(Baonghean) - Trong tuần qua, loạt bài "Tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A" của nhóm phóng viên đăng tải liên tục trên các số Nhật báo, bắt đầu từ ngày 25/2 đã nhận được số phiếu bình chọn cao nhất. Dưới đây là lời bình dành cho loạt bài viết trên.

Trong suốt những ngày cuối tháng 2  đầu tháng 3 này, cả hệ thống chính trị hối hả vào cuộc cho việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Nghệ An, nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công trước ngày 30/4/2014. Tuy nhiên, một số đoạn vẫn chưa thể tiến hành thi công bởi vẫn còn vướng mắc vì người dân chưa chịu ký vào hồ sơ bàn giao mặt bằng. Lại vẫn là câu chuyện đền bù - tâm lý tiểu nông này đã rất nhiều lần làm ngáng trở những dự án, kế sách mang tầm lớn lao, cản bước đi lên của cả xã hội...
 
Quốc lộ 1A trong suốt lịch sử của mình đã thúc đẩy sự phát triển của các địa phương mà nó đi qua, nhưng bản thân con đường này lại không được phát triển. Vì vậy Quốc lộ 1A đã không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của thời đại. Trước tình hình đó, việc nâng cấp con đường huyết mạch là yêu cầu cấp thiết của các cấp, từ T.Ư cho đến tận mỗi địa phương trên suốt cả tuyến đường, với một tâm thế "Đường ta rộng thênh thang ta bước". Thế nhưng, chính người dân đã quên mất rằng họ từng hy sinh cho con đường này rất nhiều, thậm chí cả tính mạng. Nay, khi con đường mang niềm tự hào chung ấy được mở rộng, nâng cấp, nâng tầm thì cũng chính họ lại quay ra đòi đền bù với những mức giá cao nhất và khó có thể gọi là khả thi. Trong khi đó, Nhà nước đã tạo dựng mới 15 khu tái định cư cho 171 hộ thuộc diện di dời, giải tỏa; chỉ riêng tiền đền bù, giải tỏa cho đoạn qua Nghệ An đã lên đến trên 1.000 tỷ đồng.   
 
Sự vào cuộc giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương các cấp, của các tổ chức chính trị, xã hội chỉ với một trách nhiệm duy nhất và cao nhất: đảm bảo được việc bàn giao mặt bằng và các công việc liên quan nhằm nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Nghệ An được tốt nhất (cũng cần nhắc lại rằng, cho đến nay, đây là dự án đầu tiên được thành lập Ban chỉ đạo GPMB từ cấp T.Ư cho đến cấp huyện). Qua loạt bài viết, người đọc cũng hiểu được thêm rằng, mặc dầu gần như cả xứ Nghệ đã dồn tâm sức vào đây, thì vẫn có đây đó những con sâu phá quấy vì chút lợi ích hoang đường nào đó, mà làm "rầu" đi cả cái nghĩa tình của người xứ Nghệ đối với con đường huyết mạch thiêng liêng này. 
 
Với kết cấu thành 5 phần, gần như loạt bài đã đặt ra trước mắt người đọc một cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt; có cận cảnh, đặc tả và cả những cú "lia" máy vào góc khuất đây đó. Kỳ 1 mang tựa đề "Con đường huyết mạch". Kỳ này đảm trách phần nhắc lại lịch sử, tầm quan trọng và tính bức thiết, dứt khoát phải nâng cấp, cải tạo con đường này. Kỳ 2 "Cả hệ thống chính trị vào cuộc" đã nói đến sự khẩn trương, tích cực của những người có trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung. Cũng trong kỳ này, chúng ta có thể gặp cận cảnh những gương mặt người dân cụ thể, vui vẻ và hoàn toàn đồng thuận với chủ trương lớn này. Đó là hộ bà Bùi Thị Nhâm ở K5, Thị trấn Cầu Giát, có 4m chiều dài bị ảnh hưởng, tuy chưa được đền bù nhưng vẫn vui vẻ tháo dỡ kiốt. Và còn rất nhiều hộ như gia đình bà Nhâm. Ở kỳ 3, "Những vướng mắc cần tháo gỡ", người đọc có thể tìm thấy ở đây những nguyên nhân cơ bản để chỉ còn một đoạn ngắn chừng xấp xỉ 14 km đang chưa hoàn tất việc đền bù GPMB. Bởi người dân đã có những đòi hỏi trái quy định của Nhà nước, một phần do họ hiểu chưa đầy đủ về chủ trương, chính sách liên quan. Tuy nhiên, cũng có một số ít cố tình "làm khó" các cơ quan chức năng nhằm “kiếm chác" tiền hỗ trợ, đền bù. Bởi thế, ở kỳ 4, mới có vấn đề đặt ra "Tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động kết hợp bảo vệ thi công"... Kỳ 5 lại là một cái nhìn lại toàn cảnh vấn đề. 
 
Có thể nhận thấy một điều rằng, nhóm P.V đã thực sự bám sát hiện trường, tường thuật các vấn đề nóng hổi về một chủ đề, thu hút được quan tâm rất lớn của dư luận. Loạt bài viết đã tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội, hiệu quả trong thực hiện giải phóng mặt bằng;  đến thời điểm này đã có sự chuyển biến rất tốt ở các địa phương, chỉ còn một số điểm ở Quỳnh Lưu, Thành phố Vinh. Qua những câu chuyện mà loạt bài đưa ra, chúng ta cũng phải thoáng buồn khi con đường vẫn chưa được gọi là thông. Đường lớn đã mở, lòng dân cũng phải thông - Đó là nguyên lý.
 
Người xây dựng