(Baonghean) - Tôi chỉ kịp gặp nhà thơ Vương Trọng trong những giờ phút vội vàng ông nán lại với thành Vinh để chờ đáp tàu đêm về Hà Nội. Ông nói: “Mình vừa ở Đô Lương xuống. Năm nào, dịp này mình cũng về quê giỗ mẹ. Âu cũng là một cái duyên để trở về, để thắp nén nhang thơm trên bàn thờ tiên tổ, ra mộ mẹ khấn nguyện những điều tận đáy lòng, được bước trên con đường quê và chứng kiến những thay đổi của thôn xóm…”.

images1040743_images937799_nha_tho_vuong_tr_ng.jpgNhà thơ Vương Trọng.
 
Xa quê quá nửa đời người mà giọng nói của nhà thơ Vương Trọng vẫn đậm đặc chất Nghệ. Ông không ngừng nói về vùng quê xã Trung Sơn, Đô Lương của mình. Giống như bao mảnh đất khác của Nghệ An, từng nghèo đến xác xơ. Người dân phải chống chọi với cái đói, với thiên tai, bệnh dịch trong vô vàn khó khăn, lam lũ. 
 
Một ngày năm 1943, trong ngôi nhà nhỏ làng Đông Bích, xã Trung Sơn, mọi người quây quần bên nhau hoan hỉ đón cậu bé Vương Đình Trọng chào đời. Mỗi ngày lớn lên, cậu bé Trọng được đắm mình trong bầu không khí ấm áp của gia đình, trong phong cảnh hữu tình nên thơ của mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ. Chính mảnh đất thuần nông nghèo khó đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Vương Trọng. “Con người chúng ta không ai muốn tuổi thơ nghèo khổ, nhưng ở góc độ nào đó, chính cái nghèo khó của tuổi thơ đã giúp tôi nhiều trong sáng tác. Nó đã găm hồn tôi với quê hương, và đã khiến cho ký ức của tôi trở nên đậm đặc”, nhà thơ Vương Trọng trầm ngâm nói với tôi. Ông thường trêu hai đứa con ở Hà Nội: “Chúng mày không có tuổi thơ”. Với Vương Trọng, tuổi thơ ông đã đánh thức cái phần sâu sắc nhất, nhân bản nhất trong tiềm thức và trái tim ông – những thứ con người chúng ta có được khi lăn lộn với cuộc sống ở những chiều kích gai góc nhất của nó.
 
Sông Lam cách nhà Vương Trọng hơn 1 km, nhưng ngọn Quỳ Sơn thì ngay kia, trong tầm ngắm của cậu bé Trọng hàng ngày. Có lẽ ngày xưa dân nghèo nên núi cũng trọc. Tuy vậy, núi Quỳ đã gắn bó với Vương Trọng như biết bao ngọn núi, con sông quê đã gắn bó với những tâm hồn thi nhân. Bố VươngTrọng là ông đồ nho, các anh trai yêu thơ và hay đọc thơ trong nhà. Bởi thế mà trước khi biết đến thơ trong sách vở, thậm chí là trước khi biết chữ, Vương Trọng đã thuộc nhiều bài thơ từ chính những người thân trong gia đình mình. Ông có biệt tài thuộc thơ rất nhanh, như ông nói “cứ thấy thơ là thuộc”. Từ nhỏ, Vương Trọng đã thuộc “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, “Truyện Kiều” – những truyện thơ thuộc hàng dài nhất của thơ Việt Nam trung đại. Trên tất cả, ông tha thiết yêu “Truyện Kiều” như yêu những gì tinh túy nhất của nền văn học Việt Nam từ cổ đến kim. Ông nói: “Đã là người của văn học thì không thể không yêu Truyện Kiều được”. Chính bởi vậy, gần đây trong các cuộc thi tuyển môn văn mà ông được mời làm người ra đề, Vương Trọng nhất thiết đưa “Truyện Kiều” vào làm thước đo cho khả năng và sự cảm thụ văn học.
 
Từ năm học lớp 4, Vương Trọng đã biết làm thơ. “Cũng mày mò gửi một vài báo nhưng không được đăng”, nhà thơ kể lại với một nụ cười hóm hỉnh, “Tuy vậy, khi có thư tòa soạn xác nhận đã nhận được bài tác giả gửi, mình thấy vui lắm”. Vương Trọng đọc lại cho tôi nghe bài thơ đầu tiên ông sáng tác, có nhan đề đặc sệt phong cách của các bậc tiền bối: “Vịnh khe Bò Đái”. Đây là kỷ niệm mà Vương Trọng mãi mãi khắc ghi, bởi nó đánh dấu lần đầu tiên ông sáng tác một bài thơ hoàn chỉnh, diễn tả nỗi lòng ông với quê hương, nơi có khe nước mang cái tên rất dân dã chảy những dòng nhỏ trong vắt mà lũ trẻ con bọn ông ngày trước thường ra tắm.
 
Vương Trọng là một học sinh giỏi đều các môn và khi tốt nghiệp phổ thông, ông đã không chọn văn học để bắt đầu sự nghiệp. Năm 1962, Vương Trọng thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Toán. Chính tư duy toán học đã giúp ông có được khả năng khá nổi trội về mặt diễn thuyết với cách nói rành mạch, bố cục rõ ràng, khúc chiết. Song, thơ ca như đã ngấm vào trong máu, Vương Trọng mặc dù không chọn nó nhưng có thể nó đã chọn ông, hay điều gì đấy như là “trời định” vậy. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học, được điều về làm ở Cục Quân báo với công việc thám dịch mật mã của địch. Đến năm 1970, Vương Trọng trở thành giáo viên dạy toán luyện thi đại học ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng đóng tại Thị xã Lạng Sơn. Rồi 2 năm sau đó, vào năm 1972, ông thực sự gắn bó với văn học bắt đầu bằng việc tham gia học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du và công tác cho đến ngày về hưu tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.
 
Vương Trọng kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm vui trong quãng thời gian này. Khi ở trong quân đội, ông từng thách cả đơn vị mỗi người nói một từ đơn có nghĩa và nhiệm vụ của ông là đọc một câu thơ có từ đó. Mọi người thi nhau tìm những từ khó nhất, ít nghe đến nhất, nhưng cuối cùng Vương Trọng vẫn tìm được lời giải của mình. “Vốn thơ” trong con người ông như thể vô tận, ông say mê, yêu mến nó, và vui đùa với nó.
 
Một lần khác, đó là vào năm 1981, khi đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, Vương Trọng cùng một số nhà văn, nhà thơ khác như Nguyễn Bùi Vợi, Mai Hồng Niên… được Công ty Vận tải đường sông Nam Định mời về du lịch trên sông. Cả đoàn trải chiếu ngồi trên tàu, nhấm nháp rượu suông và nói chuyện thơ ca. Một cán bộ thi đua của công ty thưa chuyện với đoàn văn sỹ, tỏ ý muốn đọc một bài thơ lục bát 14 câu do anh ta sáng tác. Chỉ 5 phút sau, Vương Trọng đã đọc lại toàn bộ bài thơ đó, không sai một từ. Tất cả mọi người đều kinh ngạc trước trí  nhớ của ông. Kể xong chuyện này cho tôi, ông còn đùa: “Nếu Hội Nhà văn Việt Nam mà tổ chức cuộc thi thuộc thơ thì tôi sẽ đoạt giải nhất”.
Nhà thơ Vương Trọng giới thiệu tới các nhà văn cựu binh Mỹ bài thơ về 10 cô gái Đồng Lộc.
 
Tuy không có cuộc thi thơ nào như ông nói, Vương Trọng đã đoạt được một số giải thưởng cao quý trong ngành văn học: Giải Ba về thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969, 4 lần đoạt giải thơ của Bộ Quốc phòng, 2 lần đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1991 và 1996), và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 với các tập thơ Về thôi nàng Vọng Phu, Đảo chìm, Ngoảnh lại, Mèo đi câu. Thơ của Vương Trọng, như chính con người ông, vừa mạch lạc khúc chiết vừa đằm thắm sâu sắc, vừa hóm hỉnh dí dỏm, vừa lắng đọng thiết tha. Tính đến nay, ông đã xuất bản 26 tập sách cá nhân, trong đó 16 tập thơ và trường ca, còn lại là sách dịch, truyện ngắn, bút ký. Vương Trọng quan niệm: “Thơ là tiếng nói tình cảm. Đổi mới, cách tân mà không ai hiểu thì không nên gọi là thơ”. Theo ông, văn chương đương đại với những trường phái “lạ hóa” thi ca đến mức rối rắm, khó hiểu đang mắc phải những “ngộ nhận” đáng tiếc. Ông, người yêu đến mê đắm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, không thể dễ dàng chấp nhận những thử nghiệm non nớt và lệch chuẩn như của một số nhà thơ trẻ đang làm, mặc dù lúc nào Vương Trọng cũng ủng hộ mọi nỗ lực cách tân.
 
Từ ngày về hưu đến nay, Vương Trọng vẫn dành nhiều thời gian sáng tác thơ, nhưng ông cảm thấy lý thú hơn với việc nghiên cứu. Ông đã và đang thực hiện các công trình dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, dịch lại “Chinh phụ ngâm” và viết nghiên cứu về “Truyện Kiều”. Mỗi khi có dịp, Vương Trọng lại đáp tàu về Vinh, nếu nhiều thời gian thì nán lại thành phố gặp gỡ bạn bè, còn không thì bắt xe về Đô Lương, nơi ông gửi trọn cả hồn mình ở đó. Ông nói, người trẻ nhiều kẻ tự hào khoe về việc đi xa của mình, càng xa càng tốt, song người già thì lại mong muốn được về quê, càng nhiều ,càng tốt. Giờ đây về Đô Lương, Vương Trọng thấy vui vì quê hương đổi mới. Không còn nhiều mái đình, mái chùa, không còn những đường cong của “làng tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ”, nhưng bù lại là những tòa nhà cao, những con đường thẳng được bê tông hóa. Không còn những ngọn núi trọc mà thay vào là một Quỳ Sơn với những dãy núi xanh rờn màu thông. Người dân không còn đói khổ, thay vì chỉ làm nông nghiệp, họ đã đi làm thuê, khai thác nhựa thông… Vương Trọng khẽ mỉm cười đọc cho tôi nghe những câu thơ viết ra từ đáy lòng ông, từ nỗi khắc khoải hướng về mảnh đất nơi ông được sinh thành: “Khi mắt tôi khép lại cái nhìn/ Hãy đưa tôi về nơi sinh nở… Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm/ Hoa ấm lửa, đất nồng hơi than cháy/ Hạnh phúc lắm được nằm xuống đấy/ Dù gió mưa, không biết lạnh bao giờ…”. 
 
Tạm biệt nhà thơ Vương Trọng, tôi ra về mà cứ nghĩ mãi về con tàu đêm nay, con tàu sẽ cùng ông trong nỗi nhớ quê da diết. Cũng chỉ là một đêm trong hơn 50 năm xa quê, cũng chỉ là con tàu chở ông ngược ra Bắc về với Thủ đô yêu dấu, cũng là tiếng ầm ì của đường sắt, tiếng còi hú quen thuộc đến nao lòng. Thì nỗi nhớ, nó cũng chỉ là một vần nhịp trong vô vàn cung bậc cảm xúc của con người, nhưng với ông, nó là điệp khúc thổn thức và ngọt ngào nhất giúp ông sống và làm việc, giúp ông cảm thấy mình giàu có và tràn đầy năng lượng, giúp ông thấy mình lại khát khao và hy vọng dâng trào…
 
Quỳnh Lâm