Tạo điều kiện để các nữ doanh nhân, các CLB doanh nghiệp được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức tổ chức doanh nghiệp, lần đầu tiên, Hội thi "Kiến thức doanh nghiệp nữ" gắn với trưng bày sản phẩm, tôn vinh vai trò của các doanh nhân nữ đã được tổ chức.

761642_small_38806.jpg

Có 10 đội tham gia Hội thi "Tìm hiểu kiến thức doanh nghiệp" và trên 60 gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề đến từ tất cả các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Để chuẩn bị cho các sự kiện này, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất để có nhiều sản phẩm chất lượng, thì những đội tham gia Hội thi "Tìm hiểu kiến thức doanh nghiệp" còn tích cực luyện tập

từ nhiều ngày nay. Diễn Châu là huyện có 2 đội thi đấu. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: "Mặc dù CLB doanh nghiệp nữ mới thành lập 2 năm nhưng hoạt động rất có hiệu quả. Các chị đã trao đổi thông tin với nhau, giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến với Hội thi lần này, CLB đã lựa chọn 10 chị tham gia". Sản phẩm được xem là thế mạnh của Diễn Châu là chế biến hải sản, nông sản và dịch vụ, các sản phẩm hải sản đã chế biến như: nước mắm, ruốc, cá, mực, tôm khô... Đây là dịp để sản phẩm làng nghề của Diễn Châu được quảng bá, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng"...

Toàn tỉnh hiện có 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5.000 doanh nghiệp cực nhỏ (quy mô hộ gia đình) mà phần lớn chị em làm chủ. Bản tính cần kiệm, chăm chỉ, chịu khó... là những lợi thế khi phụ nữ tham gia vào lĩnh vực thương trường. Cộng vào đó là sự thông minh, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh... nên nhiều chị em đã thành công. Các chị có mặt hầu hết ở tất cả các lĩnh vực, từ ngành cơ khí đến da dày, may mặc, hàng thủ công mĩ nghệ, xuất khẩu, chế biến nông sản, hải sản đến trang trại, dịch vụ, du lịch, thể thao, văn hoá... Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nữ, CLB danh nghiệp nữ, nhóm làng nghề của phụ nữ được các ngành, các cấp đánh giá cao. Lực lượng doanh nghiệp nữ cũng đi đầu trong thực hiện công tác Xoá đói giảm nghèo tại các địa phương, nhiều chị đã vươn lên làm giàu chính đáng, tham gia công tác quản lý trở thành nhà doanh nghiệp giỏi. Đặc biệt số lao động được vào làm trong các doanh nghiệp của họ và ở các làng nghề ngày càng đông với mức thu nhập tương đối ổn định, trung bình từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng mỗi tháng. Điển hình có doanh nghiệp chế biến hải sản Phương Mai (Quỳnh Lưu) hiện có trên 600 công nhân; Doanh nghiệp khai thác khoáng sản Quyết Thành (Tp Vinh) có trên 300 công nhân; Doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu Mai Hương (Thanh Chương) thu hút trên 200 lao động...

Thành công trên thương trường, nhưng trong gia đình, họ vẫn là những người vợ đảm, mẹ hiền. "Khéo chiều chồng, khéo nuôi con" và làm kinh tế giỏi, đó là những hình ảnh mới về người phụ nữ hiện đại mà chúng ta gặp trong Hội thi lần này.


Nguyệt Anh