cung bậc đặc trưng sắc thái ngày trở lại... đời thường. Nhưng cái tài của tác giả là mặc dầu mô tả hay ngẫm nghĩ chuyện ra Giêng bằng góc nhìn còn vấn vương sắc hoa đào mà người đọc lại đau xót nhận ra: Bài viết đang nói đến tâm lý tiểu nông của người Việt.
Mở đầu bài viết, Hải Triều đã chấm phá qua một vài hình ảnh của bạn bè trở lại sau Tết: mặt lơ ngơ như bò đeo nơ, hiện lên chữ "bánh chưng" to đùng... điều đó, theo tác giả, còn là cái sự mà không chỉ du học sinh hay bất kỳ bạn trẻ nào mới có: sự hụt hẫng. Bởi qua 10 ngày lễ lạt, rong chơi với biết bao thoải mái, hưởng thụ, mấy khi người ta đã lấy lại được cân bằng ngay tắp lự? Điều thú vị hơn nữa là chính các vị người lớn, với những khuôn phép, quy tắc khi phải gò mình lại càng bức bí, càng muốn buông thả, càng muốn "xả hơi" nhiều càng tốt. Tác giả như là đồng điệu với sự "vô tư lự" đấy, cũng reo lên một cách đầy cảm khoái: "Ôi! Tháng Giêng tuyệt vời!".
Nhưng đừng vội mừng, đó chỉ là cách hùa theo ranh mãnh của người viết. Bởi ngay sau đó, tác giả đã cảnh báo ngay bằng một mệnh đề không quá phức tạp, nhưng lại hiển nhiên như một sự thật nhãn tiền: "Thời đại nay đã đổi khác rồi". Mà rõ ràng là đổi khác thật. Bởi nhịp sống hôm nay đang dần chuyển sang nhịp sống công nghiệp thì không thể tiếp tục đèo bòng tư tưởng "ngủ quên" mãi được. Tác giả viết "Khi mà thế giới ngoài kia tăng tốc thì chúng ta cũng không thể cứ mãi dậm chân, nhởn nhơ với "Tháng Giêng là tháng ăn chơi được". Tác giả còn ngạc nhiên khi bạn bè khoe rằng tết này được nghỉ tận 10 ngày, tha hồ ăn, chơi. Rồi lại càng ngạc nhiên hơn khi 10 ngày ấy dường như chưa đủ, vẫn không khiến người ta thỏa mãn, chán ăn chán chơi khi quay trở lại nhịp sống, học tập và làm việc thường lệ.
Đọc đến đây, và căn cứ vào địa chỉ ghi cuối bài viết (Email từ Paris), tôi đồ rằng một là tác giả đang dùng lối nói bỡn cợt để chỉ trích (giả vờ không biết thực ra là biết tỏng), hai là tác giả nhìn nhận cái vui vẻ "tràn kênh" của người Việt bằng con mắt của một người phương Tây, quen lối sống công nghiệp chỉn chu và khoa học, để mà ngạc nhiên. Nhưng bất cứ dưới góc độ nào, thì cách nhìn, cách nói của tác giả đã nhắm đúng cái đích mà chúng ta đang cố thoát ra, hoặc là không muốn nhắc đến, đó là tâm lý tiểu nông.
Luận bàn về dạng tâm lý này, nhà báo Duy Hương đã viết "tâm lý tiểu nông in sâu và tồn tại dai dẳng trong tính cách người Việt là hiện tượng mang tính xã hội lịch sử, nó phản ánh điều kiện sản xuất nhỏ trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh với tự nhiên và xã hội để tồn tại". Có thể khoác đủ mọi tên gọi khác nhau, song thứ tâm lý tiểu nông này đã tồn tại dai dẳng và làm nên tình trạng “ta hại mình”, níu kéo, kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội. Mà như tác giả cũng đã phải thốt lên rằng "Cái sự nhàn rỗi, hưởng thụ phủ phê có một sức hút kỳ lạ, một sức ỳ khó cưỡng". Mà cái sức ỳ tiểu nông ấy, cái tâm lý phủ phê ấy, khổ thay nó lại giống hiệu ứng domino, khi một quân cờ bị xô ngã là cả dây chuyền ngã theo.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?", vấn đề là không ai làm thay ta những "gian khổ" trong cuộc sống, công việc của mình". Một lời tự vấn nhưng cũng là sẻ chia của tác giả Hải Triều với những cỗ máy còn tạm thời "rỉ sét" sau một kỳ ngừng nghỉ. Và theo tôi, người đọc bài này, thì cái vả mà tác giả muốn mỗi chúng ta tự làm ở cuối bài quả là một "cái vả" ngọt ngào. Thật vậy, bởi đó là "cái vả" đầy trách nhiệm để thức tỉnh mỗi người khi còn ngái ngủ. Nó ở đây, cuối bài viết mang tựa đề "Tháng Giêng là tháng ăn chơi": " Thế nên, trước khi để cho tất cả rỉ sét mốc meo, hãy tự vả vào cái ý thức đang ngủ vùi trong giấc mộng tháng Giêng và thức dậy!".
Người xây dựng