(Baonghean) - Sáng nào cũng vậy, khi chú gà trống đập cánh 3 lần rồi cất tiếng gáy là ông trở dậy, đội mũ, đi giày vải, khoác túi, cầm đèn pin rời khỏi bản. Bàn chân đi nhiều nên đã quen từng gốc cây, từng viên đá. Dân bản nói rằng, ông giống như dòng Moong Nậm chảy về bản từ trên đỉnh Phá Kháo. Ông thì không cho rằng mình là dòng suối ấy. Vì Moong Nậm thì chảy mải miết quanh năm, còn Phá Kháo thì cao sừng sững. Ông nghĩ mình chỉ là cây lúa trên rẫy, cây bắp lưng nương đã lớn lên từ mảnh đất cằn cỗi này.
Từ Thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi lên thuyền máy và ngược lòng hồ để đến bản Huồi Xá – bản trung tâm của xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Nhưng đây chưa phải là đích đến cuối cùng cho dù chúng tôi đã mất 4 giờ đồng hồ lênh đênh cùng sông nước. “Đi Phá Kháo à! phải mất gần 2 tiếng nữa. Rứa thì ta cùng đi luôn, tui cũng có việc phải lên đó. Các lãnh đạo xã đều được phân công phụ trách địa bàn. Tui phụ trách Phá Kháo”. Chúng tôi như san được gánh nặng khi ông Lô Đại Duyên – Chủ tịch UBND xã Mai Sơn thông báo như vậy. Trên đường đi, vị Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết, Phá Kháo là bản nằm ở khu vực khó khăn nhất của xã. Điều này ông Duyên không phải chứng minh nhiều, những cung đường gập khuỷu tay với hun hút dốc, đá tai mèo lởm chởm khiến cho bất cứ ai lần đầu tiên đến đây đều không khỏi kinh hãi.
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nguyên cảm giác xe máy lao xuống dốc gió cắt ngang vành tai. Cách đây vài năm không ai dám nghĩ sẽ có ngày có con đường nối từ Huồi Xá lên Phá Kháo. “Già Nênh Thông có công to đấy!”. Sự ghi nhận của vị chủ tịch xã dành cho Già Nênh Thông - người có uy tín nhất bản Phá Kháo đã giúp cho chúng tôi có thêm niềm tin để tìm đến bản dân tộc Mông, nằm trên điểm cao nhất, xa nhất của xã Mai Sơn nói riêng và huyện Tương Dương nói chung.
Chúng tôi đến Phá Kháo lúc 10h sáng. Già Nênh Thông vẫn ở trên rãy chưa về. Đang loay hoay tìm chỗ nghỉ chân, vừa lúc Trưởng bản Thò Bá Lư phóng chiếc xe máy tìm đến. Trên xe vẫn buộc những chồng sách vở học sinh mà anh vừa xuống xã lấy về cho các em trong bản. “Phải đợi thôi, có khi quá trưa Nênh Thông mới về. Gà vẫn chưa nhảy ổ mà” - Nói rồi, Thò Bá Lư dẫn chúng tôi đi vòng quanh bản. Vẫn là những ngôi nhà thấp, mái lợp bằng ván gỗ samu, pơmu đặc trưng của đồng bào Mông, nhưng điểm khác biệt nhất mà tôi nhận thấy là tất cả đều được rào chắn cẩn thận.
Đưa tay sờ nút lạt mới buộc, Thò Bá Lư nói rằng, trước đây các nhà ở của bà con trong bản không làm hàng rào, muốn trồng cây rau, nuôi con gà cũng khó. Nào thú rừng, nào lợn vào phá hết. Nay thì đã khác, nhà nào cũng có cây rau ăn, con gà đen có ổ để nhảy. Nhà nào trong bản cũng nuôi bò, hộ nhiều thì nuôi năm, bảy con, ít thì vài con. “Nhờ Già Nênh Thông cả đấy”. Nghe Trưởng bản Thò Bá Lư nói thế chúng tôi càng nóng lòng muốn được gặp Già Nênh Thông.
Và chúng tôi cũng chẳng phải đợi lâu, theo tay chỉ của Bá Lư, chúng tôi nhìn thấy bóng người đàn ông chân bước dường như không bén gót đang hướng về bản từ trên sườn đồi. Vừa gặp, tôi đã bị ấn tượng ngay bởi nụ cười cởi mở với những chiếc răng bịt vàng của Nênh Thông. “Ái dzà! không biết chủ tịch với nhà báo đến bản. Phải đưa muối vào rừng từ sớm, khi con bò “hắn” chưa kịp đi vô rừng…” Ra vậy, sáng nào Già Nênh Thông cũng phải vượt núi, vào rừng đem muối cho bò. Điều thứ nhất, theo Nênh Thông là con bò “hắn” không bỏ đi, thứ nữa là phải có muối khoáng để gia súc khỏe mạnh, chống lại bệnh tật và cái rét lạnh ở trên núi. Vẫn nụ cười lấp lóa ấy, ông nói: “Ta cũng phải có muối hầy! Con bò hắn cũng rứa mà!”
Hiện nay, gia đình Già Nênh Thông nuôi trên 10 con bò, trong đó có 2 con nuôi nhốt để vỗ béo chờ xuất bán. Riêng chuyện nuôi bò nhốt ở bản Phá Kháo cũng từng là một vấn đề lớn. Số là trước đây, dân bản rất ít nhà có bò, lại càng không có thói quen nuôi nhốt. Khi Già Nênh Thông đề cập đến việc phát triển đàn trâu bò, không ai nghe, không ai theo. Muốn nuôi nhiều bò thì phải có đất để trồng cỏ voi cỏ sữa. Trên vùng núi đá lấy đâu. Không phải là dân bản không có cái lý.
Nhưng Nênh Thông lại nghĩ khác. Mình sống hơn nửa đời người trên vùng heo hút này chỗ nào còn chưa đặt chân. Rừng dốc, núi đá, vách đồi thật đấy, nhưng vẫn còn những hốc đất để tra hạt bắp, gieo cây giống. Quan trọng là chịu khó. Điều này thì người Mông ta có thừa. Cái bụng nghĩ sao thì làm vậy. Cả một thời gian dài, cứ tờ mờ sáng Già Nênh Thông lại khoác túi rời bản. Không ai biết Nênh Thông tìm kiếm gì ở trên núi. Hóa ra Nênh Thông tìm lối, tìm đồi để dắt cây cỏ voi vào hốc đá, chen ươm cây cỏ sữa trên dốc nương.
Thương Phá Kháo thì Phá Kháo không phụ cái công mình. Những vạt cỏ voi chen nhau mọc. Lần đầu tiên Già Nênh Thông vác một bó cỏ voi về bản mọi người không khỏi ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy Nênh Thông chặt cỏ thành đoạn rồi trộn với muối cho bò ăn. Cứ như là chuyện đâu đâu chứ không phải ở Phá Kháo này. Nhưng bà con vẫn chưa tin ngay.
Già Nênh Thông quá hiểu cái bụng đồng bào người Mông mình. Bà con rất chịu thương, chịu khó, rất chăm chỉ nhưng lại bảo thủ. Biết vậy, trước tiên ông vận động những gia đình anh em, họ hàng cùng làm. Một nhà, 2 nhà, 3 nhà… và đến nay 43 nóc nhà trong bản, nhà nào cũng nuôi bò. Bò thả ngoài núi, bò nuôi nhốt vỗ béo trong chuồng. Khi mọi người đã tin rồi thì việc gì cũng dễ làm. Nênh Thông đã góp ý với chi bộ, ban quản lý bản là nên khoanh vùng và tách hẳn diện tích trồng cỏ ra khỏi khu vực nương rẫy, chuyển chuồng trâu bò vào gần đồng cỏ. Điều này vừa không cho gia súc phá hại lúa, ngô vừa thuận lợi trong việc chăn nuôi, quản lý chúng.
Từ khi Phá Kháo có con trâu, con bò muốn bán, chẳng phải đi đâu xa, thương lái vào đón mua tận bản rồi dắt ngược lên Mỹ Lý (Kỳ Sơn) để từ đó chở về xuôi. Một con bò ít ra cũng có 15 triệu đồng rồi. Dân bản ai cũng phấn khởi. “Cũng nhờ ơn Đảng và Nhà nước đấy, hỗ trợ bò của Chương trình 30a, nếu không thì bản ta cũng không được như bây giờ”. Là Nênh Thông nói vậy, nhưng ở đâu cũng cần có người có tâm, có kinh nghiệm để dân bản làm theo. 90 con bò, 80 con lợn, gần 10 con trâu của bản là bằng chứng cho công sức của Nênh Thông đấy thôi. Đến nay, mọi gia đình trong bản đều đã hình thành nếp nghĩ: muốn có tiền thì phải nuôi bò. “Nhà nào không có điều kiện thì mình cho vay nửa tiền bò, khi mô bò mẹ đẻ hắn trả phần còn lại cho ta” - Già Nênh Thông nghĩ như thế và đã làm như thế để giúp nhiều hộ dân trong bản. Cũng cần phải nói rằng, theo phong tục của đồng bào Mông, việc cho vay và đi vay là điều rất hiếm khi xảy ra. Nếu như nhà nào thiếu đói, thì mọi người trong cộng đồng sẽ cùng góp vài bế lúa, ngô để hỗ trợ; nếu gia đình thiếu người phát rẫy, tra hạt, trỉa bắp thì bản sẽ huy động người làm cho một vài ngày nhưng việc cho vay và hỏi vay gần như không có trong tư duy của bà con. Đây không chỉ là vấn đề no đói, mà chính là sự tự trọng mang bản sắc riêng. Nhưng với cách làm của Nênh Thông đã không có ai phản đối.
Nhưng người dân trên bản Phá Kháo đâu chỉ nói về Già Nênh Thông qua việc ông đã có công lớn phát triển đàn gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên trên 3 ha. Mọi người còn nói rằng, nếu không có Già Nênh Thông thì con đường 15 km nối từ bản Phá Kháo xuống đến Huồi Xá - bản trung tâm xã Mai Sơn không biết khi nào mới được hình thành. Mong ước về một con đường thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Phá Kháo. Nói chi đến việc bán quả bí, bế dưa, ngay như trẻ em muốn đến trường, người đau ốm cần cứu chữa cũng không thể kịp thời.
Người trong bản thấy có hôm Già Nênh Thông đi cùng Bộ đội Biên phòng, có hôm đi cùng Ban quản lý bản và nhiều lần một mình tìm đến từng hộ dân vận động bà con cùng góp công, góp sức làm đường. Cũng như đồng bào Mông những nơi khác, bà con dân bản Phá Kháo xưa nay chỉ quen đi trên đồi, trên rẫy, làm việc đến mịt tối mới về nhà, mấy ai có thời gian để đi phá núi mở đường. Nhưng mọi người đã chịu nghe lời Già Nênh Thông. 2 năm trời với hàng ngàn ngày công cho 15 km đường, đó là sự nỗ lực ghê gớm của một tập thể với trên 270 người của bản Phá Kháo.
Ngay đến lúc này, Trưởng bản Thò Bá Lư cũng khẳng định: “Làm đường cho mình thì ai cũng phải chịu đi chớ”. Bá Lư còn nói rằng, cứ một vài tháng thì bà con lại tự giác gọi nhau đi sửa đường một lần. Dẫu còn nhiều đèo dốc, nhưng xe máy đã có thể vào đến bản. Hạt muối cũng sẵn hơn. Ai mà nghĩ được sẽ có ngày cái bản nằm chênh vênh bên đỉnh Phá Kháo lại đời thường đến vậy. Cái bản mang tên núi ấy chỉ cần vạch sương, đi chưa hết nửa ngày đường là sang đến đất Lào, nhưng đã hơn 10 năm nay ở Phá Kháo không có ai tự ý di dịch cư. Đại úy Nguyễn Ngọc Chỉ - cán bộ Đồn Biên phòng 523 nói rằng, việc này lại có công của Già Nênh Thông. Nhưng khi tôi hỏi Nênh Thông lại cho rằng, bà con đã có nhà ở ổn định, gia đình nào cũng nuôi bò, trồng cỏ, nhà nào cũng làm hàng rào, vậy còn phải đi đâu.
Già Nênh Thông là người dễ gần nhưng ít nói, hoặc giả ông không muốn nói nhiều về việc mình đã làm được. Ngay cả cái “sự kiện” ông có người con gái tên Già Y Chừ đang học Trường Đại học Vinh – khoa Sư phạm Mầm non cũng mãi sau tôi mới được biết. Già Y Chừ là con gái người Mông đầu tiên của xã Mai Sơn học đại học. Hay như chuyện Già Nênh Thông có con trai vừa nhận công tác ở Đồn Biên phòng 523 – xã Mai Sơn (Tương Dương) chúng tôi cũng không được ông cho hay. “Phá Kháo đã thay đổi nhưng vẫn còn nghèo” – ông thừa nhận thực tế đó như nhận cái lỗi về mình. Dễ tưởng điều này chẳng liên quan gì đến Nênh Thông khi trong nhà ông bếp vẫn đỏ lửa đều đặn, ngoài chuồng có năm, sáu chục con gà đen, rồi bò, rồi lợn… Nhưng có lẽ ông được bà con bầu là người uy tín nhất bản không phải vì những vật chất mà gia đình ông đang có.
Tôi đã có 2 ngày lưu lại Phá Kháo, đã được uống những ngụm rượu cần còn nguyên vị lạnh mát của dòng suối Moong Nậm, nhưng tôi lại ấn tượng nhất vào buổi trưa đầu tiên đến bản. Trong bữa cơm, mọi người đã nói vui với nhau rằng: “Đây là bữa cơm đoàn kết”, vì có Chủ tịch xã Lô Đại Duyên, có đại úy Nguyễn Ngọc Chỉ - Bộ đội Biên phòng ở Đồn 523 Mai Sơn, có Bí thư Chi bộ bản Già Bá Gâu, có Trưởng bản Thò Bá Lư. Đặc biệt bữa cơm ấy còn ấm cúng hơn bởi sự có mặt của ông Già Lia Xa, bố của Già Nênh Thông. Theo phong tục của đồng bào Mông, bố không sống cùng nhà với con trai cả, mà ở cùng với con trai thứ. Và hôm ấy, Nênh Thông đã mời bố đến nhà mình với tất cả sự khiêm nhường và kính trọng. Khiêm nhường trong cách lắng nghe, kính trọng trong mỗi lần gắp thức ăn cho bố. Để ý tôi nhìn thấy thi thoảng Già Lia Xa lại đưa mắt về phía người con trai cả tóc đã lấm tấm sợi bạc. Trong ánh mắt của người đàn ông 75 tuổi đã từng là cán bộ huyện Tương Dương có niềm vui, xen lẫn tự hào về đứa con của mình. Đứa con ngày nào từng theo ông đóng từng cây cọc, buộc từng múi lạt để làm nên những hàng rào vững chắc.
Đồng bào dân tộc Mông gọi là Phá Kháo, cắt nghĩa là núi trắng…Tôi nói vui: “Bây giờ phải gọi là núi xanh mới đúng chứ”…Tất cả chúng tôi cùng cười vang. Tiếng cười dội vào vách núi vọng những âm thanh nghe thật lạ. Tựa như chỉ đứng trên độ cao 1000m ở Phá Kháo mới có được cảm giác nghe thật rõ khát vọng của lòng người.
Đào Tuấn