Trao đổi với chúng tôi về công tác giáo dục- đào tạo, chị Võ Thị Lộc, trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện Quỳ Châu cho biết: Những năm trước đây, đưa được con chữ đến với con trẻ gặp không ít gian nan, vất vả, không riêng gì Quỳ Châu mà ở các huyện miền núi cao thì bao giờ cũng gặp những khó khăn đặc biệt.

761643_small_38810.jpgTrường THCS Bình 3-Châu Bình

Đó là giao thông, mạng lưới trường lớp và nhận thức của người dân còn hạn chế. Xưa kia học trò lên đến lớp 2 mà chữ cái vẫn chưa thạo, thế nhưng phụ huynh còn khuyến khích con em mình không cần phải học nữa, có học tiếp cũng chỉ đến lớp 5, xa hơn cũng chỉ hết cấp 2. Học sinh ở các xã vùng sâu, xa như Diên Lãm, Châu Phong được đi học cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay mặc dù thầy cô giáo đến tận nhà vận động. Ngày nay khác xưa rồi, qui mô trường lớp mở rộng xuống tận các thôn, bản. Hiện nay toàn huyện có 40 trường, có tới 2/3 số xã có 2- 3 phân hiệu, tạo điều kiện để trẻ trong độ tuổi đi học ngày một tăng cao. Năm học 2005- 2006, tỷ lệ trẻ em từ 6- 14 tuổi được huy động ra lớp ở vùng thấp (vùng 1) đạt trên 90%, các xã vùng cao, nơi còn khó khăn tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi ra lớp đạt 90%. Điều đáng mừng hơn cả là cho đến nay,100% số xã, thị trấn vẫn duy trì được phổ cập giáo dục tiểu học. Có 10 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 8 trường Tiểu học.

Về chất lượng giáo dục có sự chuyển biến rõ nét. Kết thúc năm học 2005- 2006 đã có gần 50 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và bình quân hàng năm có trên 10 thầy, cô giáo bầu chọn đủ tiêu chuẩn đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo xem xét, công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Điển hình là các cô giáo: Nguyễn Thị Bình- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Phong 2, cô Cao Thị Dung- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hội 2. Hàng năm có gần 100 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện.Đặc biệt năm học 2005- 2006, toàn huyện có trên 40 học sinh đậu vào các trường Đại học chưa kể Cao đẳng. Tiêu biểu là em Đậu Thị Hoài Thu (dân tộc Thái) thi Trường Đại học Tài chính kế toán với số điểm 28,5 trong đó môn Hoá học đạt điểm 10 (tính cả điểm ưu tiên tròn 30 điểm).

Đạt được thành quả ấy là do phòng Giáo dục- Đào tạo đã có nhiều biện pháp để phổ cập giáo dục Tiểu học học đúng độ tuổi, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Thường xuyên tổ chức khảo sát chất lượng văn hoá học sinh để đánh giá đúng kết quả dạy và học của các nhà trường, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học mới, nhằm phù hợp với đối tượng học sinh, quan tâm chất lượng học sinh vùng cao, vùng xa bằng các giải pháp cụ thể như: Tăng cường dạy tiếng Việt ở Mầm non và Tiểu học cho học sinh dân tộc vùng sâu xa, lồng ghép các nội dung dạy tiếng Việt vào các tiết dạy chính khoá và hoạt động ngoại khoá. Đồng thời các trường ở vùng cao, vùng xa còn có cách làm hay như trích trong phần lương củacán bộ, nhân viên để tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh học cả ngày (một tuần 2 lần).

Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyệncũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Hiện Quỳ Châu có 100% trường học đã được ngói hoá, hơn 100 phòng học cao tầng. Tháng 7/2006, UBND huyện có cơ chế chính sách phát triển giáo dục như: Xây dựng trường chuẩn Quốc gia, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi, cán bộ khá giỏi từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn, học sinh giỏi, giáo viên có học sinh giỏi ( giải thưởng tối thiểu là 200 nghìn đồng và tối đa 1 triệu đồng).

Những chuyển biến về chất lượng dạy và học ở Quỳ Châu được nâng lên khá rõ rệt nhưng không phải như thế Quỳ Châu đã hết đi những cái yếu cần phải khắc phục. Hiện tại còn một số đội ngũ quản lý, giáo viên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu do chắp vá, cử tuyển. Chất lượng giáo dục so với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn bất cập, đặc biệt là chất lượng các trường vùng cao, vùng xa có khoảng cách xa so với các trường trung tâm, nhận thức một số người dân trong việc học tập của con em còn hạn chế, một số xã chưa thực sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục, còn ỉ lại, thậm chí có nơi còn khoán trắng cho các trường học.

Để tạo sự chuyển biến có hiệu quả hơn nữa, Quỳ Châu sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học; đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố Đảng trong trường học, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở các trường học và cơ quan quản lý giáo dục; chống các biểu hiện gian lận tiêu cực trong học tập và thi tuyển, chống các tệ nạn xã hội thâm nhập vào trường học.


Bài, ảnh: Thu Hương