Lâu nay, các cụm từ "Làng Đỏ", "Nghệ - Tĩnh Đỏ", nhất là "Vinh - Thành phố Đỏ" được sử dụng nhiều trong diễn văn mít tinh, đặt tên sách, tên ca khúc. Thỉnh thoảng, trên trang truyền hình Thành phố Vinh chúng ta cũng được nghe phát thanh viên nói: Vinh- Thành phố Đỏ anh hùng...


Có nhiều người quan tâm, nhất là các cháu thanh niên, muốn hiểu kỹ nguồn gốc các địa danh được mang thêm từ "Đỏ" này. Tôi nẩy ra ý định tìm hiểu.


Từ "Đỏ" ra đời trong Cách mạng tháng 10 Nga, năm 1917, như "Quảng trường Đỏ", "Hồng Quân", "Cận vệ Đỏ"... Ở Việt Nam, từ "Đỏ" xuất hiện trong phong trào Xô- Viết Nghệ- Tĩnh những năm 1930-1931, như "Nông hội Đỏ", "Xích vệ Đỏ" (ở nông thôn), "Công hội Đỏ", "Sinh hội Đỏ", "Cứu tế Đỏ" (ở thành thị). Kẻ thù của cách mạng thì gọi là "Làn sóng Đỏ". Macsty, Giám đốc Nha Chính trị Phủ toàn quyền Đông Dương của Pháp viết: "Làn sóng Đỏ do sự tuyên truyền cộng sản gây ra trong các năm 1930-1931 tại một số vùng Trung kỳ..." (Lịch sử Nghệ- Tĩnh, T1, NXB Nghệ - Tĩnh, 1984).


Khi phong trào phát triển mạnh, một hình thức chính quyền mới gồm công nông, binh sỹ người nghèo ra đời ở nhiều làng, xã vùng nông thôn Nghệ - Tĩnh gọi là Chính quyền Xô - Viết (Dẫn ý của Báo Giác Ngộ, số ra ngày 21/9/1930, theo sách Lịch sử Nghệ - Tĩnh, đã nêu).


Trong thư gửi Quốc tế nông dân ngày 5/11/1930, nói về phong trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: "Hiện nay ở một số làng Đỏ, Xô Viết nông dân đã được thành lập. Một trong những địa phương đó là làng Yên Dũng Thượng". (Tức phường Hưng Dũng, thuộc TP. Vinh ngày nay). Vậy, gọi làng Đỏ Hưng Dũng bây giờ là sự kế thừa làng Đỏ Yên Dũng Thượng trong phong trào Xô- Viết Nghệ - Tĩnh từ năm 1930-1931.


Khi cuộc đấu tranh phát triển đến đỉnh cao, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 33 huyện, 111 tổng, 1.234 xã nổi dậy chống đế quốc phong kiến; nghĩa là màu Đỏ cách mạng đã trào dâng và lan tràn khắp quê hương Nghệ - Tĩnh. Trong báo cáo có nhan đề "Nghệ - Tĩnh Đỏ", gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản ngày 19/2/1931, Nguyễn Ái Quốc đánh giá: "Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia 1905-1925, Nghệ -Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ truyền thống cách mạng của mình, Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!".

Vậy, cụm từ "Nghệ - Tĩnh Đỏ" được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng để gọi phong trào Xô- Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Riêng cụm từ "Vinh- Thành phố Đỏ", cuốn sử thành phố chỉ ghi: "Vinh- Bến Thủy có Nông hội Đỏ, Sinh hội Đỏ, Cứu tế Đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ Nữ giải phóng ở đây cũng là những đoàn thể mang phẩm chất Đỏ, nên về sau Vinh cũng được gọi là Thành phố Đỏ" (Lịch sử Thành phố Vinh, tập 1, 1998). Như vậy, danh hiệu "Vinh - Thành phố Đỏ" về sau (tức sau 1930-1931) mới được gọi, nhưng được ai gọi, có văn bản hay nói miệng, thời gian cụ thể nào thì sách Lịch sử Thành phố Vinh chưa nói đến?


Theo giải thích của một số vị lão thành cách mạng và những người hoạt động bảo tồn, bảo tàng tỉnh Nghệ An, thì sự xuất hiện danh hiệu "Vinh - Thành phố Đỏ" không có đầy đủ các điều kiện như đối với "Làng Đỏ" hay "Nghệ -Tĩnh Đỏ". Nhưng trong phong trào Xô- Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), Vinh- Bến Thủy là đô thị có phong trào phát triển mạnh trong công nhân và dân nghèo. "Kia Bến Thủy đứng đầu dậy trước", lời thơ trong bài ca tuyên truyền cách mạng hồi ấy nói lên điều đó.

Mặt khác, làng Yên Dũng Thượng của Vinh - Bến Thủy được gọi là "Làng Đỏ" ngày ấy, nay vẫn là Làng Đỏ- Hưng Dũng, thuộc TP. Vinh. Vinh dự của Hưng Dũng cũng là vinh dự chung của thành phố. Nên về sau, mới có chuyện gắn danh hiệu "Làng Đỏ" và "Thành phố Đỏ" mỗi khi phát động phong trào sản xuất, chiến đấu để động viên, kêu gọi nhân dân...


Tìm hiểu một số tư liệu về các cụm từ "Làng Đỏ", "Nghệ - Tĩnh Đỏ"và "Vinh- Thành phố Đỏ", có thể còn chưa đầy đủ, tuy vậy tôi cũng xin mạnh dạn giới thiệu với bạn đọc, mong mọi người, nhất là các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố qua các thời kỳ phát hiện, điều chỉnh, bổ sung để lớp trẻ ngày nay hiểu rõ hơn về quê hương mình!


Vũ An