Thời oanh liệt


761639_small_38739.jpg
Một thời, nhắc tới làng chài Lương Giang-xã Đặng Sơn (Đô Lương) thì ai cũng biết, bởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đây là đội vận tải đường sông, chuyên chở vũ khí đạn dược, lương thực cho tiền tuyến. Ông Trần Văn Hoa 60 tuổi kể rằng; Làng chài Lương Giang từ già tới trẻ đều là những chiến sĩ "Ba sẵn sàng", khi vào Quảng Bình, Quảng Trị, lúc ngược dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ lên Kỳ Sơn, Tương Dương, có lúc lại ngược sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu... lên Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh)... Dù bom rơi, máu đổ, đội vận tải vạn chài Lương Giang vẫn quyết xông pha.


Cùng trong đội vận tải với ông Hoa, ông Trần Văn Thụ ngậm ngùi; Hồi đó, giặc Mỹ trút bom ghê gớm, các phân đội phải mò mẫm đi đêm, ban ngày thì chui lủi nguỵ trang ven bờ. Một lần, tình thế khẩn cấp phải chuyển lương thực ngay vào Hương Khê (Hà Tĩnh) để từ đó tiếp viện cho các mặt trận, khi đoàn thuyền gần tới điểm tập kết, cũng là lúc 7 - 8 chiếc phản lực lao tới thi nhau trút bom. Cả khúc sông bị băm vằm, sục sôi. Con thuyền chở gạo của gia đình ông Chu Văn Nhung gồm 11 người, thuyền gia đình ông Đỗ Kim Phượng gồm 8 người...bị trúng bom nổ tung. Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, mỗi chuyến đi đầy vinh quang và tự hào ấy lại có những người dân vạn chài anh dũng hi sinh hoàn thành nhiệm vụ như liệt sĩ Ngô Thị Loan, Ngô Văn Hồng... Đất nước thống nhất, có những con thuyền phải vĩnh viễn nằm lại dòng Lam, những chiếc còn lại rủ nhau tụ tập neo đậu bến xưa, tiếp tục làm nghề chài lưới trên sông và tạo nên làng chài đông đúc ngày nay.


Chìm nổi những cảnh đời

 
Con đường dẫn vào làng chài Lương Giang, đi ngoằn ngoèo qua bãi dâu ngút ngàn, từ xa đã thấy những con thuyền đa phần là rách, nhấp nhô chụm đầu vào nhau tạo thành một vệt dài bạc phếch cả khúc sông. Chiều xuống khói bếp toả khắp vùng. Lên một chiếc thuyền người đàn ông tên Phạm Văn Lộc cỡ 60 tuổi, ông đưa bàn tay gân guốc rót bát nước chè đặc quánh rồi kể; Những đứa con của làng chài ni thì đều "mẹ tròn con vuông" trên thuyền sống với nghề chài lưới cơ cực từ đời ông cha để lại. Dòng sông Lam bình thường thì êm ả là vậy nhưng khi mùa lũ, nước ở thượng nguồn cuồn cuộn như thác đổ. Những con sóng gầm réo cao ngất, lồng lộn sẵn sàng nhấn chìm mọi thứ. Gỗ của dân buôn lậu bị vỡ bè lao từ trên xuống đâm thẳng vào những con thuyền bé nhỏ. Có những mùa lũ nhiều thuyền bị đứt dây neo cuốn đi tuồn tuột, tang thương nhất thuyền của anh Minh Hà, chưa kịp lánh nạn thì hai đưa con trai đã bị lũ cuốn chết. Nhưng nước lũ dâng lên tới đâu thì neo thuyền lên tới đó, trẻ em người già cho lánh nạn vào làng còn vợ chồng vẫn phải liều chết bám trụ mà giữ lấy thuyền. Đối với dân chài, thuyền là chiếc cần câu cơm không thể thiếu, miếng cơm manh áo, tất cả nằm ở đó.


Cuộc sống mưu sinh của làng chài xem ra ngày càng bấp bênh, không nhà cửa, không tài sản, không một tấc đất cắm dùi quanh năm sống lắt lay với nghề cá hoặc đội cát sỏi thuê. Bà Thơ gắng gượng nói giọng đứt quãng: "Nhờ anh nói hộ cho bà con làng chài Lương Giang là sống ở sông nước chúng tôi khốn khổ lắm, chúng tôi rất muốn được lên bờ, để thế hệ cháu con được học hành, cứ đà ni thì cả vạn chài lại mù chữ mất".


Khát vọng đổi đời


Cả vạn chài Lương Giang có gần 78 hộ, nhưng gia đình có tài sản nhiều nhất là 5 triệu, ít nhất là 500 nghìn đồng. Dân trong vạn lo ăn còn không đủ, nói chi đến sách báo, phim ảnh. Sinh đẻ nhiều, đói nghèo, dịch bệnh cứ bám riết những mảnh đời nơi xóm chài khiến họ càng nghèo hơn. Vì vậy, đã có người tham gia vận chuyển "hàng trắng" từ biên giới Việt Lào về. Kiểm lâm cơ động tỉnh chốt chặn ở khe Choăng (Con Cuông) đã từng bắt được rất nhiều đối tượng người làng chài vận chuyển gỗ lậu.

Từ một dân chài bình bị họ đã "đổi máu" tỏ ra lì lợm với nhiều thủ đoạn tinh vi của giới côn đồ. Tiếp đến là hậu thuẫn cho bọn "cát tặc" hoành hành, đào, bới, móc, hút cát ở dọc sông Lam gây nên những sạt lở kinh hoàng, làm thay đổi dòng chảy, mỗi năm đất lở lấn vào bờ hàng chục mét của 2 xã Tràng Sơn, Đặng Sơn... Chưa kể đêm ngày còn ra kê kích phao đập Ba Ra hệ thống thuỷ lợi quan trọng tưới nước cho 4 huyện, dùng mìn đánh bắt cá, hay dùng các loại kích điện lùng sục bắt cá, huỷ diệt môi sinh, gây gổ với cả cán bộ bảo vệ đập Ba Ra Đô Lương.Vì miếng cơm manh áo họ có thể làm tất cả.


Tương lai của vạn chài Lương Giang ra sao ? không ai dám trả lời, chính quyền xã Đặng Sơn đã làm hết sức mình tìm giải pháp, nhưng xem chừng còn lắm gian nan. Ông Trần Đức Trà- Chủ tịch xã cho hay: Chúng tôi rất muốn được đưa bà con vạn chài lên một khu đất nào đó để ổn định cuộc sống, nhưng chưa thể được, bởi Đặng Sơn đất chật người đông, anh tính coi cả xã chỉ có hơn 100 ha đất nông nghiệp, bình quân 1 nhân khẩu trong độ tuổi lao động/200m2 đất canh tác, thì xen dắm làng chài Lương Giang vào đâu được.

Dân vạn chài cũng đã đề nghị chính quyền xã tạo điều kiện cho được làm nhà chôn cột bê tông ở ven bãi bồi vùng ngoài đê. Nhưng theo pháp lệnh đê điều không thể cho phép, hơn nữa về mùa lũ rất nguy hiểm, nước ngập trắng cả vùng bãi bồi. Một số bà con đòi căng quá, xã có ý định sẽ cấp đất cho bà con ở khu đất hoang ven nghĩa địa, nhưng không được, đây là khu đất cằn cỗi, cách xa dân cư, không có nước sinh hoạt, không có đất canh tác thì bà con làm gì để ăn. Chúng tôi đã làm đơn, trình bày kiến nghị lên huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thấy các ngành chức năng trả lời. Lối thoát duy nhất hiện nay để cứu làng chài là, đưa họ lên bờ, có nhà ở, có đất canh tác để phát trển kinh tế lâu dài, nhưng sức vóc của xã có hạn không thể kham nổi.

Ông Nguyễn Minh Hạnh -Phó chủ tịch huyện Đô Lương cho biết: "Làng chài Lương Giang có công lao to lớn với cách mạng, những con người đó đáng trân trọng, Nhà nước cần tạo điều kiện để họ được nhanh chóng lên bờ."Ông Trương Công Phúc -Phó bí thư huyện cũng đưa ra những trăn trở "Đất tái định cư cho bà con làng chài rất khó khăn, các xã lân cận với Đặng Sơn gồm Thị trấn, Lưu Sơn...quỹ đất cũng rất eo hẹp khó có thể xen dắm. Nếu đưa được bà con lên vùng tái định cư mới thì bắt buộc phải chuyển nghề, bởi lâu nay bà con chỉ quen nghề sông nước, nghề mới mà không có thu nhập ổn định thì bà con lại dễ quay về sông nước. Bởi hiện nay tại làng chài có nhiều hộ gia đình rong ruổi trên sông Lam sinh sống mãi ở tận Anh Sơn, Con Cuông, hoặc xuôi dòng về sông Cửa Tiền..."


Từ biệt làng chài khi bóng đêm vừa buông, tôi ngoái trông theo những con thuyền xập xệ, xiêu vẹo chìm trong màn mưa đùng đục mà thấy nhói đau. Tôi vẫn thấy những ánh mắt đang khát khao niềm hy vọng được lên bờ định cư với một mái ấm gia đình đầy ắp những tiếng cười. Tôi thầm nghĩ, chẳng lẽ những con người đã trải qua một thời đạn bom khói lửa, cứ để cho cả một thế hệ trẻ thất học, cứ để cho mầm mống tệ nạn nảy sinh? Đề nghị các cơ quan ban ngành hãy quan tâm đến nguyện vọng, khao khát chính đáng của vạn chài Lương Giang hiện nay: được sống trên bờ.


Phóng sự của: Văn Trường