Đã hơn 10 lần, Lễ hội Làng Vạc được tổ chức. Lần nào cũng vậy, du khách đến với làng Vạc rất đông. Không chỉ những người dân vùng Phủ Quỳ "hành hương" về nguồn mà bà con các dân tộc từ nhiều địa phương khác cũng tìm về để chiêm nghiệm, tưởng nhớ đời sống xa xưa của cư dân tiên tổ. Lễ hội Làng Vạc mở hội vào mùa Xuân trọn vẹn trong 3 ngày 7 đến 9-2 âm lịch hàng năm.

Theo tài liệu nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Chinh thì làng Vạc không chỉ đơn giản là một làng quê nhỏ mà tầm vóc của làng Vạc được xem là trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả.

763263_small_56985.jpgRước Vạc đồng tại Lễ hội Làng Vạc hàng năm.

Đến nay, khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được quy hoạch chi tiết gắn với phát triển du lịch sinh thái rộng 150 ha. UBND thị xã Thái Hòa đã triển khai đầu tư nâng cấp một số hạng mục phục vụ nhân dân hành hương vào những ngày lễ.

Mới đây, cộng đồng các doanh nghiệp Thái Hòa đã góp sức mua và rước tượng đồng biểu tượng các Vua Hùng về điện thờ chính tại làng Vạc để giúp nhân dân có điều kiện chiêm nghiệm lại các bậc tiên tổ đã dựng nước, mở cõi.

Như vậy đến với làng Vạc không phải những ngày mở hội mà bất kỳ thời gian nào trong năm, cũng có thể thắp một nén nhang tưởng nhớ tiên tổ, xem các hiện vật còn lưu giữ về cuộc sống của người xưa và chiêm ngưỡng cảnh đẹp vùng đất linh thiêng huyền thoại.

Cùng với làng Vạc, trở lại Đông Hiếu, nơi có những đặc trưng rất riêng của vùng đất Phủ Quỳ với những lô cà phê catimor xanh mướt, cao vút; thoáng rộng với cao su, trang trại trồng cỏ nuôi bò sữa bạt ngàn và điều quan trọng hơn cả là trở lại nơi " dấu chân cuối cùng" của Bác trong lần về thăm quê lần thứ 2.

Nơi đây, đúng 9h, ngày 10-12-1961, Bác Hồ trong lần về thăm quê lần thứ 2, đã lên thăm và nói chuyện với bà con các dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ khá đầy đủ các hiện vật gần như tái hiện lại được các hoạt động của Người sau gần 50 năm: nơi Bác đứng nói chuyện với cán bộ và nhân dân các dân tộc đã có bia dẫn tích khắc ghi lời Bác dạy; nhà trưng bày hiện vật còn thể hiện sinh động đầy đủ các hoạt động của Bác.

Ông Nguyễn Khơ, đã 85 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, nguyên là cán bộ Trưởng phòng Hành chính Nông trường trực tiếp chăm sóc gần gũi Bác khi đó là nhân chứng sống để giúp chúng ta phần nào hiểu hơn về " tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thông qua những gì đang lưu giữ về sinh hoạt, tác phong của vị lãnh tụ rất bình dị, đời thường.

Từ năm 2006, Khu di tích Bác Hồ về thăm tại xã Đông Hiếu đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa và Thị xã Thái Hòa cũng đang tiến hành quy hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt tổng thể để đầu tư.

Tạm biệt làng Vạc, tạm biệt Đông Hiếu, trở lại với Thị xã Thái Hòa, một thị xã trẻ, năng động vùng Tây Bắc. Trong sự ồn ào náo nhiệt của phố thị, Lâm viên Bàu Sen, kè bờ Tây, bờ Đông sông Hiếu là những nơi du khách có thể tìm lại những phút dây thư giãn thoải mái sau một chặng " về nguồn" và theo Dấu chân của Bác.

Lâm viên Bàu Sen được thị xã Thái Hòa xác định là " lá phổi xanh" và đang tiến hành quy hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng trên diện tích 14 ha bao gồm các hạng mục khu vui chơi thanh thiếu nhi, khu sinh vật cảnh, khu vui chơi thể thao nhà hàng.

Đối với kè đôi bờ sông Hiếu thì kè bờ Tây đã xong, kè bờ Đông đang chuẩn bị xây dựng. Tại vị trí này, du khách cũng có thể ngắm cảnh trời đất giao hòa vào những buổi chiều, thư giãn để thấy toàn cảnh một thị xã trẻ năng động vùng miền Tây và trong chiến lược phát triển sẽ là thành phố vùng Tây Bắc của tỉnh Nghệ An.


Nhuyễn Sơn