Thành phố, cộng hưởng của bê tông nhà cửa và đường nhựa, những trưa nắng cuồng dễ nhiệt độ ngoài trời lên đến ba tám, ba chín độ xê. Ráng mua cái điều hòa, nghiến răng trả tiền điện để vợ chồng con cái nấp vào căn phòng ngủ bé tin hin, hưởng cái mát lạnh nhân tạo mà không biết mình đang buồn hay vui. Bật thời sự ti vi, giật mình vì tin vùng cao này, vùng cao nọ nắng nóng trên bốn mươi độ. Nhớ những ngày nắng "ở rừng"...
Tôi nhớ cái trưa nắng lầm bụi đỏ nơi tột cùng Tây Bắc tỉnh nhà là Mường Piệt, Mường Phú của xã Thông Thụ huyện Quế Phong. Ông phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp hồ hởi rằng đồng bào ở đây bây giờ mê trồng rau xanh rau sạch. Có ăn rồi, còn mang đi bán dọc theo con đường mới mở thuộc dự án Quốc lộ 48 kéo dài lên cửa khẩu Thông Thụ tương lai.
Mà rau xanh thật. Chuyện lạ đấy! Su hào cải bắp, bầu bí hồn nhiên xanh trên những thửa những bãi ven khe qua mấy mùa vẫn chưa quen được với đồng bào các bản mới "di vén" ra bám trục đường; nói chi mấy noọng bên Lào vượt cột mốc I3 sang chợ Việt, về qua Mường Piệt, Mường Phú cứ tròn mắt nể phục, chờ mua bằng được mấy bó cải xanh gùi về. Đó chuyện tôi hóng được ở Trạm biên phòng đường biên của Đồn 515 ba năm về trước. Bây giờ, về lại Quế Phong, hỏi chuyện rau xanh Mường Phú, Mường Piệt không thấy ai hồ hởi kể nữa.
Xa hơn là một ngày cuối hạ năm 2001, tôi vào xã vùng sâu Tây Sơn của huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Rôm rả chuyện già làng Vừ Pa Dê trồng rừng pơ mu. Ngày đó cái nóng của trời đất Kỳ Sơn không nóng bằng chuyện người Mông bên ta bỏ làng bỏ bản di cư sang Lào. Già làng Vừ Pa Dê làm dậy nắng Tây Sơn bằng gương mẫu đi đầu miệng nói tay làm, thuyết phục bao nhiêu đàn ông đàn bà Mông ở lại gắn bó với rừng với bản.
Tôi còn giữ lại được bức ảnh chụp già Vừ Pa Dê sải bước trong chang nắng đại ngàn như một vị tướng quân biên ải, dẫn khách là các vị lãnh đạo tỉnh đi thăm rừng pơ mu bạt ngàn nghiêm ngắn siết bên nhau như một đội quân có kỷ luật. Ngót mười năm rồi, hỏi lại chuyện già làng Pa Dê ở Tây Sơn trồng rừng pơ mu giỏi, đã người nhớ người quên.
Nói chuyện rừng chuyện cây, lại muốn nhắc cây mận Tam hoa Mường Lống. Hoa mận Tam hoa từng được nhiều người mơ mộng ví quá lên rằng như một sắc hoa tiên giáng xuống thay thế thứ hoa anh túc ma mị ngự trị lâu đời ở xứ "mường lạc" quyến rũ nhưng bí hiểm này.
Ngày cây mận Tam hoa "đứng" trên đất Mường Lống cũng xuất hiện một người đàn ông Mông giỏi sản xuất cây giống đủ thứ mận, lê, đào... Đó là Lầu Vả Giống. Bây giờ, giống cây ăn quả của nhà Vả Giống đã đi khắp miền Tây, sang tận cả Lào. Hơn chục năm rồi mận Tam hoa không có lối ra, đào, lê cũng vậy.. nhưng Vả Giống vẫn cứ miệt mài tìm tòi làm cây giống, các địa phương, đồng bào tìm về mua nhiều lắm. Gặp lại Vả Giống vẫn nhớ, bảo thằng con trai bây giờ đã học trường nội trú dưới tỉnh, xuống thăm nó nhưng lo chuyện cây cỏ ở nhà, vội về.
Thì ra Mường Lống đã có thêm cây cỏ voi để phát triển chăn nuôi bò nhốt. Vả Giống lại say sưa với giống cây mới, chỉ là dịch vụ thôi. Lầu Vả Giống quả là một người đàn ông Mông đặc biệt, cái đầu chỉ nghĩ, cái tay chỉ làm mỗi chuyện giống cây ăn quả, như kiếp trước đã vậy, kiếp sau rồi cũng vậy. Không là mô hình, điển hình ồn ào chi hết. Yêu bản yêu rừng rồi lặng lẽ làm. Nhưng mà giàu vững! Cứ đặt ra một mục tiêu gần là Nhà nước lo được đầu ra cho các tập đoàn cây ăn quả được khuyến cáo, vận động, hỗ trợ trồng nhiều năm nay ở rẻo cao mà xem, Vả Giống sẽ là một trong những người góp phần làm thay đổi miền Tây đấy!
Cũng một ngày nắng, lên Nậm Càn dự lễ trao danh hiệu Anh hùng cho tự vệ - liệt sỹ Và Tồng Khư, tôi vượt dốc Sét Đánh vô thăm bản Mông sâu tít gần biên giới. Yên bình thế, khó nghĩ vừa qua nỗi đau nổ súng và một người con đồng bào Mông ra đi mãi mãi. Cái bản Mông đó rất lạ, lọt thỏm giữa đại ngàn, còn lưu giữ nhiều nét ăn ở thuần khiết nhưng thân thiện, cởi mở, dân bản tích cực phát triển chăn nuôi trâu bò nhốt, trồng nhiều cỏ voi. Bản không có nhà đói.
Không ước gì nhiều, chỉ ước một con đường vào thuận tiện, dễ bán con trâu, con bò. Người bản bảo việc di cư tự do chỉ ở kẻ xấu, kẻ lười thôi; người tốt, tay siêng thì không ai làm vậy. Quên chuyện buồn đi, nói chuyện chăn nuôi trồng cỏ voi, chuyện ước một con đường giao thông ra xã, ra huyện nhé! Tôi hiểu, đồng bào bản Mông đó đã chọn cho mình một con đường đi gắn bó với bản quê...
Không biết bây giờ ngày đỉnh nắng các huyện Con Cuông, Quỳ Châu có đo được độ xê lên chỉ số bốn mốt, bốn hai như năm trước hay không? Người ở phố nghe thế hãi, ngại đi công tác miền núi. Nhưng người ở núi xuống, chuyện bản chuyện mường miên man mà tịnh không nhắc đến cái nóng dễ chết người.
Ấy là quen rồi. Nóng nhưng nước khe suối vẫn mát lạnh, rừng già bị tàn phá nghiêm trọng vẫn kịp trồng rừng mới để vớt vát cái sinh thái. Lo là vùng mỏ đá trắng rộng lớn mạn Quỳ Hợp. Khai thác thế kia, phơi sườn đá cốt đá ra, nắng thế này thì nó hun nóng đến chí mạng.
Nhưng mà chưa ai chết nắng chết nóng. Người chết do tai nạn lao động ở các bãi khai thác đá trắng, thiếc ở Quỳ Hợp thì nhiều rồi. Vậy là cái nắng trời không bằng cái nóng của tình trạng khai thác khoáng sản vô tội vạ từ nguyên do đầu tiên của sự buông lỏng quản lý nhà nước, gây thất thoát lớn về kinh tế và mất an ninh xã hội, lòng dân.
Cái chuyện "đằng sau" hoạt động cấp phép mỏ đá của Quỳ Hợp có nghiêm trọng không, khó biết rõ. Nhưng tiếng tăm đã ra tận thủ đô. Anh bạn đồng nghiệp Báo Văn Nghệ Trẻ, mới sốt sắng điều tra phơi lên báo cũng chuyện khai thác tài nguyên chi đó, hạ bệ cả lãnh đạo một tỉnh Tây Bắc ngoài kia, gọi điện đùng đùng bảo tao sắp vào làm chuyện khai thác khoáng sản Quỳ Hợp trong mày! Tôi ừ hờ hững. Rồi đột ngột, người nhà anh gọi điện thông báo anh đột quỵ, từ trần. Giờ lan man chuyện nắng miền Tây, tôi nhớ anh, và tiếc...
Mùa nắng miền Tây lo nhất chuyện cháy rừng. Các địa phương, đơn vị chủ rừng và có rừng đều báo cáo chuẩn bị tốt, sΩn sàng ngăn lửa rừng. Nhưng cá rằng ông hỏa hay bà hỏa hỏi thăm cánh rừng nào là anh đó "chết".
Cứ nghĩ, bây giờ rừng đâu cháy là cán bộ địa phương đơn vị đó phải biết tự từ chức, thì công tác phòng cháy chữa cháy rừng sẽ có bước chuyển biến rõ. Mới rồi đọc báo, thấy thông tin về chuyện phá rừng ở dọc Nậm Nơn - Tương Dương và một số địa phương khác.
Lại thấy, nhiều nơi còn rừng đâu mà lo cháy, lo thiệt hại. Các chủ xưởng chế biến gỗ có phép hay lậu phép bây giờ nhất loạt "kêu" chính quyền và kiểm lâm làm chặt lắm. Nhiều anh tự động bán máy cưa xẻ, bỏ nghề. Mừng và nghĩ chỉ mươi, mười lăm năm trước thôi, lâm tặc ngán chính quyền và kiểm lâm như bây giờ, thì tiềm năng phát triển miền Tây ta mới khẳng định được là lớn. Là vì, một chuyên gia ngoại quốc từng khẳng định rằng, nói đến miền Tây Nghệ An là phải chỉ đích danh ra quỹ rừng đầu tiên. Mới thấy, đã "làm nghiêm" muộn...
Miền Tây ta dồi dào tiềm năng thủy điện, nổi bật có Tương Dương và Quế Phong. Nắng nóng này rì rì điều hòa cả ngày, tháng tốn thêm triệu tiền điện, nghĩ những Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố và hàng chục dự án thủy điện lớn nhỏ nữa ở miền Tây hoàn thành hoạt động hết công suất thì không biết giá điện có giảm đi không? Đó là xót ruột khi đi thanh toán tiền cho "nhà Điện" rồi lẩn thẩn vậy thôi.
Nhưng có chuyện này, trong cuộc họp về tình hình đầu tư mới đây, lãnh đạo nói rằng nếu khai thác hết tiềm năng, tổng công suất thủy điện của ta lên hàng ngàn "mê", thu ngân sách hàng năm hàng ngàn tỷ đồng.
Ngay sau đó, mũi du lịch họp, có ý kiến tâm huyết gay gắt rằng, du lịch hướng khai thác sinh thái miền Tây là chiến lược đem lại nguồn thu rất lớn, nhưng nguy cơ các dự án thủy điện sẽ làm hỏng cả... Chẳng biết thế nào nữa. Nhưng có những việc quả cần xem xét lại, tỷ như Sao Va của Quế Phong, trên thác không xa người ta làm một nhà máy thủy điện nhỏ. Thôi thì, ngày nắng không tắm thác nữa, nằm nhà bật quạt điện mơ về thác vậy!
Nói về du lịch, lại nhớ vào hạ năm 2004, tôi theo đoàn chuyên gia du lịch Tây có, ta có ngược nguồn khe Khặng - Con Cuông vào khảo sát bản Giữa người Đan Lai không tái định cư mà có ý định bảo tồn nhắm cho "tua" du lịch tầm quốc tế khai thác tiềm năng sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát. Cảnh non nước mây trời ở đây đương nhiên là đẹp. Trưa khỏa thân tắm táp xong ăn bữa cơm lam, thịt rừng luộc chấm muối trộn mặc - khẻn thật tuyệt cú.
Lên thăm nhà trưởng bản, mời chén nữa rồi ề à bảo tôi làm cái nhà sàn đẹp này là cái thứ bảy, cứ làm xong có người hỏi mua là bán, nhà này cũng sắp bán, đang chuẩn bị gỗ làm nhà mới. Ôi trời! Thế hóa ra bảo tồn cho được người thì mất hết rừng, lấy chi nữa mà thăm thú. Không biết có phải lo thế hay không mà ban chỉ đạo phát triển du lịch không nhắc chi đến việc xây dựng hẳn một tua du lịch đến cái điểm kỳ vọng bảo tồn này nữa. Pù Mát có Khe Kèm, ít người muốn đến lần hai là vì phần dịch vụ quá kém. Tôi đi suối cá thần Thanh Hóa, hẳn nhiên là lạ, nhưng cũng là cá thôi, không thần thánh chi hết. Giỏi là họ làm dịch vụ. Bài bản, quy mô, sầm uất, phong phú sản phẩm vật phẩm... khách nườm nượp và không ai không rộng tay tiêu tiền.
Ngại ngần nắng gió, nhưng nếu bứt được công việc ở phố để làm một chuyến miền Tây, với người ham đi luôn là sự háo hức mới mẻ. Mọi dòng sông đều có cội nguồn từ núi. Tôi luôn muốn đi về phía núi nơi đầu nguồn của những dòng sông. Hẹn một chuyến miền Tây trong con nắng này...