(Baonghean) -Đạt giải Khuyến khích giải ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” năm 2013 của Báo Nghệ An, bức ảnh “Cấy đêm” của Hồ Các đã đưa lại một “thông tin” độc đáo, một cảm nhận “lạ” mà nếu ở một cuộc triển lãm ảnh về nông thôn Việt ở nước ngoài thì chắc cũng sẽ được công chúng chú ý. Nó như thông điệp đừng quên bản sắc văn hóa người Việt Nam trong dày dặn nền văn minh lúa nước; lại gợi phẩm chất đảm đang, chịu khó của các o, các mẹ ở nông thôn từng góp phần làm nên hậu phương lớn cho chiến thắng trong các cuộc kháng chiến vệ quốc gần đây và hồ hởi bước vào cuộc hồi sinh sau thống nhất đất nước...
 
images943699_b00246.jpgBà con nông dân xóm 7, xã Bắc Thành, Yên Thành đi cấy ban đêm cho kịp thời vụ. Ảnh: Hồ Các
 
Hồ Các, tên thật là Hồ Văn Các, sinh năm 1957, ở huyện lúa Yên Thành. Từng công tác trong ngành Công an, nhưng ở anh có sự nhạy cảm nghệ sỹ, niềm đam mê khai thác, ghi lại vẻ đẹp cuộc sống bằng những khung hình. Năm 1987, Hồ Các đột ngột xin chuyển sang Công ty Nhiếp ảnh Nghệ-Tĩnh. Từ đó, anh trở thành cộng tác viên ảnh báo chí của nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Và Hồ Các lại tiếp tục có sự chuyển đổi trong đam mê của mình, nhưng là một sự chuyển đổi từ từ; đó là các sáng tác của anh tập trung, nhiều dần lên về đề tài nông thôn và người nông dân. Anh tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, hiểu được cái lam lũ, nhọc nhằn nhưng sống đầy tình nghĩa của người nông dân ở làng quê, suốt cuộc đời hình bóng người nông dân chân chất luôn hiện hữu trong tôi, hễ có dịp là nó lại trỗi dậy một cách mãnh liệt. Từ ngành Công an xin chuyển sang nhiếp ảnh, tôi vẫn có tiêu chuẩn sinh sống ở Thành phố Vinh, song hình bóng quê hương đã níu kéo tôi trở về. Vậy là tôi tiếp tục theo đuổi đam mê nhiếp ảnh từ cảm hứng vô tận ở cậu bé chăn trâu, vợ chồng người nông dân gieo mạ, các bà, các chị đi cấy trên đồng hay lễ hội nơi đình làng...”.
 
Những năm gần đây, không ở độ tuổi sung mãn về sức khỏe nữa, nhưng vẫn sung mãn năng lượng sáng tác, hễ có điều kiện là Hồ Các lại xách máy ảnh lên đường với khao khát ghi lại được thật nhiều những hình ảnh đẹp, phản ánh được cảnh lao động, sinh hoạt của bà con nông dân vẫn một nắng hai sương nhiều lam lũ, vất vả khi xã hội đang thời đại kỹ thuật số, nhiều lối sống lao theo xu hướng hưởng thụ, xa xỉ... Từ đó, anh đã có nhiều bức ảnh về đề tài nông thôn và nông dân tham gia các cuộc thi và triển lãm ảnh toàn quốc, khu vực và của tỉnh; đạt Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An lần thứ IV (2010).
 
Bức ảnh “Cấy đêm” của Hồ Các được anh chụp ở xã Bắc Thành (Yên Thành), nơi anh thường trú hiện nay. Đó là thời điểm mùa hè, ban ngày trời nắng nóng nên bà con nông dân xóm 7, xã Bắc Thành đã đi cấy đêm cho kịp thời vụ. Hình ảnh 3 người phụ nữ đang cấy lúa dưới vầng sáng ánh đèn điện ở cận cảnh khung hình; dáng cúi, nét mặt, hoạt động tay cấy của họ… thể hiện sự tập trung, khẩn trương, có người đầu còn mang thêm chiếc đèn pin nhỏ. Phía sau là màn đêm được sinh động lên bằng nhấp nhóa bờ thửa vuông vắn và những “giọt” đèn cấy đêm xa xa. Vâng, chỉ có 3 người phụ nữ cấy đêm được ghi lại, nhưng bức ảnh đã thể hiện lên được một không khí lao động sản xuất tích cực, sôi nổi của người nông dân; ấy là còn nhờ những “chi tiết ảnh” đắt giá: chiếc chậu nhôm đựng chiếc ắc-quy nổi thẳng hàng với người cấy và cây sào treo ngọn đèn điện cắm dưới bùn ở bên phải khung hình.
 
Diễn đạt theo văn học thì chính các vật dụng ấy đã được nhân hóa, đã trở thành những người nông dân thứ 4 và thứ 5 đang sẵn sàng cùng các mẹ, các o thức suốt đêm nay để cấy lúa khi phía sau bờ thửa còn xa và túm mạ còn nhiều… Rất khó để phát hiện ở bức ảnh một sự bố trí, một dụng ý kỹ thuật bấm máy nào, nhưng vẫn phải thừa nhận hình ảnh đã được ghi lại ở một khoảnh khắc “nhuyễn” đến từng chi tiết; mà cảm giác như “ông nông dân” Hồ Các đang là người cấy lúa thứ 6, cho phép “ông nghệ sỹ” Hồ Các một giây khắc ngơi tay để giơ máy lên, không kịp chỉnh ống kính và cứ thế bấm một “nhát”, chỉ một “nhát” thôi là ông có được bức ảnh như thế này…
 
Vậy đấy, cái “người quê” Hồ Các với tình yêu quê hương đất lúa của mình đã, đang và tiếp tục kể những câu chuyện quê với cảm xúc sâu nặng bằng đam mê nhiếp ảnh. Chắc bây giờ, ông lại đang lỉnh kỉnh máy móc ở đâu đó bên bờ đê, góc ruộng làng mình?!
 
Đ.S