(Baonghean) - Chúng tôi tìm đến nhà 9 thuyền viên người Nghệ An sau khi biết tin họ trở về từ Nam Phi. Tất cả đều mừng vì được trở về quê hương, gia đình. Nhưng trên khuôn mặt thẫn thờ mỗi người vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng vì những ngày khiếp đảm nơi xứ người. Đằng sau sự trở về là bao khốn khó và gánh nặng âu lo.
 
Những ngày sống như tù nhân
 
Đường về xóm Tiên Lạc (Xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) ngoằn ngèo, hai bên là những cánh đồng khô cằn, nứt toang hoác. Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thiết, một trong số những người vừa thoát nạn trở về. 
 

762790_small_49723.jpgLài vẫn chưa hết bàng hoàng.
Theo lời kể của những nạn nhân, trên tàu đánh cá Thuỵ Cát 101 của Đài Loan có 31 thuyền viên, trong đó có 9 người ở Nghệ An. Phần lớn họ ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động với Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco thuộc Cienco 1), Công ty Vinamoto và Công ty Napico. Hợp đồng các công ty ký với người lao động là đánh bắt cá ngừ với mức lương là 250USD/tháng. Thuyền trưởng và cai tàu đều là người Đài Loan. Nhưng những ngày trên tàu, họ bị đối xử, hành hạ như những tù nhân. Một người trong số những nạn nhân nói: “Chúng đối xử với bọn em không bằng một con cá Tammu. Làm việc quá sức, ăn uống không đủ, thường xuyên bị đánh đập".
 
Nghe những thuyền viên kể lại: Họ phải thường xuyên làm việc rất cực nhọc suốt ngày đêm, nhiều khi phải làm liên tục 35 tiếng đồng hồ không được ngủ, ăn uống thì vô cùng thiếu thốn, chủ yếu ăn bánh mì, cơm tấm. Người lao động thường xuyên bị đánh đập vô cớ. Có những người sơ ý bị đánh và đem nhốt trong hầm lạnh mấy tiếng. Khi ra toàn thân tê cứng, không làm được việc và tiếp tục bị đánh. Một thuyền viên người Philippin bị đánh đến gãy chân mà cai tàu vẫn bắt tiếp tục làm việc. Anh Nguyễn Văn Thiết là “lính mới” nên chưa quen việc, bị đánh nhiều nhất. Thiết nhớ lại trận đòn đau nhất của mình: "Lần đó, em bị ướt cả người, vao thay đồ ra thì bị đem vào boong tàu đánh tàn bạo. Cả chủ và cai tàu dùng típ sắt đánh em hộc máu. Em ngất đi, khi tỉnh dậy chúng lại bắt tiếp tục thả lưới”.
 
Những lao động làm thuê tha hương cố gắng chịu đựng chờ những đồng lương và ngày về nước đoàn tụ với gia đình. Sự đối xử, hành hạ tàn nhẫn của chủ lao động người nước ngoài dẫn đến tức nước vỡ bờ. Một ngày đầu tháng 5, các thuyền viên phải làm việc ròng rã từ 8 giờ sáng nay đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Chưa được nghỉ ngơi thì họ lại bị đánh đập. Không chịu nổi, tất cả những lao động trên tàu bàn nhau tìm cách thoát khỏi sự khốn khổ và nhục nhã. Họ trói cai tàu, đòi thuyền trưởng chạy tàu vào bờ để về nước. Trên đường vào, tàu Thuỵ Cát 101 bị cảnh sát Nam Phi bắt giữ và cáo buộc các thuyền viên tội cướp biển. Sau 45 ngày bị giam giữ, ngày 19/6 các thuyền viên được toà án ở thành phố Cape Town xử trắng án và trả về nước.
 
Ông Nguyễn Văn Nhuận (cha Thiết) chia sẻ với chúng tôi: "Khi mới nghe tin, tui cũng giận con lắm, nhưng biết chúng bị hành hạ như thằng đi tù thì tui lại thương con đứt ruột ”. Người đàn ông cứng cỏi đã qua nửa đời người không thể cầm lòng khi nghe con trai kể về những ngày tháng khiếp đảm vừa qua.
 
Những hoàn cảnh bi đát 
 
Mấy ngày này, nhà ông Nguyễn Văn Nhuận lúc nào cũng đông bạn bè, bà con xóm giềng đến hỏi thăm vì người con trở về. Đằng sau niềm vui đoàn tụ là cái nghèo và gánh nợ để lại.

Nhà ông Nguyễn Văn Nhuận rất đông người đến hỏi thăm.Ảnh: C.M.T
 
Phạm Văn Lài là con rể ông Nhuận. Ngày ký hợp đồng đi lao động nước ngoài, nhà nghèo anh nhờ bố vợ cầm cố sổ đỏ vay hai chục triệu với hy vọng đổi đời. Mới đi được vài tháng anh phải tay trắng trở về, tiền mất, lại mang vết thương đầy người. Lài khóc lóc nói: "chừ không biết lấy mô tiền trả nợ, có lẽ cái nghèo sẽ theo em cả đời mất". Con trai của Lài mới hơn hai tuổi lại tật nguyền, chân tay mềm như sợi bún. Tiền vay nợ càng ngày càng tăng thêm tiền thuốc men chăm sóc cho con làm cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn chật vật. Những trận đòn chí tử cũng làm sức khỏe anh Lài đi xuống thảm hại. Cuộc sống cả nhà trông chờ vào đôi vai gầy của người vợ. Có khi hai vợ chồng ôm nhau mà khóc vì chưa biết xoay xở thế nào để vượt qua khốn khó. Thương mình, hai vợ chồng Lài còn thương ông bà ngoại hơn. Để có tiền cho con trai và con rể xuất ngoại, gia đình ông Nhuận đã phải chạy vạy, cầm cố sổ đỏ vay mượn được 50 triệu đồng, mấy con bò cũng đã bán sạch, để lại cái chuồng không. Gia sản trong nhà có gì đáng giá đều bán để trả tiền lãi. Bây giờ hai đứa con ông tay trắng trở về, cuộc sống vốn nghèo càng trở nên bi đát !
 
Tình cảnh của Hoàng Văn Tân (con ông Hoàng Văn Hồng, xóm Yên Thịnh, xã Nghi Hòa, huyện Nghi Lộc) cũng chắng khá gì hơn. Tân là con út trong gia đình nông dân có 4 anh em. Mẹ mất, bố một mình xoay xở trong cảnh gà trống nuôi con. Cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Cả nhà hy vọng Tân đi lao động nước ngoài sẽ đỡ đần cho kinh tế gia đình. Tân chua xót kể: "Để có tiền cho em đi, bố đã phải vay ngân hàng hơn 20 triệu đồng. Em không giúp gì được lại còn thêm gánh nặng cho gia đình".
 
Mấy trai làng ngồi bần thần, chán nản nhìn ra cánh đồng bạc phếch. Không biết rồi đây họ và gia đình sẽ xoay xở thế nào. Dù sao thì những người nông dân chất phác cũng có được bài học về sự cả tin vào ảo tưởng làm giàu. Và còn một điều quan trọng hơn là Tân, Thiết, Lài... không mất niềm tin: “Cảm ơn mẹ Arma, chú Dũng, chị Kim Anh... (những người đã giúp đỡ họ trong thời gian ở Nam Phi) đã cho bọn em biết cuộc đời vẫn còn những người tốt, những điều tốt đẹp".
Cao Minh Thông