Thuở lọt lòng, tuổi thiếu niên, lúc trưởng thành, và cả khi đã bóng ngả về chiều, thì hạnh phúc, may mắn nhất là vẫn còn bố mẹ, ông bà để được kính yêu, phụng dưỡng. Chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hoá tinh thần, chia sẻ thông tin... chính là giúp các cụ sống vui, sống khoẻ và hạnh phúc.
5 năm Pháp lệnh NCT đi vào cuộc sống đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với việc chăm sóc NCT. Nhiều nội dung thiết thực, cụ thể có tác dụng trực tiếp đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của NCT. Các phong trào xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tranh tre dột nát... đã dành ưu tiên cho lớp đối tượng này. Nhiều cụ trên 90 tuổi, cụ bị tàn tật nặng, cô đơn, không nơi nương tựa... đã được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng (65.000/ người/ tháng) và được cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhiều hoạt động tình nghĩa như thăm hỏi lúc đau ốm, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tổ chức mừng thọ đầu xuân, tổ chức tang lễ tiễn đưa khi qua đời... đã được tổ chức Hội NCT cơ sở và chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện chu đáo.
"Trẻ cậy cha, già cậy con", tuổi càng cao, các cụ càng có tâm lý thích được sống quây quần bên con cháu. Từ đặc điểm đó, vai trò của gia đình đối với nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc NCT giữ vai trò chủ yếu. Rất nhiều điển hình tiêu biểu, nhất là những điển hình ba, bốn thế hệ cùng chung sống, đã được địa phương ghi nhận và biểu dương... Tính đến cuối năm 2006, đã có 154.738 gia đình NCT được tặng danh hiệu "Gia đình văn hoá" (đạt 76% so với tổng số gia đình NCT và 25% so với tổng số gia đình toàn tỉnh), gần 70 nghìn gia đình NCT đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học".
Tháng 11 này, lần đầu tiên ở tỉnh ta, Hội nghị biểu dương những gia đình tiêu biểu về phụng dưỡng, chăm sóc NCT thực sự là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng. 19 gia đình có cả 3, 4 thế hệ cùng chung sống đại diện cho hàng nghìn gia đình có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tổ chức phụng dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ khi bước sang tuổi lão.
19 gia đình lần này, có những hoàn cảnh khác nhau. Những gia đình có điều kiện kinh tế thuận lợi như gia đình cụ ông Ngô Sỹ Tập, cán bộ hưu trí 80 tuổi (Bắc Thành, Yên Thành), cụ ông Ngô Cảnh Vinh và cụ bà Hoàng Thị Nhỏ trên 70 tuổi (xã Đông Sơn, Đô Lương) con, cháu đóng góp 30 triệu đồng để các cụ an dưỡng tuổi già. Nhưng, đại bộ phận các gia đình đều khó khăn về kinh tế, còn gặp nhiều gánh nặng như con cái học hành tốn kém, công việc nhà nông vất vả... nhưng họ rất cố gắng để tổ chức tốt công tác phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Những cô con dâu, cháu dâu đảm đang, chịu thương, chịu khó, chủ trì phát triển kinh tế gia đình, tổ chức phụng dưỡng chăm sóc lần lượt từ đời ông bà, đến đời cha mẹ và nuôi dạy con cái trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc như chị Nguyễn Thị Trí (xã Thanh Nho, Thanh Chương), chị Trần Thị Lân (Nam Trung, Nam Đàn), chị Lữ Thị Lý (bản Liên Đình, xã Chi Khê, Con Cuông), Phan Thị Cảnh (Long Sơn, Anh Sơn)... đều đáng để chúng ta học tập. Hội nghị cũng biểu dương những gia đình 4 thế hệ trong đó thế hệ thứ 2 cũng đã là NCT nhưng luôn nêu gương sáng, vừa tự chăm sóc chính mình, vừa ra sức phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, lại vừa chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già yếu như gia đình cụ Moong Văn Cáng, dân tộc Khơ mú ở xã Lượng Minh, Tương Dương hay gia đình cụ Phan Công Trượng (Nghi Diên, Nghi Lộc), cố ông Cao Bá Sắc và cố bà Cao Thị Mông (xã Diễn Thành, Diễn Châu)... Những gia đình này, ông bà, cha mẹ thương yêu và nêu gương sáng cho con cháu; con cháu kính trọng, phụng dưỡng chăm sóc ông bà bằng nhiều hình thức: lo từ bữa cơm, giấc ngủ, thăm khám sức khoẻ, tạo điều kiện để giao lưu, sinh hoạt với các bạn đồng niên, được tiếp nhận thông tin từ sách báo, phương tiện nghe nhìn, tham quan, du lịch... Đó cũng chính là kinh nghiệm mà các gia đình nêu lên trong Hội nghị để chúng ta học hỏi, áp dụng.